Không chỉ giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực dầu khí, PetroVietnam còn nỗ lực tham gia ngành năng lượng mới, tạo nền móng cho công nghiệp hỗ trợ điện gió.
Chủ tịch HĐTV PetroVietnam Hoàng Quốc Vượng nghe giới thiệu về Dự án điện gió ngoài khơi tại cảng Dịch vụ Dầu khí PTSC, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. (Nguồn: PVN) |
Hồi cuối tháng 8/2023, trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam – Singapore, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng đại diện lãnh đạo các Bộ/ngành hai nước và lãnh đạo PetroVietnam, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã trao Quyết định về việc chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát) cho đơn vị thành viên của PetroVietnam, để chuẩn bị cho việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore.
Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh Việt Nam – Singapore đã thiết lập “Quan hệ Đối tác Kinh tế số – Kinh tế xanh”, tạo điều kiện để đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới, hướng tới phát triển xanh, bền vững như năng lượng tái tạo, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Việc Dự án phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi của Liên danh PTSC (PetroVietnam) – Sembcorp (Singarpore) nhận được các giấy phép liên quan trong khuôn khổ chương trình đã thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ hai nước dành cho các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng tái tạo.
Với việc được trao giấy phép khảo sát, PTSC hiện là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung.
Sự kiện này cũng thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với PetroVietnam và các đơn vị thành viên trong lĩnh vực mới mẻ này tại Việt Nam.
Sự tin tưởng này có cơ sở vững chắc, xuất phát từ những nguồn lực sẵn có của PetroVietnam. Sau khi nước nhà được thống nhất, với sự ra đời của Tổng Cục Dầu mỏ và Khí đốt (tiền thân của PetroVietnam) vào ngày 3/9/1975, PetroVietnam đã được giao nhiệm vụ tiến hành khảo sát, thăm dò dầu khí trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả việc tiến hành thăm dò, khảo sát 2D, 3D trên biển để tiến hành vẽ bản đồ dầu khí và xác định những khu vực tiềm năng cho ngành dầu khí phát triển.
Lịch sử 48 năm ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các hoạt động trên biển đã tạo nên bề dày kiến thức kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ là đơn vị duy nhất đủ sức gánh vách trọng trách tiên phong trong việc thực hiện một lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực lớn, công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Có thể nói, bên cạnh lực lượng hải quân, cảnh sát biển cùng các ngư dân thì những người Dầu khí là những “chiến binh quen thuộc” với biển nhất. Từ việc thiết kế các giàn khoan, đến việc xây dựng, lắp đặt, quản lý, vận hành các công trình biển, PetroVietnam và các đơn vị thành viên đã triển khai hiệu quả từ những năm 80-90 của những thế kỷ trước.
Bên cạnh đó, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, những người lao động dầu khí đã dần tích lũy kinh nghiệm, làm chủ được công nghệ, đã tự chế tạo, lắp đặt, vận hành công trình dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở đó, những sản phẩm cơ khí chế tạo mang thương hiệu PetroVietnam đã được xuất khẩu ra thế giới, góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Đồng thời đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của ngành Dầu khí sang giai đoạn phát triển mới, mở ra những cơ hội mới cho PetroVietnam.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo mới hình thành và còn tiềm năng rất lớn, do đó, nếu có chính sách phát triển sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp tham gia, giúp hình thành thị trường và cả ngành công nghiệp hỗ trợ về lĩnh vực này.
Các chuyên gia cho rằng, với lợi thế địa lý có đường bờ biển dài hơn 3400 km, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vô số đảo và tiểu hải đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế biển, tạo thành nền tảng tốt cho việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng gió biển – đặc biệt trong sản xuất điện năng.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra, công suất tiềm năng của điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đạt khoảng 475 GW, trong đó, lượng gió tốt tập trung ở các vùng Trung bộ, Nam Trung bộ và một phần duyên hải Bắc Bộ.