Thời điểm đó, theo một vài ước tính, ngành công nghiệp không dây của Mỹ dự định đầu tư 275 tỷ USD cho mạng 5G, tạo ra 3 triệu việc làm và bổ sung 500 tỷ USD cho nền kinh tế.

Khác với 4G tập trung vào điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính, công nghệ 5G được mong đợi tạo ra kết nối đáng tin cậy hơn cho các ứng dụng như xe tự hành, thành phố thông minh.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017 – 2021), Tổng thống Donald Trump xem việc triển khai mạng 5G là một ưu tiên quan trọng, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia.

Chính quyền Trump đã triển khai một loạt chính sách và chiến lược nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai 5G, bao gồm cả các biện pháp thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm thiểu thủ tục pháp lý, và giải quyết các vấn đề về phổ tần.

Chính sách 5G Fast Plan

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) công bố kế hoạch 5G Fast Plan năm 2018. Sáng kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G bằng cách hợp lý hóa các quy định và đẩy nhanh tính khả dụng của phổ tần.

Là một phần của chương trình, FCC đã tiến hành đấu giá các băng tần phù hợp với 5G, như băng tần 24 GHz và 28 GHz, để hỗ trợ các ứng dụng tần số cao, độ trễ thấp.

trump bloomberg
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một sự kiện về phát triển Cơ sở hạ tầng 5G tại Nhà Trắng ngày 12/4/2019. Ảnh: Bloomberg

Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc triển khai 5G là các thủ tục pháp lý phức tạp và tốn thời gian, đặc biệt là liên quan đến việc cài đặt trạm gốc và thiết bị.

Chính quyền Trump đã đưa ra các biện pháp giúp đơn giản hóa quy trình phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng 5G, nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhanh chóng.

Cụ thể, sắp xếp lại quy trình cấp phép đối với các trạm 5G, đặc biệt là trạm thu phát sóng nhỏ (small cell towers).

Dưới sự lãnh đạo của ông Trump, FCC ban hành bộ quy định mới Accelerating Wireless Broadband Deployment by Removing Barriers to Infrastructure Investment (Tăng tốc triển khai băng rộng không dây thông qua loại bỏ rào cản đầu tư cơ sở hạ tầng) giúp giảm thời gian phê duyệt dự án xây dựng trạm nhỏ, từ hằng tháng hay thậm chí hằng năm xuống 60 đến 90 ngày.

Quy định cũng yêu cầu chính quyền địa phương không đòi hỏi chi phí quá cao khi sử dụng không gian công cộng (cột điện, tòa nhà…) để lắp đặt trạm thu phát sóng nhỏ, gây cản trở đến triển khai hạ tầng 5G của nhà mạng.

Bên cạnh đó, các yêu cầu cấp phép xây dựng công trình nhỏ và trạm thu phát sóng nhỏ không phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt như các dự án lớn.

Chính quyền Trump còn khuyến khích các nhà mạng chia sẻ hạ tầng với nhau, giảm số lượng giấy phép  xây dựng mới nhờ tận dụng trạm thu phát sóng có sẵn, từ đó giúp giảm thiểu chi phí và thời gian triển khai 5G.

Giải phóng và đấu giá băng tần 5G

Việc giải phóng phổ tần giúp cung cấp tài nguyên cần thiết cho các nhà mạng viễn thông để triển khai công nghệ 5G, đặc biệt là ở các phổ tần cao với khả năng truyền tải dữ liệu nhanh chóng và hiệu quả.

Các phổ tần số được giải phóng từ các nguồn khác nhau, bao gồm cả phổ tần số trước đây được sử dụng cho các mục đích khác như truyền hình hoặc các dịch vụ không dây cũ.

Theo một tuyên bố từ Nhà Trắng tháng 8/2020, FCC đã giải phóng hơn 5.000 MHz phổ tần cho 5G, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác (tại thời điểm ấy).

Sáng kiến Citizens Broadband Radio Service (CBRS) của FCC cho phép các doanh nghiệp không phân biệt lớn nhỏ truy cập băng tần 3.5 GHz (3550 MHz đến 3700 MHz) để triển khai mạng 5G, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và tăng tính linh hoạt, tạo cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ quy mô nhỏ và ứng dụng IoT phát triển.

CBRS giúp triển khai mạng 4G LTE hoặc 5G riêng mà không phải đầu tư vào phổ tần được cấp phép đắt tiền; tăng cường vùng phủ sóng và dung lượng ở những môi trường mà mạng di động truyền thống có thể gặp khó khăn như trong nhà, nông thôn.

Các dải tần số cao hơn (mmWave) trong khoảng từ 24 GHz đến 100 GHz cũng được giải phóng. Các dải tần này có khả năng cung cấp tốc độ truyền tải dữ liệu rất cao và là yếu tố quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ 5G có độ trễ thấp và băng thông rộng.

5g bloomberg
Triển khai mạng 5G an toàn là một ưu tiên quan trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Ảnh: Bloomberg

Năm 2019, FCC tiến hành đấu giá dải tần 24 GHz và 28 GHz, mang về khoảng 2,7 tỷ USD cho chính phủ Mỹ.

Năm 2020, FCC tiếp tục đấu giá dải tần 37 GHz và 39 GHz, thu về hơn 7,5 tỷ USD. Các cuộc đấu giá đảm bảo nhà mạng có đủ tài nguyên để triển khai mạng 5G và dịch vụ tốc độ cao.

Bảo đảm an toàn cho mạng 5G

Tổng thống Trump tuyên bố: “Mạng 5G an toàn là mắt xích quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh quốc gia của Mỹ trong thế kỷ 21”. Chính vì vậy, ông đã ký Đạo luật Bảo vệ 5G và hơn nữa vào ngày 23/3/2020 để bảo vệ mạng không dây và 5G của Mỹ trước các công ty không đáng tin cậy và quốc gia thù địch.

Cùng ngày, Nhà Trắng ban hành National Strategy to Secure 5G of the United States (Chiến lược quốc gia bảo vệ 5G của Mỹ), định hình cách nước này bảo vệ hạ tầng không dây 5G trong và ngoài nước.

Tài liệu dài 7 trang vạch ra tầm nhìn của tổng thống “để Mỹ dẫn đầu sự phát triển, triển khai và quản lý cơ sở hạ tầng truyền thông 5G an toàn và đáng tin cậy trên toàn thế giới, tay trong tay với các đối tác và đồng minh thân cận nhất”.

Bốn nỗ lực riêng biệt được nêu trong chiến lược bao gồm: tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai 5G trong nước; đánh giá rủi ro và xác định các nguyên tắc bảo mật cốt lõi của cơ sở hạ tầng 5G; đánh giá rủi ro đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ trong quá trình phát triển và triển khai cơ sở hạ tầng 5G trên toàn thế giới; thúc đẩy phát triển và triển khai 5G toàn cầu có trách nhiệm.

Trong phần giới thiệu chiến lược, Tổng thống Trump viết: “Các tác nhân xấu đang tìm cách khai thác công nghệ 5G. Đây là môi trường giàu mục tiêu dành cho những kẻ sở hữu động cơ bất chính do số lượng và loại thiết bị nó sẽ kết nối và khối lượng dữ liệu lớn mà các thiết bị sẽ truyền tải”.

Chính quyền Trump triển khai hàng loạt biện pháp để ngăn chặn Huawei – nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc – tham gia xây dựng mạng 5G tại Mỹ.

Mỹ lo ngại Huawei có thể cài đặt cửa hậu vào thiết bị 5G để tiếp cận và đánh cắp dữ liệu, bất chấp công ty Trung Quốc liên tục phủ nhận.

Tháng 5/2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen Entity List của Bộ Thương mại, cấm bán hoặc cung cấp công nghệ Mỹ cho công ty nếu không được cho phép.

Mỹ cũng kêu gọi các nước đồng minh áp dụng biện pháp tương tự, không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 5G của họ.

Các doanh nghiệp viễn thông như Verizon, AT&T và T-Mobile được kêu gọi ngừng dùng thiết bị Huawei trong mạng lưới.

Nhìn chung, các chính sách trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump đã tác động rõ rệt đến sự phát triển của mạng 5G tại Mỹ.

Tính đến cuối năm 2020, Mỹ triển khai mạng 5G ở nhiều thành phố lớn, với Verizon, T-Mobile và AT&T bắt đầu cung cấp dịch vụ 5G cho người dùng.

Theo một báo cáo từ OpenSignal, vào tháng 12/2020, Mỹ dẫn đầu thế giới về tốc độ tải xuống 5G, với tốc độ trung bình lên đến khoảng 240 Mbps.

Với việc tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump được kỳ vọng sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển mạnh mẽ mạng 5G trong nước với mục tiêu trọng tâm là an ninh quốc gia, giảm thiểu phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc, củng cố vị thế dẫn đầu mạng 5G trên toàn cầu.