Các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã gặp nhau hôm 4/7 trong một Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Á-Âu do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì theo hình thức trực tuyến.
Cuộc họp trực tuyến kéo dài một ngày của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đánh dấu lần đầu tiên ông Putin xuất hiện trên vũ đài thế giới trong một Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế kể từ cuộc nổi loạn vũ trang của nhóm quân sự tư nhân Wagner ở Nga vào cuối tháng trước.
Hội nghị Thượng đỉnh SCO được phương Tây nhìn nhận là cơ hội cho ông Putin trấn an các đối tác của Moscow – và nói rộng hơn là thế giới – rằng ông vẫn đang lãnh đạo nước Nga.
Đây cũng là cơ hội để tổ chức do Trung Quốc và Nga thành lập mở rộng phạm vi hoạt động của mình – với việc Iran trở thành thành viên đầy đủ thứ 9 của SCO và Belarus ký một bản ghi nhớ về các nghĩa vụ để gia nhập khối.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Modi đã ca ngợi SCO là “nền tảng quan trọng cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển trong toàn bộ khu vực Á-Âu”.
“Chúng tôi không coi SCO là một nhóm mở rộng, mà là một đại gia đình. An ninh, phát triển kinh tế, kết nối, thống nhất, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như bảo vệ môi trường là những trụ cột trong tầm nhìn của chúng tôi đối với SCO”, Thủ tướng Ấn Độ nói.
Nhưng Thượng đỉnh SCO năm nay, vì diễn ra theo hình thức trực tuyến nên được cho là kém màu sắc hơn so với năm ngoái.
Hội nghị năm ngoái kéo dài hơn 2 ngày trực tiếp tại Samarkand, Uzbekistan, trong đó có một số cuộc gặp bên lề giữa các nhà lãnh đạo tham dự.
Hợp tác đôi bên cùng có lợi
Cả Moscow và Bắc Kinh đều coi SCO là một giải pháp thay thế cho các khối do phương Tây lãnh đạo và là phương tiện chính cho nỗ lực của họ nhằm đẩy lùi cái mà họ coi là trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.
Trong bài phát biểu trước hội nghị, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết của việc đoàn kết và hợp tác, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực chịu trách nhiệm về tương lai của đất nước họ – trong một nỗ lực rõ ràng để họ chống lại ảnh hưởng bên ngoài trong khu vực.
“Thế giới ngày nay đầy hỗn loạn và những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ đang tăng tốc. Xã hội loài người đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đoàn kết hay chia rẽ? Hòa bình hay xung đột? Hợp tác hay đối đầu?”, ông Tập nói, kêu gọi nên thay vào đó bằng hợp tác “đôi bên cùng có lợi”.
“Chúng ta cần tăng cường liên lạc và phối hợp chiến lược… Chúng ta phải xây dựng chính sách đối ngoại một cách độc lập dựa trên lợi ích tổng thể và lâu dài của khu vực, đồng thời nắm chắc tương lai và vận mệnh của sự phát triển và tiến bộ của đất nước chúng ta trong tay của chính mình”, ông Tập nói, theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã (Xinhua).
Đoàn kết hơn bao giờ hết
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Nga Putin đánh giá cao SCO là tổ chức đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển tăng trưởng bền vững của các quốc gia thành viên, tăng cường gắn kết giữa các dân tộc trong bối cảnh thế giới có những mâu thuẫn địa chính trị ngày càng gay gắt, an ninh xuống cấp.
Về cuộc chiến hỗn hợp – điều mà ông Putin đã nhiều lần tuyên bố do tập thể phương Tây gây ra cho Nga, ông lưu ý rằng “sự chống Nga” đã được tạo ra từ Ukraine, một nơi gần biên giới Nga, trong một thời gian dài và chính cuộc chiến hỗn hợp này vẫn đang tiếp diễn chống lại Nga.
Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga phản đối và sẽ tiếp tục thách thức các biện pháp trừng phạt và hạn chế, người dân Nga đang đoàn kết hơn bao giờ hết. Theo ông, hơn 80% giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc – 2 thành viên sáng lập SCO – đang được thực hiện bằng đồng Rúp và Nhân dân tệ.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết Moscow ủng hộ dự thảo tuyên bố chung của hội nghị SCO phản ánh các cách tiếp cận thống nhất đối với các vấn đề quốc tế.
SCO được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2001 với 6 thành viên sáng lập – Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan. Ấn Độ và Pakistan gia nhập khối này vào năm 2017.
Sau Ấn Độ, chức Chủ tịch luân phiên của khối sẽ được chuyển giao cho Kazakhstan.
Minh Đức (Theo CNN, RT, Sputnik)