“Truyền thống” không công bố thông tin
Ngân hàng Thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank – UPCoM: PGB) mới đây đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 157,5 triệu đồng do mắc phải loạt hành vi vi phạm công bố thông tin.
Ngân hàng đã công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với một số Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT), các báo cáo liên quan trái phiếu…
Đồng thời PGBank đã công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022, 2023.
Ngân hàng còn không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và năm 2023.
Sự khác biệt giữa việc công bố thù lao của PGBank với các ngân hàng khác tại BCTC.
Trên thực tế, kể từ năm 2020, khi bắt đầu lên sàn UPCoM, nội dung liên quan đến thù lao của các thành viên vẫn luôn không được công bố rõ ràng tại các văn bản của PGBank.
Ngoài thông tin về thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát được công bố tại Tờ trình ĐHĐCĐ, các văn bản khác của PGBank không đề cập đến mức thù lao của nhân sự cấp cao.
Từ ngày 1/7, Luật các TCTD sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Trong đó quy định, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin.
Cũng trong ngày 1/7, PGBank có thông báo về việc cung cấp, công bố công khai thông tin các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 49, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024.
Theo đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cung cấp thông tin về họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu của cổ đông là người nước ngoài; số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này hoặc thay đổi thông tin về người có liên quan.
Thời hạn công bố thông tin là 7 ngày làm việc kể từ ngày có phát sinh hoặc thay đổi thông tin. Đến thời điểm hiện tại (ngày 18/7), PGBank vẫn chưa công bố thêm thông tin nào về các cổ đông sở hửu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng.
3 cổ đông chiến lược đều sở hữu trên 10% vốn
Đáng chú ý, 3 cổ đông chiến lược của PGBank là đều đang sở hữu quá 10% vốn điều lệ. Cụ thể, công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh sở hữu 13,099% vốn.
CTCP Quốc tế Cường Phát sở hữu 13,541% cổ phần có quyền biểu quyết. CTCP Thương mại Vũ Anh Đức có tỉ lệ sở hữu 13,359%.
Trong năm 2024, dù PGBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm tối đa 800 tỷ đồng, từ 4.200 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, tại văn bản tăng vốn điều lệ của ngân hàng tỉ lệ trên dự kiến vẫn không thay đổi.
Điều này chưa phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 63, Luật các TCTD (sửa đổi) hiện hành. Cụ thể, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD.
Theo quy định chuyển tiếp, các cổ đông này của PGBank tại khoản 11 Điều 210 Luật các TCTD 2024, cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Về 3 cổ đông chiến lược tại PGBank, nhóm cổ đông này xuất hiện sau thời điểm Petrolimex thoái toàn bộ 40% vốn tại ngân hàng này.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, 2 trong 3 pháp nhân trên có liên quan đến Tập đoàn Thành Công (TC Group). Cụ thể, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Vũ Anh Đức cập nhật tới giữa năm 2022 là ông Vũ Văn Nhuân. Ông Nhuân thời điểm đó là Giám đốc Công ty TNHH TCHB – công ty con của CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ TC Việt Hưng.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Quốc tế Cường Phát ông Nguyễn Văn Mạnh là cổ đông sáng lập của CTCP Quốc tế PL – pháp nhân thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn, trong đó ông Nguyễn Toàn Thắng – em trai ông Tuấn sở hữu 40%; bà Nguyễn Hồng Hạnh, phu nhân ông Thắng, sở hữu 50%.
Tổng tỉ lệ sở hữu tại PGBank của 2 cổ đông trên đang là 26,9% trong khi quy định tại Luật các TCTD mới là cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD.
Trong thời gian tới, liệu PGBank có kế hoạch gì nhằm giảm tỉ lệ sở hữu của các cổ đông trên hay không? Tháng 8 tới đây, ngân hàng dự kiến họp ĐHĐCĐ bất thường, nhưng trong nội dung tài liệu ĐHĐCĐ chỉ dự kiến bầu bổ sung thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025.
“Thay da đổi thịt” sau sự xuất hiện của TC Group
Sau khi đón nhóm cổ đông mới, tại PGBank cũng đã diễn ra nhiều sự thay đổi lớn. Ngân hàng đã chính thức đổi tên thương mại thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển, tên tiếng Anh là Prosperity and Growth Commercial Joint Stock Bank, viết tắt là PGBank.
Đồng thời thay đổi bộ nhận diện thương hiệu mới với trung tâm của logo được thay thế bằng một chữ S cách điệu.
PGBank thay đổi bộ nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh đó, sau hơn 1 thập kỷ im hơi lặng tiếng, PGBank chính thức có kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu. Thời điểm tháng 3/2024, ngân hàng đã hoàn tất phân phối 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, mở rộng quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
Dàn nhân sự cấp cao tại ngân hàng cũng liên tục biến động. Chỉ trong vòng 5 tháng, ngân hàng đã đổi 3 Chủ tịch HĐQT.
Ngoài ra, một cái tên đáng chú ý xuất hiện tại HĐQT PGBank là Phó Chủ tịch Đào Phong Trúc Đại. Ông Đào Phong Trúc Đại từng Thành viên HĐQT độc lập của Eximbank, đại diện của nhóm Tập đoàn Thành Công.
Bên cạnh đó, ông Đại từng đảm nhiệm nhiều chức vụ chủ chốt tại các doanh nghiệp “họ” Thành Công như Giám đốc Tài chính CTCP kỹ thuật dịch vụ Thành Công, Tổng Giám đốc CTCP Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành công Việt Hưng, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess…
Tại ĐHĐCĐ hồi tháng 4 vừa qua, khi được hỏi về vai trò của Thành Công Group đối với PGBank, Thành Công sẽ hỗ trợ tái cấu trúc đối với PGBank như thế nào và liệu hệ sinh thái Thành Công Group có là lợi thế của ngân hàng, Ban lãnh đạo PGBank cho biết, Thành Công Group là một trong những đối tác chiến lược của PGBank.
Vì vậy, công ty sẽ tham gia với tư cách là một đối tác hỗ trợ, hợp tác trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Khi trả lời về các sản phẩm dịch vụ khác biệt với các ngân hàng khác trên thị trường, đại diện ngân hàng cũng cho biết sẽ thực hiện sản phẩm may đo cho khách hàng cá nhân thuộc đối tác chiến lược như TC Group, Petrolimex và nhóm hệ sinh thái liên quan.
Đồng thời, ngân hàng tập trung bảo lãnh/cho vay các sản phẩm đại lý ô tô Hyundai do TC Group sản xuất, lắp ráp và phân phối tại Việt Nam.
PGBank cũng đưa ra kế hoạch thay đổi vị trí đặt trụ sở chính sang Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo giới thiệu trên website của Công ty TNHH Quản lý tài sản và dịch vụ Thành Công, thành viên thuộc Tập đoàn Thành Công, chủ đầu tư của toà HEAC chính là Thành Công Group.
Tại báo cáo tài chính quý I/2024 của CTCP Chứng khoán DSC, một công ty liên quan TC Group cho thấy, công ty này đang có khoản vay ngắn hạn 546 tỷ đồng tại PGBank, tăng hơn 21% so với 450 tỷ đồng hồi đầu năm.
Hồi tháng 5/2024, DSC cũng đã công bố quyết định của Chủ tịch HĐQT phê duyệt hợp đồng tín dụng tại PGBank. Theo đó, PGBank sẽ cho DSC vay 600 tỷ đồng trong thời hạn tối đa 12 tháng với mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư của công ty.
Chủ tịch và cổ đông lớn tại Chứng khoán DSC hiện nay là ông Nguyễn Đức Anh, con trai của ông Nguyễn Quốc Hoàn – Chủ tịch Tập đoàn Thành An. Ông Đức Anh cũng là cháu trai ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch của Tập đoàn Thành Công (TC Group).
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/pgbank-hau-doi-chu-va-nhung-bai-toan-kho-giai-tu-luat-tctd-2024-204240716191010575.htm