Sáng 27/5, PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, trả lời VnExpress về đề xuất công bố hết Covid-19 tại Việt Nam.
– Mười ngày trước, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam. Theo ông, các điều kiện để công bố hết dịch ở nước ta hiện nay như thế nào?
– Từ giữa năm 2022, tôi từng đề xuất Việt Nam nên xem xét công bố hết Covid-19, coi đây là dịch bệnh truyền nhiễm thông thường và chuẩn bị thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng để đất nước chuyển trạng thái, dồn nguồn lực phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Sau đó, các cơ quan đã thận trọng lắng nghe ý kiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chuyên gia dịch tễ, bởi đây là đại dịch lần đầu xuất hiện trên thế giới. Đến nay, từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, tôi cho rằng Việt Nam có thể yên tâm công bố hết Covid-19 bởi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết.
Điều kiện đầu tiên, hiện nay tỷ lệ bệnh nặng hầu như không còn. Đây là điều quan trọng nhất quyết định việc chuyển trạng thái phòng chống dịch. Toàn quốc hầu như không còn bệnh nhân tử vong do Covid-19. Từ thực tế hai bệnh viện tôi phụ trách cho thấy, những ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng, có dương tính Covid-19. Điều đó cho thấy dù Covid-19 vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không còn gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, không còn nguy cơ gây tử vong cao. Như vậy, chúng ta có thể coi Covid-19 như nhiều bệnh truyền nhiễm thông thường khác.
Điều kiện thứ hai, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao trên diện rộng. Toàn quốc đã tiêm được hơn 266 triệu liều. Tất cả người từ 12 tuổi được tiêm đủ hai mũi cơ bản. Tỷ lệ tiêm mũi ba cho người từ 18 tuổi đạt 81%; tiêm mũi bốn cho người từ 18 tuổi nguy cơ cao đạt 89%; mũi ba cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69%.
Điều kiện thứ ba, tình hình Covid-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng 5, WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Đây là ba điều kiện cơ bản và cần thiết để Việt Nam chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) sang nhóm B (các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong) và công bố hết dịch bệnh.
– Sau khi công bố hết Covid-19, các khuyến cáo chống dịch cần thay đổi ra sao?
– Khi Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần coi đây là bệnh lý chuyên khoa và xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Người nhiễm Covid-19 có thể tìm đến các chuyên khoa để khám, điều trị. Việc chi trả cũng cần ứng xử như các bệnh lý khác, nghĩa là do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ cho người dân tự chi trả.
Về tiêm vaccine, với sự biến đổi nhanh chóng và liên tục của các chủng virus như hiện nay, rất cần những nghiên cứu và khuyến cáo của các nhà khoa học, chuyên gia dịch tễ. Hiện nay chưa có những khuyến cáo cần thiết, nhưng tôi đề xuất chỉ nên tiêm vaccine mũi nhắc lại với nhóm dân số nguy cơ rất cao, bởi Việt Nam đã bao phủ đủ hai liều cơ bản cho nhóm dân số từ 12 tuổi. Chúng ta không nên duy trì tiêm vaccine Covid-19 đại trà và định kỳ như trước đây nữa.
Các cơ quan chuyên môn chỉ nên khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nơi đông người trong môi trường kín, để vừa phòng Covid-19 và những bệnh truyền nhiễm khác như cúm mùa.
– Việt Nam cần chuẩn bị thích ứng với giai đoạn hậu Covid-19 và ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra như thế nào?
– Trải qua ba năm chống dịch, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ. Đại dịch Covid-19 đi qua cho thấy có những người trong dịch bệnh đã cố gắng phấn đấu hơn 100% sức lực, nhưng sau đó lại xảy ra những chuyện vô cùng đáng tiếc.
Vì vậy, Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị cả vật chất, văn bản pháp luật, quy trình, hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai hoặc khả năng Covid-19 bùng phát trở lại.
Tôi đề xuất Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn việc sử dụng các nguồn lực vật tư, trang thiết bị y tế đã được chuẩn bị để chống dịch trước đây, nhằm giúp các bệnh viện đủ khả năng duy trì điều trị khám chữa bệnh thông thường. Bộ nên giao các bệnh viện, địa phương tự quyết định việc sử dụng để tránh lãng phí những trang thiết bị đã được mua sắm rất nhiều tiền.
Thế kỷ 21 dự báo mô hình bệnh tật thay đổi rất nhiều. Đại dịch Covid-19 đi qua, hậu quả để lại đến nay có thể vẫn khiến nhiều người còn sợ hãi, nhưng chúng ta cũng không được quên nhiệm vụ quan trọng là ứng phó với các bệnh không lây nhiễm gây tử vong hàng đầu hiện nay như tim mạch, ung thư.
Nhà nước cần phân bổ nguồn lực cân đối để vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, vừa có thể ứng phó tốt với các đại dịch có thể xảy ra.
Ngày 18/5, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị hồ sơ chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch tại Việt Nam.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Y tế chuẩn bị nội dung, chương trình, phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức họp công bố kết thúc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.
Bộ Y tế có nhiệm vụ căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam, xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch bệnh giai đoạn 2023-2025.
Viết Tuân