Với nguồn lực hiện có, chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế và giữ vai trò trụ cột trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) có đủ năng lực và điều kiện để phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia theo định hướng của Đảng, Chính phủ.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn nghe báo cáo về Nhà máy Xử lý khí Cà Mau
Chủ động thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng
Hiện nay chuyển dịch năng lượng (CDNL) là một thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn năng lượng ở Việt Nam và trên thế giới, đó là quá trình chuyển tiếp tất yếu trong việc dịch chuyển từ nguồn năng lượng sinh khối (biomass), năng lượng hóa thạch… sang các nguồn năng lượng sạch, tái tạo và bền vững. Xu hướng này được thúc đẩy mạnh mẽ khi những năm gần đây, các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hiện tại và tương lai trên toàn cầu đều hướng tới một nền kinh tế phát thải carbon thấp với đích đến cuối cùng là không phát thải carbon. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 11-2021 (COP26), Việt Nam cùng với 150 quốc gia đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về mục tiêu trung hòa carbon. Trong đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cùng với những cam kết mạnh mẽ tại COP26, các quốc gia đã xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình giảm sâu phát thải carbon, thông qua sự điều chỉnh, thay đổi lớn trong các chính sách vĩ mô về năng lượng, kinh tế để thúc đẩy quá trình đạt được mục tiêu này. Và cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao trong vấn đề dịch chuyển các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.
Với vai trò của một tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu, nòng cốt trong bảo đảm an ninh năng lượng và ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng của đất nước; ý thức trách nhiệm đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện lộ trình giảm phát thải theo các mục tiêu quốc gia và quốc tế. Có thể thấy xu hướng dịch chuyển năng lượng và mục tiêu quyết sách của quốc gia đã có ảnh hưởng sâu sắc đến hiện tại cũng như tương lai của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nói chung và Petrovietnam nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức cũng đã xuất hiện những cơ hội để mở rộng chuỗi giá trị các sản phẩm dầu khí. Đứng trước bối cảnh đó, Petrovietnam đã chủ động nghiên cứu, hoạch định chiến lược để thích nghi cũng như tận dụng cơ hội trong CDNL nhằm tiếp tục phát triển, giữ vững vị thế trụ cột, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế của đất nước.
Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, ngành Dầu khí luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước; vị trí của ngành Dầu khí đã được Bộ Chính trị khẳng định tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015, cụ thể là “Phát triển ngành Dầu khí thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trước bối cảnh và tình hình mới với rất nhiều thay đổi so với những dự báo trước đây; đồng thời, xuất phát từ yêu cầu cấp bách để tạo điều kiện cho sự phát triển đối với ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và Petrovietnam nói riêng, ngày 24-4-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới. Tại Kết luận 76 đã khẳng định mục tiêu “Phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia” có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước. Đây là định hướng quan trọng, mở ra những dư địa mới cho sự phát triển của Petrovietnam trong chặng đường mới.
Để thực hiện chiến lược này, Petrovietnam hoàn toàn có cơ sở vững chắc, đủ nguồn lực và có nhiều điểm mạnh giúp cho quá trình chuyển dịch được thực hiện nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm dựa trên: Năng lực tài chính mạnh và mức độ độc lập tài chính cao; Sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ theo chuỗi giá trị dầu khí có nhiều tương đồng với các định hướng CDNL; Dầu khí là ngành kinh tế – kỹ thuật có trình độ khoa học công nghệ, hàm lượng chất xám và tính hội nhập quốc tế cao; Petrovietnam có quan hệ hợp tác rộng rãi, đa phương với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng nên có cơ hội hợp tác, hấp thu tri thức, công nghệ về CDNL; đặc biệt Petrovietnam đã xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo và trang bị kiến thức về công nghệ, quản lý dự án, quản lý rủi ro và trang bị kiến thức về công nghệ và môi trường; điều này sẽ rất hữu ích trong việc triển khai các dự án CDNL.
Tính đến ngày 31-12-2023, tổng tài sản hợp nhất của Petrovietnam đạt hơn 1 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 43 tỉ USD) – là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất không phải là ngân hàng có quy mô tài sản trên 1 triệu tỉ đồng (quy mô tài sản của Petrovietnam chỉ sau 4 ngân hàng: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank); vốn chủ sở hữu hơn 530 nghìn tỉ đồng (23 tỉ USD); tổng doanh thu bình quân hằng năm tương đương khoảng 9-10% GDP của cả nước; nộp ngân sách Nhà nước bình quân hằng năm đạt 9-9,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Được Fitch Rating, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới liên tục xếp hạng tín nhiệm mức BB+; phản ánh chính xác về tình hình kinh doanh và tài chính vững mạnh của Petrovietnam.
Các kỹ sư của BSR trao đổi chuyên môn trong đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Hiện tại, sản lượng khai thác dầu thô trong nước của Petrovietnam trung bình đạt 7,5-8,5 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 6-8 tỉ m3/năm. Hằng năm, Petrovietnam cung cấp trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước; cung cấp 1,8 triệu sản phẩm hóa dầu; và cung cấp 1,6-1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng 70-80% nhu cầu phân đạm trong nước (khoảng 2 triệu tấn/năm). Petrovietnam đang vận hành thương mại 9 nhà máy điện với tổng công suất 6.600 MW, tương đương 8,5% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện quốc gia. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… đã tham gia vào mọi hoạt động đời sống của đất nước với tỷ trọng lớn; góp phần quan trọng cho ổn định, phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc phòng, an ninh trên biển.
Petrovietnam thường xuyên cập nhật, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiệm cận trình độ thế giới trong hoạt động; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án mới tiềm năng; cải tiến kỹ thuật, cải hoán các nhà máy, công trình hiện hữu nhằm tối ưu hóa công suất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, giúp giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả. Petrovietnam là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có giải thưởng nổi tiếng về công tác nghiên cứu khoa học, trong năm 2022 được trao: 3 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 3 Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng giải thưởng của cả nước) và 7 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đoạt giải VIFOTEC; cùng rất nhiều những giải thưởng sáng tạo uy tín khác. Những công trình này đều xuất phát từ thực tiễn sản xuất kinh doanh và được ứng dụng, phát huy hiệu quả trong hoạt động của Tập đoàn. Petrovietnam cũng thường xuyên kết nối, hợp tác nghiên cứu với các đối tác, tập đoàn lớn trên thế giới nhằm đón đầu và chuẩn bị cho xu hướng CDNL đang diễn ra mạnh mẽ; chủ động và đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học và xây dựng lộ trình phát triển về năng lượng tái tạo (NLTT) và năng lượng mới (điện gió ngoài khơi, hydrogen, amoniac xanh), thu giữ và chuyển hóa CO2.
Hệ thống các doanh nghiệp trực thuộc và thành viên của Petrovietnam như: Vietsovpetro, PVEP, PV GAS, BSR, PVOIL, PV Power, PVFCCo, PVCFC, PTSC, PV Drilling, PVTrans… đều được biết đến là những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, hoạt động hiệu quả, có vị trí hàng đầu, dẫn dắt trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế đất nước.
Đó là những nền tảng, cơ sở vững chắc và lợi thế so sánh rất lớn của Petrovietnam trên hành trình chuyển đổi thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia; giúp Petrovietnam đủ điều kiện thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, cũng như tăng khả năng chịu đựng, thích ứng và vượt qua các khó khăn, biến động trong quá trình thực hiện chiến lược.
Dây chuyền sản xuất Đạm Phú Mỹ
Sự chuẩn bị bài bản và thành công bước đầu
Trong thời gian qua, cùng với việc tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiện có, thúc đẩy hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí để tận dụng nguồn tài nguyên dầu khí của quốc gia, Petrovietnam đã chủ động nghiên cứu, xây dựng lộ trình phát triển mới dựa trên việc phát huy các lợi thế sẵn có của ngành. Trong đó có các định hướng về phát triển các nguồn năng lượng mới, NLTT, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí như: Điện gió ngoài khơi (ĐGNK), điện gió ven biển; nhập khẩu, cung ứng LNG; tăng tỷ trọng khí trong các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất điện và chế biến hóa dầu, hóa chất; phát triển chuỗi giá trị hydrogen/amonia, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và phân phối; phát triển các trạm sạc/pin nhiên liệu, tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng sẵn có tại các cửa hàng xăng dầu; phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, dịch vụ kỹ thuật năng lượng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển công nghệ thu hồi, lưu trữ carbon CCS/CCUS… Trong từng lĩnh vực hoạt động, Petrovietnam xây dựng chiến lược cụ thể, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện một cách bài bản, phù hợp với đặc điểm, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực. Các đơn vị của Petrovietnam cũng chủ động trong cập nhật, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch dài hạn, phù hợp với xu hướng mới.
Song song với các định hướng, Petrovietnam đã triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn phục vụ cho hoạt động của Tập đoàn như: Chương trình nghiên cứu cơ bản bổ sung, nghiên cứu ứng dụng đánh giá tiềm năng, gia tăng trữ lượng dầu khí bằng công nghệ mới và các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến để phát triển, khai thác các mỏ dầu khí bảo đảm hiệu quả kinh tế; Chương trình nghiên cứu, phát triển sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả hydro; Chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tàng trữ và sử dụng CO2 tại các cơ sở sản xuất của Tập đoàn; Chương trình phát triển sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hóa chất và hóa dầu mới, vật liệu tiên tiến và nhiên liệu sạch từ các nguồn nguyên liệu trong nước, có thị trường lớn, có khả năng xuất khẩu và biên lợi nhuận cao; Chương trình nghiên cứu, đánh giá tác động, ảnh hưởng của sự phát triển NLTT và quá trình dịch chuyển năng lượng đến chiến lược phát triển của Tập đoàn và các giải pháp ứng phó; Chương trình nghiên cứu các giải pháp (cơ chế) và công nghệ nhằm tổ hợp, tích hợp hệ thống hạ tầng kinh doanh các sản phẩm chủ lực hiện tại và tương lai, tăng hiệu quả kinh tế chung, gia tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trong kinh doanh sản phẩm chủ lực của Petrovietnam… Các đơn vị trong Petrovietnam cũng chủ động xây dựng chương trình nghiên cứu ở những lĩnh vực thế mạnh, phù hợp với định hướng chuyển dịch, chiến lược phát triển của đơn vị.
Không chỉ dừng lại ở sự nghiên cứu, chuẩn bị, Petrovietnam đã từng bước tham gia và có những thành công ban đầu trong chuyển dịch theo xu hướng mới. Có thể kể đến như, PTSC đi đầu và hiện là tổng thầu có năng lực hoàn thiện nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực ĐGNK, đã nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ thiết kế, sản xuất, cung cấp thiết bị ĐGNK cho nhiều đối tác, dự án lớn trên thế giới; PV GAS là đơn vị tiên phong, duy nhất hiện nay của Việt Nam nhập khẩu và kinh doanh LNG; PVOIL tham gia cùng với đối tác triển khai lắp đặt trạm sạc xe điện tại các cửa hàng xăng dầu; các đơn vị sản xuất, nghiên cứu như VPI, BSR, PVFCCo, PVCFC… cũng không ngừng nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm, vật liệu mới mang lại giá trị cao như: sản phẩm hạt nhựa PP định hình nhiệt TF4035 có nhiều đặc tính ưu việt, tính ứng dụng cao và thân thiện với môi trường; các sản phẩm xăng dầu chất lượng cao phục vụ trong quân đội như Jet A-1K, DO L-62, RON 83; sản xuất thành công ống Nano Carbon (CNT) từ nguồn nguyên liệu là khí thiên nhiên giàu CO2; phân bón nhả chậm được bọc bằng vật liệu nano; dầu nhờn chứa phụ gia trên cơ sở vật liệu Graphene, giúp giảm tiêu hao nhiên liệu và giảm lượng khí thải… Các đơn vị trong Tập đoàn cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu với các đối tác trong nước và quốc tế để thực hiện các định hướng chiến lược…
Có thể nói, chuyển dịch là mục tiêu và nhiệm vụ bắt buộc đối với Petrovietnam để bảo đảm sự tồn tại và phát triển. Với vai trò, vị thế và sứ mệnh “Năng lượng cho sự phát triển”; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ, đặc biệt thông qua định hướng cho sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn mới; cùng với việc phát huy truyền thống văn hóa Dầu khí “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”, trên tinh thần “một đội ngũ, một mục tiêu” toàn Tập đoàn sẽ cùng nhau tiếp tục khai mở những cơ hội trong khó khăn, thách thức, “làm mới động lực cũ và bổ sung động lực mới”, để “vươn tới đỉnh cao mới”, đưa Petrovietnam sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia; luôn tăng trưởng và phát triển bền vững, là niềm tự hào của người lao động Dầu khí và sự tin tưởng của nhân dân cả nước.
Petrovietnam đã chủ động nghiên cứu, hoạch định chiến lược để thích nghi cũng như tận dụng cơ hội trong chuyển dịch năng lượng nhằm tiếp tục phát triển, giữ vững vị thế trụ cột, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế của đất nước. |
Lê Ngọc Sơn – Tổng Giám đốc Petrovietnam
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/7caf17c3-1ea0-4679-a3bb-b3422e437892