Bán hàng dưới giá vốn

CTCP Ô tô TMT (HoSE-TMT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với khoản lỗ gần 93 tỷ đồng so với mức lãi hơn 140 triệu đồng cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế 9 tháng, TMT lỗ gần 192 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 2,4 tỷ đồng cùng kỳ. Mức lỗ này bằng khoảng 52% vốn điều lệ của công ty.

Trước đó, TMT đã lỗ trong quý II và quý IV năm 2023, quý II năm 2024, cũng như lãi rất ít trong các quý khác.

Trong quý I/2024, TMT lãi chưa tới 270 triệu đồng, chỉ tương đương giá một chiếc xe điện Wuling.

Theo giải trình, về khách quan, CTCP Ô tô TMT thua lỗ trong quý III/2024 do “khó khăn kinh tế chung, bất động sản đóng băng, nguy cơ về lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu…” khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu.

Còn về chủ quan, do “chi phí tài chính quá cao trong nhiều năm qua vì hàng tồn kho lớn, qua đó phát sinh thêm nhiều chi phí trong sản xuất kinh doanh.

TMTWuling TMT.gif
Wuling Hongguang MiniEV. Ảnh: TMT

Trên thực tế, báo cáo tài chính cho thấy TMT – do ông Bùi Văn Hữu làm chủ tịch – đã bán hàng dưới giá vốn, qua đó khiến lợi nhuận gộp âm.

Cụ thể, trong quý III/2024, TMT ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 352 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán lên tới hơn 393 tỷ đồng. Như vậy, TMT đã lỗ gộp, chưa tính tới các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí, thuế khác…

Tính trong 9 tháng, TMT cũng bán hàng dưới giá vốn, với doanh thu thuần hơn 1.675 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán là hơn 1.707 tỷ đồng, qua đó khiến lợi nhuận gộp âm.

Bán xe điện Trung Quốc gặp khó

TMT gặp khó khoảng 2 năm gần đây trong bối cảnh tiêu thụ xe ô tô nói chung giảm sút. Hoạt động kinh doanh của TMT cũng bị giảm sút mạnh sau khi kế hoạch kinh doanh mẫu xe điện Trung Quốc giá rẻ Wuling Hongguang MiniEV không đạt kỳ vọng.

Không chỉ kinh tế khó khăn và sức cầu yếu, TMT còn sa lầy với mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng tại Trung Quốc Wuling Hongguang MiniEV do liên doanh General Motors (Mỹ) – SAIC (Trung Quốc) – Wuling (Trung Quốc) sản xuất.

Wuling từng là mẫu xe ô tô cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới 4 năm liên tiếp (2020-2023). TMT bán xe này giá chỉ từ 239 triệu đồng/xe nhưng doanh số rất thấp. Có nhiều thời điểm, Wuling còn được giảm giá thêm vài chục triệu đồng.

Dù vậy, việc bán xe Wuling khá chậm. Trong năm 2023, TMT chỉ bán được 591 chiếc xe điện Wuling HongGuang MiniEV, thấp hơn nhiều so với kế hoạch bán hơn 5.500 chiếc.

Trong năm 2024, TMT đặt mục tiêu bán 1.016 chiếc xe điện.

Có thể thấy, hoạt động bán xe ô tô điện của TMT không hiệu quả trong khi doanh nghiệp phải chi khá nhiều tiền để phân phối dòng xe này tại Việt Nam. 

TMT Motors hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô, phụ tùng các loại. Doanh nghiệp được biết đến với nhiều sản phẩm xe tải nổi tiếng như Cửu Long, Tata, Howo, xe đầu kéo Sinotruk,… có tải trọng lớn.

Trong những năm 2014-2017, TMT ghi nhận lợi nhuận cao, tương ứng 64 tỷ đồng, 187 tỷ đồng, 48 tỷ đồng và hơn 11 tỷ đồng. Năm 2021 và 2022, TMT cũng báo lợi nhuận hơn 41 và hơn 48 tỷ đồng.

Doanh nghiệp của ông Bùi Văn Hữu bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2023. Đây cũng là thời điểm TMT gây tiếng vang khi tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả chưa tương ứng với tham vọng. Mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt khi VinFast (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đẩy một lượng lớn xe điện ra thị trường, cùng lúc xuất hiện thêm nhiều ông lớn như BYD của Trung Quốc cũng tham gia.

Trong năm 2024, TMT Motors đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 38,5 tỷ đồng. TMT có kế hoạch bán bớt tài sản, cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động; đồng thời đẩy nhanh tái cấu trúc từ sản phẩm, nhà cung cấp, đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lý do lỗ cũng do TMT đẩy mạnh giải phóng hàng tồn kho với mục tiêu phát triển bền vững hơn.

Trước đó, kiểm toán nhấn mạnh vấn đề lỗ lũy kế và việc nợ ngắn hạn của TMT vượt qua tài sản ngắn hạn cả trăm tỷ đồng cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty này.

TMT cho biết: Riêng với xe điện, công ty đã thống nhất với đối tác nước ngoài để lựa chọn các sản phẩm phù hợp thị trường Việt Nam, đặc biệt đã thống nhất được về giá bán có sức cạnh tranh cao phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Hãng xe điện lớn nhất thế giới sắp vào VN: 90% bán ở nội địa, vượt cả Tesla của Elon MuskÔng lớn xe điện Trung Quốc BYD sẽ vào Việt Nam từ tháng 6. Dù đã vượt qua Tesla của tỷ phú Elon Musk, tuy nhiên với gần 90% doanh số bán ra tại quê nhà, hãng xe điện lớn nhất thế giới đối mặt nhiều khó khăn với thị trường bên ngoài.