“Không có sự tâm huyết của đội ngũ nhân sự thì tổ chức khó lòng đạt được những thành công trên hành trình 35 năm tại Việt Nam. Tất cả nỗ lực đều vì mục đích chung: làm sao thực hiện được càng nhiều ca phẫu thuật cho các em nhỏ”. Đó là ý kiến của chuyên gia người nước ngoài khi đồng hành tổ chức phi chính phủ Operation Smile (OS).
OS phẫu thuật nhân đạo cho các bệnh nhân mang dị tật khe hở môi, hàm ếch tại Hà Nội tháng 3
|
Operation Smile cùng em tìm lại nụ cười
|
Tình nguyện viên Marina Tanaka Chaques (trường quốc tế UWC ISAK, Karuizawa, Nhật Bản):
“Trải nghiệm đặc biệt”
Tình nguyện viên mang hai dòng máu Nhật Bản và Tây Ban Nha Marina Tanaka Chaques (trường quốc tế UWC ISAK, Karuizawa, Nhật Bản) (ngoài cùng bên trái) (Ảnh: Đinh Hòa). |
Trước khi đặt chân đến Việt Nam, tôi đã được bạn học người Việt giới thiệu về đất nước giàu cảnh đẹp, nổi tiếng thế giới với nhiều đồ ăn ngon và sự thân thiện, mến khách. Khi được bạn học gợi ý đăng ký trở thành tình nguyện viên cho chương trình “Operation Smile Vietnam” (Phẫu thuật nụ cười Việt Nam) tại Hà Nội, tôi đồng ý ngay lập tức. Chúng tôi đặt ra mục tiêu sẽ biến trải nghiệm đặc biệt này thành một dự án cho bài tập nhóm.
Trong ngày đầu tiên của chương trình tình nguyện, tôi rằng mình sẽ không thể động viên hay giúp đỡ được bệnh nhi và người thân của các em do không biết tiếng Việt. Đến ngày thứ hai, những người cha người mẹ và những em nhỏ dần quen với tôi. Các em nhỏ thích chơi với tôi, các cha mẹ thì luôn nói cảm ơn và nở nụ cười thân thiện. Tôi thấy thật cảm động vì dù đến từ các quốc gia khác nhau nhưng vẫn có thể tìm thấy những điều tương đồng.
Tình nguyện viên Phạm Ngọc Minh Anh (trường quốc tế UWC ISAK, Karuizawa, Nhật Bản):
Cố gắng từ những việc nhỏ nhất
Tình nguyện viên Phạm Ngọc Minh Anh (giữa) (Ảnh: Đinh Hòa). |
Trong các ngày 11-15/3 vừa qua, tôi hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế của chương trình tại Hà Nội tập hợp hồ sơ khám của bệnh nhi hay đưa người nhà bệnh nhi đến khu vực chờ và một số công việc khác. Dù chỉ là những việc nhỏ nhất như chỉ dẫn xếp hàng hay lấy số thứ tự để khám, việc gì giúp được gia đình các em nhỏ thì tôi và đều cố gắng hỗ trợ.
Mỗi lần lên đường tình nguyện cùng Operation Smile là một lần được truyền cảm hứng mạnh mẽ để nỗ lực trên con đường học tập. Sau khi hoàn thành việc học ở Nhật Bản, tôi sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc trong lĩnh vực bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em để trở về và đóng góp cho đất nước trong tương lai.
Thành viên Hội đồng Cố vấn của tổ chức Operation Smile tại Việt Nam Indronil Sengupta:
“Tự hào về một đội ngũ tâm huyết”
Ông Indronil Sengupta (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM)) – Thành viên Ban cố vấn Operation Smile tại Việt Nam (Ảnh: Đinh Hòa). |
Với 10 năm giữ vai trò Thành viên Hội đồng Cố vấn của tổ chức Operation Smile tại Việt Nam, tôi tự hào được chứng kiến sự lớn mạnh của tổ chức.
Các đoàn thăm khám tình nguyện có mặt tại nhiều tỉnh thành khắp cả nước, từ Nam ra Bắc. Ở điểm dừng chân nào, sự yêu mến của người dân dành cho đoàn đều giống như “người nhà”. Hơn cả, đội ngũ Operation Smile cảm nhận được niềm hạnh phúc khi “cho đi” nụ cười cho các em nhỏ trẻ dị tật môi, hở hàm ếch tại địa phương, góp phần giảm gánh nặng về vật chất lẫn tinh thần cho gia đình các em.
Không có sự tâm huyết của đội ngũ nhân sự thì tổ chức khó lòng đạt được những thành công trên hành trình 35 năm tại Việt Nam. Tất cả nỗ lực đều vì mục đích chung: làm sao thực hiện được càng nhiều ca phẫu thuật cho các em nhỏ.