Ứng viên tranh cử Thủ tướng Thái Lan của đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat (phía trước) chấp hành phán quyết của Tòa án Hiến pháp, tạm dừng tư cách Nghị sĩ Quốc hội, tại Bangkok, ngày 17-7-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau hơn 8 giờ tranh luận sôi nổi về việc liệu tái đề cử ông Pita có trái với quy định của Hạ viện hay không. Các đối thủ của ông nhấn mạnh rằng việc tái đề cử của ông là sự lặp lại của cùng một đề nghị đã được Quốc hội đệ trình và bác bỏ vào ngày 13-7.
Quy định của hoạt động Quốc hội không cho phép một kiến nghị đã bị bác bỏ được đệ trình lại trong cùng một phiên họp quốc hội. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Pita lập luận rằng việc tái đề cử bản chất không phải là một “kiến nghị” mà là một phần của quá trình đề cử thủ tướng.
Sau cả ngày tranh luận, Chủ tịch Quốc hội Wan Muhamad Noor Matha đã quyết định bỏ phiếu về vấn đề này. Trong số 715 nghị sĩ lưỡng viện tham gia bỏ phiếu, 394 nghị sĩ đã tán thành việc hủy bỏ đề cử đối với ông Pita, 312 người không ủng hộ, 8 nghị sĩ bỏ phiếu trắng và 1 người không tham gia bỏ phiếu. Sau khi kết quả được thông qua, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha chính thức đưa ra tuyên bố hủy bỏ việc đề cử vị trí Thủ tướng đối với ông Pita.
Trước đó, cùng ngày, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng ra quyết định tạm thời đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita liên quan đến cáo buộc ông Pita sở hữu 42.000 cổ phiếu của công ty truyền thông khi đăng ký tranh cử, vi phạm Hiến pháp. Quyết định của Tòa dẫn tới việc ông Pita phải rời phòng họp Quốc hội và mất quyền bỏ phiếu sau đó. Tòa án cho phép ông Pita có 15 ngày để giải trình về vụ cáo buộc trước khi có phán quyết cuối cùng.
Một số nguồn tin chưa cho biết Quốc hội Thái Lan sẽ triệu tập một phiên họp toàn thể nữa để bầu Thủ tướng vào ngày 26-7. Nhiều khả năng ứng cử viên Srettha Thavisin của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai), đảng giành nhiều phiếu thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5 sẽ được đề cử.
Nguồn: TTXVN