Petrovietnam thúc đẩy, mở rộng hợp tác với các đối tác Trung Đông
|
03/11/2024
Lượt xem:
823
Trong các ngày từ 27/10 đến 01/11/2024, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn và đoàn công tác của Tập đoàn đã tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng tiếp và làm việc với các đối tác là những công ty dầu khí hàng đầu thế giới ở Trung Đông.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đã tham dự các hoạt động quan trọng của đoàn cấp cao, bao gồm: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – UAE tại Dubai; Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai tại Saudi Arabia.
Đồng thời, đoàn công tác Petrovietnam đã tham gia các buổi tiếp và làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các công ty dầu khí hàng đầu thế giới như: CEO Tập đoàn Mubadala, Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề năng lượng kiêm CEO Qatar Energy.
Ngoài ra, đoàn công tác Petrovietnam đã tới thăm khu liên hợp hóa dầu Ras Laffan tại Qatar và tham dự buổi gặp mặt và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại các nước.
Lãnh đạo Petrovietnam và ADNOC chụp ảnh lưu niệm.
Ngoài chương trình làm việc cùng đoàn cấp cao, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), Công ty Dầu khí Quốc gia Ả Rập Xê-út (Saudi Aramco) và Công ty Dầu khí Nhà nước Qatar (Qatar Energy).
Ngày 28/10 tại Abu Dhabi, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn và đoàn công tác đã có buổi làm việc với ông Abbulla Al Qubaisi, Phó Chủ tịch cấp cao ADNOC. Hai bên đã trao đổi về tình hình hợp tác song phương trong thời gian qua, trong đó có các nội dung hợp tác gồm kinh doanh lưu huỳnh, hợp tác trong kinh doanh khí LPG lạnh và cung cấp dịch vụ dầu khí chất lượng cao tại thị trường này.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn chân thành cảm ơn lãnh đạo ADNOC trong thời gian ngắn đã thu xếp được buổi làm việc với đoàn công tác của Petrovietam. Tổng Giám đốc Petrovietnam đánh giá cao hợp tác sẵn có giữa hai bên và đề nghị lãnh đạo ADNOC thúc đẩy hơn nữa và tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên của Petrovietnam được tham gia sâu hơn vào trị trương UAE. Trong đó, mong muốn ADNOC hỗ trợ để PV GAS có thể tăng khối lượng nhập khẩu sản phẩm LPG lạnh vào Việt Nam và cho thị trường trong khu vực cũng như đàm phán các cơ chế giảm thuế cho các sản phẩm dầu khí. Bên cạnh đó, hỗ trợ BSR trong việc cung cấp sản phẩm dầu thô ổn dịnh, đáp ứng nguồn cung đầu vào cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện nay cũng như nhu cầu sau khi nâng cấp mở rộng nhà máy…
Ông Abbulla Ak Quabaisi trân trọng cảm ơn lãnh đạo Petrovietnam đã tham dự buổi làm việc tại trụ sở ADNOC. Ông ghi nhận những đề xuất của Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn và giao cho các đơn vị đầu mối của ADNOC làm việc cụ thể với đơn vị thành viên của Petrovietnam về các nội dung trên.
Lãnh đạo Petrovietnam và ADNOC trao đổi nội dung làm việc.
UAE là quốc gia quan trọng trong khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên và được xếp thứ bảy trên toàn cầu trong tổng trữ lượng đã được thẩm định. Khu vực Abu Dhabi sở hữu phần lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sau khu vực Dubai. Trữ lượng dầu mỏ của UAE được xác minh khoảng 97,8 tỷ thùng, chiếm 7% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. UAE có thể duy trì lượng dầu dự trữ đã được thẩm định trong những thập kỷ qua chủ yếu được thu hồi dầu theo công nghệ (EOR). |
Ngày 29/10/2024 tại thủ đô Riyadh, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo cấp cao các Bên, Petrovietnam và Saudi Aramco đã ký kế thỏa thuận khung về hợp tác trong việc kinh doanh sản phẩm dầu khí. Việc ký kết Thỏa thuận khung hợp tác giữa Petrovietnam và Aramco nằm trong khuôn khổ Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) lần thứ 8 được tổ chức tại Riyadh sẽ tạo ra các cơ hội hợp tác về kho chứa, cung cấp và kinh doanh các sản phẩm năng lượng và hóa dầu.
Tại buổi làm việc sau lễ ký của Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn và ông Amin Al-Nasser, Tổng Giám đốc điều hành Saudi Aramco, hai bên đánh giá cao thỏa thuận đã ký, coi đây như một nền móng cho việc hợp tác trong chuỗi giá trị các sản phẩm dầu khí. Ngoài ra, thỏa thuận này sẽ là tiền đề thúc đẩy hợp tác nhằm mục tiêu phát triển lĩnh vực hạ nguồn trên toàn cầu của Aramco trong đó có thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn mong muốn Aramco thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại dầu khí để Việt Nam trở thành kho chứa dầu thô và các sản phẩm khác như LPG, LNG, sản phẩm hóa dầu… nhằm mục đích thương mại cũng như thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Ông Amin Al-Nasser ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của phía Việt Nam và sẽ giao cho các bộ phận chuyên môn trao đổi nội dung cụ thể.
Lễ ký kết Thỏa thuận khung hợp tác giữa Petrovietnam và Saudi Aramco.
Ả Rập Xê-út sở hữu khoảng 260 tỷ thùng dầu dự trữ đã được thẩm định (cộng với 2,5 tỷ thùng được chia sẻ giữa Ả rập Xê út với Kuwait ở khu vực tranh chấp), chiếm khoảng một phần năm trữ lượng dầu được thẩm định thế giới. Mặc dù Ả rập Xê út có trên 100 mỏ dầu lớn cùng với các mỏ khí đốt với hơn với khối lượng hơn 1.500 giếng khoan. Ả rập Xê út hiện đang nắm giữ khoảng 1/5 trữ lượng dầu mỏ đã được thẩm định của thế giới, là nhà sản xuất dầu và xuất khẩu lớn nhất trong tổng số các chất lỏng dầu khí trên thế giới. Ả rập Xê út là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất dầu thô sau Nga. |
Tiếp theo, vào ngày 31/10 tại trụ sở Bộ Năng lượng và Mỏ Qatar, đồng thời là trụ sở của Công ty Qatar Energy, Tổng Giám đốc Petrovietnam và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Quốc vụ khanh kiêm CEO Qatar Energy.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Petrovietnam mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực cung cấp khí tự nhiên, LNG, LPG phục vụ cho thị trường Việt Nam. Với tiềm năng là công ty xuất khẩu khí thiên nhiên lớn nhất thế giới, Petrovietnam mong muốn phía Qatar Energy tăng cường hơn nữa xuất khẩu khí tự nhiên. Ngoài ra, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đề nghị Qatar Enery tạo điều kiện cho các đơn vị của Petrovietnam tham gia vào lĩnh vực dịch vụ dầu khí như thiết kế, mua sắm, thi công lắp đặt cho các gói thầu tại thị trường Qatar. Lãnh đạo Qatar Energy ghi nhận những ý kiến của Petrovietnam và để nghị hai bên nghiên cứu khả năng hợp tác trong lĩnh vực lọc hóa dầu.
Chuyến thăm đã nhấn mạnh vị trí quan trọng của UAE, Ả Rập Xê-út và Qatar trong ngành dầu khí toàn cầu, với các trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn. UAE là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ khoảng 97,8 tỷ thùng, trong khi Ả Rập Xê-út giữ vị trí hàng đầu thế giới với khoảng 260 tỷ thùng. Qatar, với vị thế là nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới, cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực khí đốt.
Qatar là một nước có diện tích nhỏ (12.000 km2, dân số 850.000 người), nhưng có tiềm năng dầu khí rất lớn, sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 55 triệu tấn dầu và 60 tỷ m3 khí, phần lớn trong số đó dành cho xuất khẩu. Dầu khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia này, chiếm 50% GDP, 85% giá trị xuất khẩu và phần lớn nguồn thu cho ngân sách của Qatar. Sản lượng khai thác dầu thô của Qatar ở mức hơn 600.000 thùng/ngày nhưng quốc gia này có sản lượng dầu nhẹ và LNG lên tới 1,3 triệu thùng /ngày. Gần đây, Chính phủ Qatar đã dành nhiều nguồn lực hơn cho sự phát triển của khí đốt tự nhiên, đặc biệt là đối với xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bởi Qatar là nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới. |
Sáng ngày 01/11/2024, tại Qatar, Thủ tướng Chính phủ đã thăm tổ hợp hóa dầu Ras Laffan, là tổ hợp lớn nhất của Qatar. Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham gia hoạt động này.
Toàn cảnh khu liên hợp hóa dầu Ras Laffan của Qatar.
Tổ hợp hóa dầu Ras Laffan là một dự án quy mô lớn, được triển khai trên diện tích hơn 176 ha tại khu công nghiệp Ras Laffan, cách Doha (Qatar) khoảng 80 km về phía bắc. Với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD, chủ đầu tư là liên doanh giữa Qatar Energy (sở hữu 70% cổ phần) và Chevron Phillips Chemical (sở hữu 30% cổ phần). Chevron Phillips Chemical còn cung cấp dịch vụ quản lý dự án và bản quyền công nghệ cho phân xưởng sản xuất polyethylene mật độ cao (HDPE). Dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động thương mại vào cuối năm 2026. Sau khi đi vào hoạt động, tổ hợp hóa dầu này sẽ cung cấp các sản phẩm hóa dầu chính như ethylene, HDPE, và các sản phẩm phụ như propylene và butadiente |
Quốc Anh
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/df9f771e-6a82-47e7-b003-a2efe310ac89