Sáng 17/4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2023.
PAR INDEX 2022: Ngân hàng Nhà nước lần thứ 7 dẫn đầu bảng xếp hạng Cải cách hành chính: Sức bật từ hai trọng tâm đột phá |
Đây là năm thứ 12 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số PAR INDEX của các bộ, các tỉnh, thành phố cả nước; năm thứ hai triển khai thực hiện Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 – 2030 được ban hành tại Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022.
NHNN dẫn đầu nhiều chỉ số
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, Bộ Tư pháp đạt cao nhất với giá trị Chỉ số PAR INDEX là 89,95%, cao hơn 11,92% so với Bộ Công Thương, đơn vị có kết quả Chỉ số PAR INDEX năm 2023 thấp nhất, với giá trị là 78,03% (Khoảng cách này ở năm 2022 là 19,12%). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng thứ 2 với giá trị Chỉ số PAR INDEX là 89,89%.
Phân tích cụ thể 07 chỉ số thành phần của 17 Bộ, ngành cho thấy, Chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính” có giá trị tăng hơn so với năm 2022 với giá trị là 3,01% (từ 91,88% năm 2022 tăng lên 94,90% năm 2023). Năm 2023, có 9/17 bộ đạt Chỉ số thành phần trên 95%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong 4 bộ đạt tỷ lệ tối đa điểm số tại Tiêu chí “Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao”. Bên cạnh đó là Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Phân tích cụ thể Chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính” cho thấy tất cả 17/17 bộ đạt điểm số tại tất cả 7 tiêu chí của Chỉ số thành phần này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong 4 đơn vị đạt tỷ lệ 100% điểm số tại Tiêu chí “Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao”, bên cạnh đó là các bộ: Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (năm 2022 chỉ có duy nhất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt số điểm tối đa tại tiêu chí này). Đây cũng là một trong những lý do ở năm 2023, Chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính“ có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2022.
Chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính” có giá trị trung bình là 82,14%, giảm 6,90% so với năm 2022 (Năm 2022 có giá trị trung bình là 89,04%). Năm 2023, nhiều bộ, cơ quan không đạt tỷ lệ điểm số tối đa tại các tiêu chí, như: “Kiểm soát quy định thủ tục hành chính”; “Công bố, công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết hồ sơ” và “Kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính”. Có 6/17 bộ có kết quả Chỉ số thành phần dưới 70%. Trong khi đó, chỉ có 02 đơn vị có Chỉ số thành phần trên 90%, đó là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mặc dù, nhiều bộ đã tiếp tục ban hành quyết định công bố nhóm thủ tục hành chính liên thông thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý, tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện; tuy nhiên, kết quả không đồng đều giữa tất cả các bộ. Bộ, cơ quan nào có sự quan tâm, đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho các nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính thì sẽ đạt kết quả tích cực. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 2 đơn vị đứng đầu Chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính” với giá trị lần lượt là 97% và 94.87%. Đồng thời, đây cũng là 2 đơn vị có Chỉ số thành phần trên 90%.
Cải cách hành chính là quá trình liên tục bền bỉ
Tham luận của Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị công bố chỉ số Cải cách hành chính PAR INDEX năm 2023 cho thấy năm 2023 là một năm kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức với nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo về cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với vị thế của một ngành kinh tế, tài chính trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tập trung nguồn lực đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cùng với đó là tổ chức triển khai chương trình chuyển đổi số toàn diện trên cơ sở ứng dụng những thành tựu hết sức quan trọng của Đề án 06; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các TCTD, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Xác định cải cách thể chế là một trong những trụ cột của hoạt động cải cách hành chính, ngay từ đầu năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo toàn hệ thống tập trung hoàn thiện công tác thể chế với trách nhiệm cao nhất, trong đó thực hiện nhiệm vụ lớn như xây dựng, hoàn thiện, chỉnh lý dự án Luật các TCTD sửa đổi (đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV ngày 18/1/2024). Luật các TCTD sửa đổi được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, tăng cường cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cụ thể như (i) Bổ sung quy định hợp nhất Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc quy định hợp nhất này là một bước đột phá trong giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, phù hợp với chính sách chung của Chính phủ, giảm đáng kể thời gian, chi phí, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; (ii) Xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (iii) Bổ sung nhiều quy định theo hướng giảm quy trình thủ tục, đa dạng hóa hoạt động của các TCTD, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, giảm lãi suất cho vay và chi phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tạo hành lang pháp lý để các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Và với việc cho phép các TCTD sử dụng xác thực định danh điện tử eKYC, giờ đây “ngân hàng không khoảng cách”, “ngân hàng bỏ túi” đã trở thành hiện thực.
Với quan điểm xuyên suốt của nền hành chính phục vụ là đặt doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, trên tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, doanh nghiệp, người dân. Trên cơ sở đó, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước (Quyết định số 1205/QĐ-TTg ngày 18/10/2023), trong đó đề xuất đơn giản hóa 10 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hoạt động công nghệ thông tin. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kịp thời 02 Thông tư để thực thi 100%, hoàn thành đúng thời hạn Phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời chủ động rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá 49 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Những nỗ lực, hành động cải cách thiết thực của Ngân hàng Nhà nước đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Năm 2024, nền kinh tế được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, để hoàn thành đồng thời nhiều nhiệm vụ vừa kiểm soát tốt lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường đầu tư vốn tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với 3 đột phá.
Một là, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các TCTD, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Hai là, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc tại Ngân hàng Nhà nước, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tại Ngân hàng Nhà nước. Hình thành môi trường, cách thức vận hành công việc trong hệ thống ngân hàng dựa trên dữ liệu và công nghệ số, đáp ứng định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn với xu thế phát triển của ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số.