Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Tổng thống Zelensky cáo buộc Nga đang cố gắng gieo rắc sự chia rẽ trong xã hội Ukraine, tạo ra “sự hỗn loạn” trong nước.
“Tình báo và các đối tác của chúng tôi có thông tin (về cáo buộc trên)”, ông Zelensky cho biết.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, Nga bị cáo buộc có kế hoạch lan truyền thông tin sai lệch trong chiến dịch với mật danh là “Maidan 3”. Maidan là quảng trường trung tâm của Kiev, từng là tâm điểm của các cuộc biểu tình năm 2004 và cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.
“Với họ (Nga), Maidan là cuộc đảo chính vì vậy chiến dịch lần này là có thể hiểu được”, ông nói, cáo buộc mục tiêu cuối cùng của Nga là tìm cách khiến ông Zelensky mất chức.
Nga chưa bình luận về cáo buộc từ ông Zelensky.
Tối ngày 7/11, mạng xã hội Ukraine xuất hiện 2 đoạn video có nội dung kêu gọi quân đội Ukraine tiến về Kiev và nói về những mâu thuẫn trong nội bộ Ukraine. Sau đó, các video bị phát hiện chứa thông tin giả mạo được chỉnh sửa bằng công nghệ.
Cuộc biểu tình năm 2004 ở quảng trường Maidan diễn ra trong hòa bình và đã lật ngược thành công chiến thắng của ông Yanukovich trong cuộc đua tổng thống năm đó.
Mặt khác, cuộc biểu tình năm 2014 xảy ra khi ông Yanukovich còn đương chức, buộc ông phải rời khỏi đất nước và từ chức sau khi bạo lực bùng phát. Sau sự kiện này, 2 khu vực ở Donbass đã tuyên bố ly khai Ukraine, trong khi Nga tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập bán đảo Crimea.
Chiến sự Nga – Ukraine sắp bước qua tháng thứ 22 nhưng triển vọng đàm phán giữa 2 bên vẫn tiếp tục bế tắc. Các đồng minh, đối tác phương Tây cam kết tiếp tục viện trợ cho Kiev đến khi cần, bất chấp có những ý kiến cho rằng nguồn lực của họ đã cạn kiệt và họ cũng bắt đầu mệt mỏi vì xung đột Ukraine.
Trong giai đoạn đầu cuộc xung đột, 2 bên cũng đã đàm phán nhưng hoạt động này đã đình trệ hơn một năm qua do 2 nước đặt ra những điều kiện tiên quyết quá khác biệt.
Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 8/11 nói rằng, Ukraine và Mỹ cần phải hiểu rằng sẽ không thể đánh bại Nga trên chiến trường và các cuộc đàm phán là rất cần thiết.
Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận “thực tế mới về lãnh thổ”.
Thực tế mới mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea.
Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở “công thức hòa bình” gồm 10 điểm mà Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái, trong đó có điều khoản Nga phải bồi thường cho chiến sự. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ và cho rằng kế hoạch của Kiev phi thực tế.