Ukraine đẩy mạnh phản công
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27.7 cho biết quân đội Ukraine đã tăng cường phản công, nhưng chịu tổn thất nặng nề trong quá trình này, theo đài RT.
Trong 24 giờ qua, Ukraine đã mở cuộc tấn công lớn vào các vị trí của Nga ở tỉnh Zaporizhzhia, nhưng quân đội Nga đã đẩy lùi cuộc tấn công, ông Putin tiết lộ khi trao đổi với báo giới bên lề hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ở St. Petersburg.
Xem nhanh: Ngày 518 xung đột, Ukraine lại ồ ạt phản công, vẫn e dè Su-35 Nga
“Đối phương đã sử dụng một lượng lớn thiết giáp hạng nặng, khoảng 50 chiếc. Khoảng 39 trong số đó, cụ thể là 26 xe tăng và 13 xe bọc thép đã bị phá hủy”, ông Putin nói. Tổng thống Putin lưu ý rằng khoảng 60% thiết giáp Ukraine đã bị lực lượng mặt đất Nga loại bỏ, trong khi phần còn lại bị máy bay của Nga tấn công.
Ông Putin tiết lộ quân đội Ukraine đã chịu tổn thất nhân sự nặng nề trong cuộc giao tranh, với hơn 200 binh sĩ thiệt mạng. Ông thừa nhận rằng quân đội Nga đã chịu thương vong khi đẩy lùi cuộc tiến công, nhưng mô tả sự khác biệt giữa tổn thất của hai bên là “rất lớn”. Ông nói Ukraine thiệt hại binh lính nhiều gấp 10 lần so với Nga trong trận đánh.
Trước đó, truyền thông phương Tây dẫn lời hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Ukraine đã đưa lực lượng dự bị chính tham gia cuộc phản công và có thể đã tìm ra điểm yếu của Nga. Đợt tấn công tiến về hướng nam, băng qua các bãi mìn và công sự của Nga để hướng đến các thành phố Tomak và Melitopol của tỉnh Zaporizhzhia gần biển Azov.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ xác nhận rằng lực lượng Ukraine đã khởi động chiến dịch phản công lớn tại Zaporizhzhia trong ngày 26.7 và có vẻ đã phá vỡ một số vị trí phòng thủ của Nga ở phía nam Orikhiv, tỉnh Zaporizhzhia.
Phương Tây biết trước Ukraine chưa đủ vũ khí, huấn luyện để phản công?
Mặt khác, Bộ Quốc phòng Nga ngày 27.7 cho hay lực lượng Ukraine đang tiếp tục các cuộc tấn công “không thành công” trên nhiều mặt trận, TASS đưa tin. Bộ này nói rằng các lực lượng Nga đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine xung quanh làng Klishchiivka gần thành phố Bakhmut (tỉnh Donetsk) và phía bắc Robotyne trên tiền tuyến ở khu vực Zaporizhzhia.
Cùng ngày, Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) của Nga thông báo đã phá âm mưu tấn công khủng bố một tàu chiến thuộc Hạm đội biển Đen và bắt một thủy thủ người Nga. Nghi phạm sở hữu 2 quả bom tự chế, còn bị tình nghi chuyển bí mật nhà nước cho Ukraine.
Kyiv thiếu các phương tiện để tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng ngũ cốc do Nga thực hiện, vốn đang phong tỏa “hầu như tất cả” các cảng của Ukraine, phát ngôn viên quân đội Ukraine Nataliya Gumenyuk nói với AFP ngày 26.7.
“Chúng tôi cần hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không. Các hệ thống được tăng cường, mạnh mẽ, hiện đại và có khả năng chống lại các loại tên lửa mà kẻ thù sử dụng để chống lại chúng tôi”, bà Gumenyuk cho biết.
Nghịch lý xung đột: Xe tăng Ukraine chạy bằng dầu Nga?
Ukraine đã nhận được hệ thống phòng không tiên tiến từ các đồng minh phương Tây, bao gồm cả hệ thống Patriot của Mỹ nhưng bà Gumenyuk nói rằng Nga đang “cải thiện chiến thuật liên tục”.
Trong tháng 7, Nga đã rút khỏi một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép vận chuyển khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc rời khỏi các cảng của Ukraine qua biển Đen. Kể từ khi thỏa thuận hết hạn, “hầu như tất cả các cảng đều bị phong tỏa, không tàu nào có thể rời đi”, bà Gumenyuk nói. Các cuộc tấn công vào khu vực tây nam Odessa trên bờ biển Đen đã gia tăng kể từ đó.
Bà Gumenyuk cho biết Ukraine cần hệ thống phòng không nhanh chóng để bảo vệ các cơ sở sản xuất ngũ cốc khỏi các cuộc tấn công này. “Chúng tôi sẽ không cần (phòng không) trong hai hoặc ba tháng nữa. Bởi chúng tôi có thể không còn cảng nào nữa”, bà cảnh báo.
Trong khi đó, cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine cũng nói điều tương tự với tờ The Guardian trong một cuộc phỏng vấn tại Kyiv. Theo ông, Ukraine không có đủ hệ thống phòng không để bao quát toàn bộ các vùng trên cả nước.
Chiến đấu cơ Su-35 của Nga là mối đe dọa chính đối với không quân Ukraine
Ukraine mới chỉ có 2 hệ thống Patriot từ Mỹ và Đức. Ông Podolyak cho rằng cần thêm 10-12 hệ thống đó nữa hoặc các hệ thống tương tự mới bảo vệ được toàn lãnh thổ.
Quốc hội Ukraine ngày 27.7 đã bỏ phiếu gia hạn thiết quân luật thêm 90 ngày nữa cho đến ngày 15.11, loại trừ khả năng tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 10, theo Reuters.
Ukraine ban hành thiết quân luật vào ngày 24.2.2022, ngày Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Luật cấm đàn ông Ukraine từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước, kể từ đó đã được gia hạn nhiều lần.
Nghị sĩ Yaroslav Zheleznyak cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng đa số các nhà lập pháp đã bỏ phiếu gia hạn thiết quân luật trong một phiên họp của quốc hội Ukraine.
Các cuộc bầu cử không thể được tổ chức trong thời gian thiết quân luật và với việc cả nước Ukraine trước đó dự kiến sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 10 để bầu quốc hội mới, đây sẽ là lần đầu tiên một cuộc bỏ phiếu lớn trên toàn quốc bị lùi lại do chiến sự. Ukraine sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm sau nhưng chưa rõ cuộc bầu cử này có diễn ra hay không.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi có gì đáng chú ý?
“Trùm” Wagner tái xuất tại Nga?
Yevgeny Prigozhin, người sáng lập công ty quân sự tư nhân Wagner, đã được nhìn thấy ở St. Petersburg, gặp gỡ một quan chức châu Phi bên lề hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi, theo các tài khoản liên quan đến nhóm lính đánh thuê.
Theo CNN, chưa thể xác định được danh tính vị quan chức này nhưng ông ta đeo một chiếc dây buộc giống với những chiếc mà các quan chức khác đeo tại hội nghị thượng đỉnh. Vị quan chức này được cho là thành viên phái đoàn Cộng hòa Trung Phi tới hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên ông Prigozhin xuất hiện trước công chúng ở Nga kể từ sau cuộc nổi loạn vũ trang vào tháng trước. Kể từ cuộc nổi loạn, ông Prigozhin chỉ được nhìn thấy trước công chúng vào ngày 19.7, khi ông ta dường như xuất hiện trong một video tại Belarus, chào đón các thành viên Wagner đến căn cứ ở nước này.