Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank – UPCoM: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với thu nhập lãi thuần đạt 437 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng lại cho thấy sự sụt giảm khi lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 2,6 lần so với cùng kỳ xuống còn 6 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối khiến PGBank lỗ 11,6 tỷ đồng, trong khi quý II/2023, hoạt động này mang về cho ngân hàng khoản lãi 8 tỷ đồng.
Duy chỉ có hoạt động kinh doanh khác đem về cho PGBank khoản lãi tăng 71% so với năm trước lên 20,1 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng trưởng 28% nhưng việc chi phí hoạt động tăng 12,2% lên 201 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp đôi năm trước lên gần 104 tỷ đồng đã bào mòn lợi nhuận của PGBank.
Theo đó, ngân hàng báo lãi trước thuế đạt 151,5 tỷ đồng, lãi sau thuế tương ứng đạt 121 tỷ đồng, đều tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, kể từ sau khi Petrolimex thoái vốn và nhóm cổ đông mới liên quan tới Tập đoàn Thành Công xuất hiện tại PGBank, đây là quý đầu tiên ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng về lợi nhuận. Trước đó, trong quý IV/2023, ngân hàng thậm chí lỗ 4,6 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 815 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm trước.
Do lợi nhuận quý I/2024 sụt giảm so với cùng kỳ nên dù quý II kinh doanh khả quan, ngân hàng vẫn báo lãi trước thuế và lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 giảm 7% so với cùng kỳ lần lượt xuống còn 268 tỷ đồng và 214 tỷ đồng.
Năm 2024, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 554 tỷ đồng, tăng 57,7% so với năm 2023. Như vậy, kết thúc quý II/2024, ngân hàng đã thực hiện được 48,3% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Tại thời điểm ngày 31/6/2024, tổng tài sản của PGBank tăng 7,6% so với đầu năm lên 59.715 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 4% so với hồi đầu kỳ lên 36.703 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 4,7% lên 37.391 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng nợ của PGBank là 958 tỷ đồng, giảm 5% so với hồi đầu năm. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm từ 2,85% xuống còn 2,61%.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của ngân hàng đã giảm 25% xuống còn 165 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã giảm 2,6% xuống còn gần 480 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại ngày 30/6/2024, 3 cổ đông lớn của PGBank là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức vẫn đang sở hữu trên 10% vốn điều lệ.
Như đã thông tin tại bài viết “PGBank hậu đổi chủ và những bài toán khó giải từ Luật các TCTD 2024” đây là một bài toán đặt ra đối với với ngân hàng về việc đưa tỉ lệ sở hữu của cổ đông về đúng quy định của Luật các TCTD.
Sau 2 quý năm 2024, PGBank có tổng cộng 1.786 nhân viên, tăng 5,3% so với năm trước. Trong đó, tiền lương bình quân của cán bộ nhân viên là 20 triệu đồng/tháng và thu nhập bình quân 25 triệu đồng/tháng.
Trong kỳ, ngân hàng cũng ghi nhận gần 985 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tăng 3,8% so với cuối năm 2023.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/pgbank-gan-can-moc-50-chi-tieu-loi-nhuan-sau-nua-dau-nam-2024-204240722104823708.htm