Dù trước đây đã được nói đến, nhưng thực tế công tác chống lãng phí chỉ trở thành một hoạt động được coi là cấp bách, được xếp vào ưu tiên hàng đầu ở các ngành, các địa phương chỉ sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm nêu vấn đề này lên như một yêu cầu không thể chậm trễ. Vậy các tỉnh thành triển khai nội dung này thế nào. Thời Đại đã có cuộc trao đổi với ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái về chủ đề này.
-Thưa ông, mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu bật vấn đề chống lãng phí như một nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Từ góc độ lãnh đạo một địa phương, ông cảm nhận thế nào về yêu cầu bức thiết này của Tổng Bí thư?
-Vấn đề lãng phí đã và đang tồn tại dai dẳng ở đất nước ta trong nhiều lĩnh vực, trong các cấp, các ngành và trong đời sống nhân dân, tác động tiêu cực đối với sự phát triển chung của đất nước. Trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn hạn chế và cần được sử dụng tối ưu nhằm đạt hiệu quả cao nhất, để góp phần thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ, đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác phòng, chống lãng phí là một nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng.
Từ góc độ lãnh đạo một địa phương, tôi nhận thấy rõ yêu cầu bức thiết này, nhất là từ thực trạng việc xây dựng, ban hành một số chính sách chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; việc lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt; lãng phí cơ hội phát triển của địa phương do hoạt động của các cơ quan công quyền nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả; lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả; lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân…
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển tỉnh Yên Bái nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030, Yên Bái cần phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái |
Do vậy, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đặc biệt, cần có thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, như “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.
–Vấn nạn lãng phí đã tồn tại từ lâu và do nhiều nguyên nhân, theo ông, muốn giải quyết triệt để chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
-Theo tôi muốn giải quyết triệt để vấn nạn lãng phí thì cần tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí, nghĩa là cần phải “điểm mặt, chỉ tên” lãng phí để từ đó có phương thức đặc trị.
Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến lãng phí chính là từ nhận thức. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một “thứ giặc trong lòng”; Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định: đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp. Do vậy, theo cá nhân tôi, để giải quyết triệt để vấn nạn lãng phí, cần phải bắt đầu từ việc nhận thức đúng về chống lãng phí.
Cần phải tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Người nắm vị trí càng cao càng phải nhận thức rõ ràng về trách nhiệm thực hành tiết kiệm. Đặc biệt, phải coi lãng phí cũng nguy hại chẳng kém tham nhũng; công tác phòng, chống lãng phí cũng phải được thực hiện song song, đồng bộ, tương đồng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
–Là người đứng đầu Đảng bộ một tỉnh lớn, theo ông, ngoài ý chí chính trị thì việc xử lý câu chuyện lãng phí cần có sự liên thông thế nào về chính sách giữa Trung ương và địa phương để từ đó nâng cao hiệu quả của công tác này?
-Chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao. Do vậy, ngoài ý chí chính trị thì việc xử lý lãng phí cần có sự liên thông về chính sách giữa Trung ương và địa phương.
Cụ thể thì Trung ương cần nhanh chóng ban hành các quy định về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân.
Bên cạnh đó, cần phân cấp phân quyền rõ ràng cho địa phương trong việc xử lý vi phạm về lãng phí nói riêng và phân cấp, phần quyền cho các địa phương, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước, tránh lãng phí các nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội.
-Vấn đề chống lãng phí ở Yên Bái được ông và Thường vụ Tỉnh uỷ nhận xét và định hướng giải quyết thế nào?
-Trong những năm qua, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn chú trọng quán triệt, thực hiện nghiêm công tác chống lãng phí bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp tại Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh giai đoạn 2021-2025, gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị. Trong đó, yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được thực hiện đồng bộ, gắn với tăng cường các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra; cải cách hành chính; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, xác định rõ các nhiệm vụ thực hiện công tác chống lãng phí, cụ thể:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực; tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Yên Bái cũng tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên một số lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên.
-Theo ông, để việc chống lãng phí đi vào thực chất, đạt hiệu quả lâu dài chúng ta cần xây dựng một chiến lược thực thi thế nào?
-Để việc chống lãng phí đi vào thực chất, đạt hiệu quả lâu dài, không có biện pháp nào tốt hơn là biến việc chống lãng phí thành nhận thức và ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và người dân.
Do vậy, chúng ta cần xây dựng một chiến lược thực thi chống lãng phí trong mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi gia đình, người dân; trở thành văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật; chú trọng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; có chế tài để xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, thực hiện quyết liệt như đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã thực hiện trong những năm qua.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://thoidai.com.vn/ong-tran-huy-tuan-can-diem-mat-chi-ten-lang-phi-de-co-phuong-thuc-dac-tri-209153.html