Đầu năm mới, Báo TG&VN có cuộc trò chuyện thú vị với PGS. TS Đinh Hồng Hải – Trưởng Bộ môn Nhân học Văn hóa, Khoa Nhân học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), xung quanh câu chuyện về bản sắc Việt thời hội nhập.
Dân công dùng xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. (Nguồn: TTXVN) |
Với nhiều năm nghiên cứu về nhân học văn hóa, PGS. TS Đinh Hồng Hải cho rằng khi tiếp thu văn hóa phương Tây cùng rất nhiều thành tố văn hóa khác trong thời hội nhập, người Việt phải nhận ra chúng ta là ai, chúng ta phải như thế nào, phải “gạn đục khơi trong” ra sao… Đó chính là cách để tìm về bản sắc Việt.
“Bản sắc Việt là gì” là câu hỏi không mới, đã được bàn đi bàn lại ở nhiều nơi, trong nhiều diễn đàn. Còn theo quan niệm của ông?
Theo tôi, chúng ta đề cập bản sắc Việt chính là những vấn đề cốt lõi của văn hóa Việt. Văn hoá ở đây có hai yếu tố: bản địa (truyền thống) và hội nhập. Cho nên, để trả lời được câu hỏi “bản sắc Việt là gì”, cần hiểu được hai yếu tố văn hoá trên.
Khi đề cập văn hóa Việt Nam (trên thực tế có truyền thống hàng nghìn năm), nhưng để chỉ rõ truyền thống ấy là gì thật không dễ như khi chúng ta nhìn vào tinh thần võ sĩ đạo trong văn hóa Nhật Bản, hay yếu tố tôn giáo trong văn hoá Ấn Độ…
Với văn hóa Việt Nam, tôi cho rằng cách lý giải phù hợp nhất chính là cách nhìn của GS. Trần Quốc Vượng khi ông cho rằng nền văn hóa Việt Nam là “nền văn hóa ở ngã tư đường”. Đó là nền văn hóa mà bản thân nó đã hội nhập, chấp nhận cả văn hóa phương Đông lẫn văn hóa phương Tây. Tất cả những yếu tố này đều được người Việt Nam tiếp thu.
Tuy nhiên, có đặc tính quan trọng nữa của người Việt Nam khi tiếp nhận các thành tố văn hoá từ bên ngoài là hầu như mọi thứ đều cải biến để phù hợp với văn hóa Việt Nam. Sự cải biến ở đây tạo thành cái thuần Việt, mặc dù trong đó có hàm chứa cả văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây nhưng cái cuối cùng vẫn là văn hóa Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ như hình tượng con nghê trong văn hoá Việt Nam. Có người gọi nó là sư tử, có người gọi nó là chó nhưng thực tế nó là nghê – một con vật hư cấu. Giống như con rồng, con ly trong văn hoá Trung Hoa nhưng khi du nhập vào Việt Nam nó kết hợp rất nhiều yếu tố để tạo thành nên một linh vật riêng của người Việt.
PGS. TS Đinh Hồng Hải. |
Vì vậy, con nghê hoàn toàn mang đặc trưng của Việt Nam, khác với sư tử của Trung Hoa, hay Ấn Độ. Đặc biệt, khi được Việt hóa thì con vật này mang đặc trưng nghệ thuật Việt Nam. Như vậy, chính nghệ thuật dân gian của người Việt đã tạo nên vẻ đẹp của con nghê.
Một ví dụ nữa khi chúng ta vào thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam có thể thấy một hiện vật là xe đạp thồ Điện Biên. Trên thực tế, chiếc xe đạp ấy được sử dụng rất phổ biến trong văn hóa nông nghiệp của Việt Nam. Người ta có thể chở được nhiều tạ hàng hoá bằng một chiếc xe đạp như vậy, nhưng những người phương Tây thì không tin nổi điều này. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ, dân quân còn chở hàng hóa trên địa hình rất gồ ghề, hiểm trở.
Đây chính là cách một sản phẩm của văn hóa phương Tây trở thành một biểu tượng của văn hoá Việt Nam. Chiếc xe đạp bình thường ấy đã được Việt hoá thành xe đạp thồ chỉ có ở Việt Nam.
Trong thời hội nhập, chúng ta hay nhắc nhở nhau rằng “hoà nhập nhưng không hoà tan”. Theo ông, vì sao không nên đánh mất bản sắc?
Trong chuyên ngành chúng tôi có cụm từ “biến đổi văn hóa”. Đây là quy luật mà chúng ta không thể tránh được, vì lịch sử thay đổi thì văn hoá cũng biến đổi và đương nhiên mỗi thời đại văn hóa đều biến đổi theo.
Với các quy luật như vậy, điều quan trọng là con người sẽ phải thích nghi thế nào. “Hòa nhập mà không hoà tan” chính là giữ được cái đặc trưng của văn hoá hay giữ được nét văn hoá truyền thống của mình. Bất kỳ dân tộc nào cũng cần giữ điều này, nói như GS. Hoàng Tụy thì “mất văn hóa là mất tất cả”.
Yếu tố “gạn đục khơi trong” trong văn hóa chính là tiếp thu cái mới, tôn vinh cái cũ, kết hợp để tạo được cái riêng của mình.
Có thể so sánh với cách các dân tộc khác đang thích nghi. Chẳng hạn như, đặc trưng tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật được đưa vào trong các sản phẩm công nghệ. Sự minh bạch và chất lượng cao của hàng Nhật chính là câu trả lời cho tinh thần này, điều đó có nghĩa họ đã tạo nên một giá trị văn hóa mới trong bối cảnh mới.
Vậy để có thể giữ gìn bản sắc cũng như tạo ra những giá trị mới, người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần phải chú trọng điều gì, thưa ông?
Cái quan trọng nhất, như Phan Chu Trinh đã nói cách đây hơn 100 năm, trong tác phẩm ngắn gọn Chi bằng học của ông.
Tại thời điểm ấy, Phan Chu Trinh đã nhìn ra cái thua kém của dân tộc chúng ta chính là thiếu học.
Bởi vậy, nếu người trẻ hiện nay muốn tiến bộ thì phải học cái mới, cái hay không chỉ ở khoa học công nghệ mà còn ở các nền văn hoá của các quốc gia khác.
Đây chính là cách mà người Nhật, người Hàn trở thành con rồng, con hổ của châu Á. Việt Nam muốn phát triển chỉ có theo cách của Phan Chu Trinh: Chi bằng học. Những điều ông đề cập như “Khai dân trí – chấn dân khí – hậu dân sinh” cũng dựa trên nền tảng học tập là yếu tố đầu tiên.
Hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: Hoàng Trang) |
Theo ông, nét bản sắc thế mạnh của người Việt trong thời hội nhập là gì?
Tôi thấy có người nói người Việt Nam mình thông minh, nhưng cũng có người không công nhận điều này.
Có điểm nổi bật là trong hoàn cảnh nhất định, người Việt có tinh thần vượt khó rất cao. Chẳng hạn như, trong hoàn cảnh chiến tranh hay các giai đoạn khó khăn gian khổ, người Việt đều vượt qua được nhờ tinh thần đó.
Không dễ để tìm được từ sát nghĩa cho tố chất ấy nhưng tôi cho rằng đây là thế mạnh của người Việt Nam.
Vậy đâu là điểm yếu của người Việt?
Người Việt Nam có một điểm yếu là khi đã thành công rồi thì hay “ngủ quên trên chiến thắng”, hay sự thiếu đoàn kết cũng là một đặc tính khá rõ.
Mỗi cá nhân người Việt Nam cần tự biết mình mạnh và yếu về thứ gì để có thể phát huy tiềm năng, kiểm soát hạn chế.
Từng có thời gian sinh sống ở Mỹ, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách dạy dỗ để con cái giữ gìn được bản sắc Việt?
Có một câu chuyện nhỏ thế này. Khi con tôi học mẫu giáo ở Mỹ, lớp học rất đa dạng với các học sinh đa quốc tịch. Con tôi chơi rất thân với một bé người Do Thái.
Trong một cuộc trò chuyện với bạn của con, chúng tôi có hỏi ở nhà cháu nói tiếng gì thì cháu bảo ở nhà phải nói tiếng Do Thái, trong khi ở lớp dùng tiếng Anh và bé học thêm cả tiếng Tây Ban Nha.
Điều này nói lên cái mà người Do Thái giữ được bản sắc là ngôn ngữ, văn hoá và tôn giáo của họ. Đây chính là một kinh nghiệm dành cho các bố mẹ người Việt khi sinh sống ở nước ngoài!