Petrovietnam đề cao trách nhiệm thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia
Ông Lê Anh Chiến, Phó trưởng ban phụ trách Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: PT)
Triệt để sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng
Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 6/12, ông Lê Anh Chiến, Phó trưởng ban phụ trách Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, để thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tập đoàn đã và đang tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý.
Cùng với đó, Tập đoàn triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý, đồng thời tiến hành chuyển đổi năng lượng,
Để khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, trách nhiệm, trong quá trình hoạt động và phát triển, Petrovietnam luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia, đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ, cập nhật các công nghệ mới giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường, hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn.
Petrovietnam và các đơn vị thành viên luôn đảm bảo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về an toàn, sức khỏe, môi trường hiện hành.
Tập đoàn tập trung vào quản lý chất thải nghiêm ngặt, xử lý và tái chế chất thải rắn, lỏng và khí; cải tiến công nghệ, tối ưu hóa vận hành, sử dụng năng lượng tiết kiệm và phát triển năng lượng tái tạo, như các dự án điện gió ngoài khơi và chương trình “LNG – Hành trình năng lượng xanh” để giảm phát thải khí nhà kính; đánh giá và giảm thiểu tác động môi trường từ các hoạt động khai thác dầu khí, bảo vệ đa dạng sinh học.
Petrovietnam tập trung xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Về mặt xã hội, Petrovietnam chú trọng chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi của người lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn và các chế độ lương thưởng tốt.
Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng có vai trò nòng cốt trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Cũng theo ông Lê Anh Chiến, trong thời gian tới, cùng với sự chuyển dịch năng lượng nhanh hơn dự báo và biến động của kinh tế toàn cầu, Petrovietnam phải đối mặt với nhiều thách thức: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường năng lượng và các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị, Petrovietnam hướng đến phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực, có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điều này được định hướng cụ thể trong 5 lĩnh vực hoạt động chính của Petrovietnam.
Petrovietnam đặt mục tiêu phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực, có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ở lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, Petrovietnam xác định lĩnh vực điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí là cốt lõi; đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới và chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả thăm dò, tận dụng hạ tầng sẵn có kết nối các mỏ nhỏ, cận biên, tích cực đầu tư khai thác tận thu có hiệu quả các mỏ ở giai đoạn suy giảm trên cả bể truyền thống.
Tập đoàn mở rộng hoạt động dầu khí tại khu vực nước sâu, xa bờ để gia tăng trữ lượng; nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò các đối tượng hydrocacbon phi truyền thống; triển khai thu dọn các mỏ đã hết khả năng khai thác, bảo đảm hoàn nguyên môi trường sinh thái cũng như tận dụng cho chôn lấp CO2.
Lĩnh vực công nghiệp khí bảo đảm vai trò nền tảng và phát triển nhanh gắn với cơ chế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, từng bước hội nhập thị trường khu vực và quốc tế.
Petrovietnam có chiến lược, kế hoạch khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khí trong dài hạn; đẩy nhanh khai thác các mỏ khí trong nước gắn với các chuỗi dự án khí điện theo hướng bảo đảm lợi ích tổng thể quốc gia; có kế hoạch nhập khẩu khí (trọng tâm là LNG) phù hợp, hiệu quả, chú trọng các hợp đồng dài hạn.
Petrovietnam phối hợp tham gia triển khai chuỗi dự án sản xuất và cung ứng nhiên liệu phát thải cacbon thấp; triển khai xây dựng hệ thống đường ống cung cấp khí đồng bộ với các kho, cảng nhập khẩu LNG trung tâm, đảm bảo hiệu quả cung cấp khí cho nhu cầu sản xuất điện, công nghiệp và dân sự.
Lĩnh vực công nghiệp điện và năng lượng tái tạo/năng lượng mới phát huy lợi thế của ngành dầu khí trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới; nghiên cứu, xây dựng hạ tầng cho sản xuất, xuất khẩu điện gắn với các dự án điện gió ngoài khơi, ven biển đồng bộ với hạ tầng cáp quang viễn thông; ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí trong nước.
Tập đoàn cũng triển khai thí điểm dự án sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi; sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh, năng lượng tái tạo gắn với lợi thế của ngành dầu khí; xây dựng các trung tâm năng lượng quốc gia tích hợp khí, LNG – điện – lọc, hoá dầu, điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Lĩnh vực công nghiệp lọc hóa dầu tăng cường chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm dầu khí, hiệu quả tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí; ưu tiên phát triển các nhà máy lọc, hoá dầu đang hoạt động hiệu quả.
Petrovietnam nghiên cứu, đầu tư các dự án hoá dầu, hoá chất mới, các dự án sản xuất và cung ứng nhiên liệu phát thải cacbon thấp (nhiên liệu sinh học thế hệ mới, SAFs,…) gắn với trung tâm chế biến dầu khí, trung tâm năng lượng tái tạo; chuyển đổi nhiên liệu, tái chế sử dụng nguồn phế thải trong nước; hướng tới tích hợp ứng dụng năng lượng tái tạo, hydro xanh, amoniac xanh và các sản phẩm mới.
Lĩnh vực công nghiệp chế tạo và dịch vụ dầu khí tập trung phát triển trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, dầu khí chất lượng cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tỉ lệ nội địa hoá và năng lực tự chủ, trở thành lĩnh vực mũi nhọn của ngành dầu khí.
Tập đoàn cũng phát triển các loại hình dịch vụ mới như thu hồi, lưu trữ, xử lý CO2, tham gia chuỗi cung ứng, kinh doanh hệ thống pin lưu trữ năng lượng, trạm sạc xe điện… đầu tư chuỗi giá trị năng lượng mới, nhất là năng lượng tái tạo phù hợp với lợi thế của Tập đoàn; hình thành trung tâm dịch vụ dầu khí, dịch vụ công nghiệp năng lượng, nhất là điện gió ngoài khơi trong khu vực.
“Với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, Petrovietnam sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, trách nhiệm, không ngừng đổi mới và sáng tạo để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”, kinh nghiệm trong công tác quản trị biến động để vượt khó những năm gần đây sẽ là cơ sở để Petrovietnam thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, từng bước xây dựng và phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh biển, đảo, an toàn môi trường sinh thái”, ông Lê Anh Chiến nhấn mạnh.
Petrovietnam hiện đang triển khai hoạt động khai thác dầu khí tại 36 mỏ với 21 hợp đồng dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam. Với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hằng năm Petrovietnam cung cấp gần 9-11 tỉ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng trong cả nước. Petrovietnam là doanh nghiệp đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia.
Hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ của Petrovietnam cung cấp ra thị trường trên 16 triệu tấn urê/năm, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ khi chính thức đưa vào vận hành đến nay đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, cũng như đáp ứng yêu cầu nhiên liệu của Bộ Quốc phòng…
Phương Thảo
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/76521413-67d4-4bc0-903f-5e60a715f690