Lời Tòa soạn
Xuất hiện tại Việt Nam từ cách đây hàng trăm năm, phở được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành món ăn quen thuộc. Giờ đây, theo chân người Việt, phở ngao du khắp nơi, có tên tuổi trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Hãy cùng VietNamNet khám phá ‘hành trình phở Việt vươn dài, len lỏi khắp hành tinh’ trong series ‘Phở xuất ngoại‘
Nhắc tới phở Việt xuất ngoại, rất đông thực khách sẽ lập tức nhớ tới Phở Thìn 13 Lò Đúc của ông Nguyễn Trọng Thìn. Món phở tái lăn “chẳng giống ai” với phần thịt xào xém lửa trên chảo mỡ nóng già, nước dùng đậm đà, béo ngậy, phủ lớp hành lá xanh mướt đã xuất hiện ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Úc, Indonesia, Mỹ.
Dịp khai trương ở Tokyo, phở Thìn Lò Đúc còn trở thành “hiện tượng lạ trên báo Nhật” với cảnh thực khách xếp hàng dài chờ thưởng thức.
Ông Thìn kể, sau năm 2000, du khách quốc tế tới thăm Hà Nội nhiều hơn. Đây cũng là lúc phở Thìn Lò Đúc trở thành địa điểm thu hút nhiều thực khách người Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Thỉnh thoảng có vị khách nhờ phiên dịch hỏi tôi: ‘Món này ngon quá, sao ông không mang ra nước ngoài để bán?’. Nhưng ngày đó tôi nào dám nghĩ tới ước mơ đưa phở xuất ngoại, chỉ xem đó như lời khen xã giao của khách”, ông Thìn kể.
Năm 2009, qua lời mời của một người Hàn Quốc, ông Thìn sang xứ sở kim chi để tìm hiểu thị trường. Chỉ vài ngày quanh quẩn chợ dân sinh, hàng quán bình dân tại Seoul, ông lắc đầu từ chối lời mời hợp tác mở quán phở tại đây.
“Hương vị phở Việt Nam không thể phù hợp với văn hóa ẩm thực người Hàn”, ông Thìn nhận định.
Tuy nhiên, ông vẫn tặng lại công thức nấu phở cho một đơn vị tại Hàn. Thật bất ngờ, sau đó ở Seoul xuất hiện nhà hàng “Phở Tặng”, với hàm ý phở nấu từ công thức do người Việt tặng.
Ông Thìn chia sẻ với phóng viên về hành trình đưa phở xuất ngoại vào tháng 3/2024
Ý định đưa phở Việt xuất ngoại của ông chủ quán phở Hà Nội bị lãng quên trong thời gian dài. Mãi tới năm 2018, một người Nhật Bản tên Kenji Sumi tìm gặp ông Thìn, tha thiết muốn ông dạy nấu phở.
Anh Sumi khi đó là một nhân viên văn phòng, thường xuyên sang Hà Nội công tác. Trong một lần tới đây, anh được gợi ý đi ăn phở Thìn. Sumi từng chia sẻ với truyền thông, hương vị phở Thìn khác tất cả những nơi anh từng ăn. Anh thích vị nước dùng đậm đà, mùi thịt tái lăn tỏa ra thơm phức và những cọng hành xanh mướt.
Ông Thìn kể, Sumi sang Việt Nam tới 4 lần tìm ông. Ba lần đầu, họ không có cơ duyên gặp gỡ. Mãi tới lần thứ 4, khi tới 13 Lò Đúc, Sumi mang theo một tờ giấy A4, bên trên ghi dòng chữ “còn sai chính tả”: “Tôi muốn học nấu phở”.
Nhìn thấy một thanh niên Nhật Bản tha thiết tìm gặp mình, cố gắng viết những dòng tiếng Việt đơn giản, ông Thìn xúc động. Ông quyết định dành thời gian để gặp gỡ Sumi cùng người phiên dịch, kể cho anh nghe về hành trình từ một họa sĩ thành ông chủ quán ngày nấu trăm bát phở tái lăn.
Ngày hôm sau, ông Thìn mời Sumi về nhà riêng tại ngõ Hàng Chuối, nơi cách 13 Lò Đúc chỉ “vài bước chân”. Ông trực tiếp nấu một nồi phở tại nhà để đãi khách. Thưởng thức xong tô phở nóng hổi, Sumi càng kiên quyết bày tỏ mong muốn được ông Thìn dạy nấu phở.
“Tôi thấy được sự quyết tâm của anh Sumi nhưng tôi không dám chắc về sự tiếp nhận phở Việt của người Nhật, nhất là tại Tokyo. Tôi có nói với Sumi, trước tiên, tôi muốn được tới thăm quê hương anh, mục đích là để khảo sát thị trường, xem văn hóa ẩm thực của người Nhật ra sao. Sumi lập tức đồng ý. Một tuần sau, tôi nhận được giấy mời sang thăm Nhật Bản”, ông Thìn kể.
Năm 2018, ông Thìn – khi ấy 67 tuổi, xách vali sang Nhật. Ngày đầu tiên tới Tokyo, ông nhờ Sumi đưa tới các chợ dân sinh.
“Sumi không hiểu tôi tìm tới chợ làm gì nên rất ngạc nhiên. Thực tế, tôi đi để xem chợ hay bán gì, người dân thích gì, nguồn nguyên liệu tươi ra sao. Các bữa ăn trong ngày tôi cũng chọn nhà hàng bình dân, vừa thưởng thức vừa quan sát văn hóa ăn uống của họ. Món phở của tôi dù là ở Hà Nội hay ở đô thị hiện đại như Tokyo thì vẫn là món ăn phục vụ thực khách bình dân là chính”, ông Thìn nói.
“Tôi gặp nguyên liệu nào cũng nếm thử tại chỗ, từ rau, hành ngò, gia vị và xem chất lượng thịt bò. Tôi cần cảm nhận mùi vị, từ đó tính toán cách chế biến sao cho giống mùi vị phở Thìn 13 Lò Đúc nhất. Họa sĩ phối màu tạo ra bức tranh thì người đầu bếp cũng phối gia vị để tạo ra bát phở đúng vị”, ông Thìn nhâm nhi tích trà và kể.
Sau vài ngày khảo sát, ông Thìn trao đổi với anh Sumi: “Tôi muốn nhờ anh mời 150-200 vị khách tới thưởng thức phở Thìn của tôi và chấm điểm theo thang từ 1-10”.
Đúng 4 ngày sau, buổi thử phở Thìn tại Tokyo được tổ chức. Trong hành lí mang theo qua Nhật, ông Thìn chuẩn bị 3 con dao chuyên dụng, một số gia vị, hương liệu đặc trưng của phở Thìn, đủ để nấu cho 200 người. Phở khô, thịt bò, hành ngò… ông đưa yêu cầu để Sumi tìm mua.
“Hôm đó có tổng cộng 165 người tới ăn phở. Dù nguồn nguyên liệu khác biệt nhưng tôi cố gắng để tô phở Tokyo giống tới 99% tô phở 13 Lò Đúc”, ông Thìn kể.
“Sau khi nhận kết quả đánh giá của thực khách, tôi tự tin nói với Sumi: Bạn có thể học nấu phở và kinh doanh”, ông kể tiếp.
Ông Thìn dành thời gian ở Nhật để đào tạo vài người đầu bếp do Sumi tìm kiếm.
“Họ trước đây đều không có nhiều kinh nghiệm nấu ăn và hoàn toàn không biết gì về phở Việt. Tôi dạy từng bước, yêu cầu nghiêm ngặt các học viên tuân theo. Người Nhật vô cùng chăm chỉ, chịu khó và kiên trì. Họ cũng cầu toàn, kỹ lưỡng. Do đó quá trình học nghề diễn ra thuận lợi”, ông Thìn cho hay.
Ông Thìn trực tiếp hướng dẫn đầu bếp làm tương ớt chuẩn công thức phở Thìn, cách chọn rau mùi, hành lá, giấm tỏi hay chần trứng. Đối với phở khô nhập từ Việt Nam, việc sơ chế thế nào, chần ra sao đều được ông chủ quán U70 chỉ rất kĩ.
Không chỉ đặt tiêu chuẩn cao cho đầu bếp, ông Thìn còn đưa ra yêu cầu cho từng vật dụng nấu nướng: Bát ăn phở phải là đồ gốm sứ màu trắng; đũa là loại dùng một lần làm bằng gỗ; dao mài phải bén đến độ cắt thịt ngọt lịm… Cách bài trí nhà hàng cũng phải thể hiện được nét văn hóa Việt Nam.
Đầu tháng 3/2019, phở Thìn tại Tokyo chính thức khai trương. Quán nằm cách ga Ikebukuro – một trong những ga nhộn nhịp nhất ở Tokyo ba phút đi bộ.
Hình ảnh dòng người xếp hàng chờ thưởng thức tô phở Việt Nam và hơn 100 tô phở bay vèo trong chưa đầy 1 tiếng, trở thành “hiện tượng gây sốt” trên truyền thông Nhật. Sang ngày thứ hai quán đã tăng số lượng gấp 1,5 lần, lên hơn 150 bát nhưng vẫn hết sạch. Quán phải đóng cửa trước giờ hoạt động niêm yết khiến nhiều thực khách “chậm chân” tiếc ngẩn ngơ, quay về.
Thực khách xếp hàng chờ thưởng thức phở tại Nhật Bản. Ảnh: Huyen Hashimoto
Suốt nhiều ngày sau đó, trước lúc mở cửa khoảng 30 phút, đã có hàng chục người đứng xếp hàng để được vào ăn phở Thìn. Đến giờ mở cửa, thực khách lập tức phủ kín các bàn trong quán.
Mỗi bát phở tái lăn tại Tokyo có giá khoảng 150.000-180.000 đồng, nếu thêm rau, trứng chần… giá có thể tới 300.000 đồng. Đây là mức giá cao hơn rất nhiều so với tô phở tại Việt Nam nhưng được đánh giá là tương đối dễ chịu so với trung tâm Tokyo đắt đỏ.
Đã 5 năm kể từ khi xuất hiện tại Tokyo, phở Thìn vẫn là địa chỉ yêu thích của thực khách. Chuỗi phở này cũng đã mở thêm những cơ sở mới để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Hình ảnh Kenji Sumi ôm chầm lấy ông Thìn, xúc động khi khai trương quán phở thành công. Ảnh: NVCC
Sau khi hợp tác để đưa phở Thìn 13 Lò Đúc đến Tokyo thành công, ông Thìn cũng hợp tác và đưa phở “xuất ngoại” sang Melbourne (Úc), Indonesia và gần đây nhất là Mỹ.
“Trở về từ Tokyo, tôi được truyền thông tìm tới phỏng vấn và khen ngợi. Với một người bán phở bình thường như tôi, sự quan tâm này rất đỗi bất ngờ”, ông Thìn kể.
“Năm 1979, khi tôi quyết định bỏ việc nhà nước ra bán phở, nhiều bạn bè mắng tôi ‘điên’, ‘gàn dở’. Chính bố và vợ tôi khi ấy còn không tin tưởng. Trước khi sang Nhật, tôi thực lòng chưa bao giờ dám nghĩ phở Thìn có thể xuất ngoại. Nhưng bây giờ ở độ tuổi người khác nghỉ hưu tôi lại khao khát được giới thiệu phở tới bạn bè năm châu bốn bể. Mỗi người tìm tới tôi để học nghề phở, tôi đều trân trọng”, ông tâm sự.
Ông kể, những ngày mới khai trương ở Tokyo, có vợ chồng vị khách Nhật đi cả vài trăm km đến ăn phở Việt Nam. Họ thưởng thức ngon lành rồi dành lời khen khiến ông Thìn chảy nước mắt.
Một ngày trước khi về nước, ông vẫn thấy khách hàng kéo đến xếp hàng dài. “Tôi nhìn cảnh đấy thì chạy vào phòng, bật khóc. Bật khóc vì quá hạnh phúc. Tôi đã mất biết bao năm tháng để có được sự ghi nhận của thực khách, mà không chỉ thực khách Việt, còn có thực khách ở thị trường khó tính như Nhật Bản”, ông xúc động nhớ lại.
Năm 2023, tại Mỹ, chứng kiến nhiều thực khách gốc Việt rưng rưng nhớ quê sau khi thưởng thức tô phở mình nấu, ông Thìn cũng khóc.
Khi nhận được lời mời tới Úc, Indonesia hay Mỹ, ông chủ quán phở Hà Nội vẫn giữ thói quen cũ, nhất quyết muốn đến các chợ dân sinh, quán ăn bình dân trong khu vực. Giá mỗi bát phở tại Mỹ ở mức 15-20USD, tương đương 375.000-500.000 đồng.
“Như tôi đã nói, phở là món ăn bình dân. Tôi muốn lan tỏa món ăn này tới nhiều người. Khi nó ngon, hợp túi tiền thì người lao động có thể thưởng thức mà người giàu có vẫn có thể thưởng thức. Phở không phải món ăn để xây dựng hình ảnh cao cấp, đắt đỏ, xa rời với thực tế tại Việt Nam”, ông Thìn cho hay.
Ở trong nước, ông Thìn đã hợp tác để đưa phở tới chuỗi thương hiệu nghỉ dưỡng 5 sao quốc tế của tập đoàn lớn. Đây là nơi phục vụ lượng khách nước ngoài đông đảo, qua đó càng giúp lan tỏa hình ảnh và hương vị phở Việt ra thế giới.
Ông chia sẻ trong tương lai không xa ông mong đưa được món phở sang Châu Âu, nhất là nước Pháp.
“Nghề phở vất vả vô cùng. Hơn 44 năm bán phở, tôi đã trải qua đủ thăng trầm của thời cuộc, cũng hứng chịu những tranh cãi, lùm xùm thương hiệu, giá cả… Nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Chỉ còn một thực khách thích phở tôi, tôi vẫn nấu”, ông Thìn tâm sự.
“Hành trình đưa phở xuất ngoại càng không dễ dàng. Nhưng tôi cứ làm và làm bằng tâm huyết của mình. Tôi tin, điều đó sẽ chạm tới trái tim thực khách, sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh phở nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung ra thế giới”, ông Thìn bộc bạch.
Linh Trang – Đỗ An
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/ong-thin-lo-duc-tu-nguoi-dien-ban-pho-den-hien-tuong-la-tren-khap-bao-tay-2267169.html