CEO Gelex cho biết tập đoàn không tập trung M&A nhanh, mà nhấn mạnh sự phù hợp ở các yếu tố về năng lực quản trị, tài chính và nhân sự.
Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (GEX) hôm nay tổ chức phiên họp cổ đông thường niên năm 2024. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn là người chia sẻ về định hướng tương lai của tập đoàn này.
Năm nay, các câu hỏi của cổ đông chủ yếu xoay quanh vấn đề quản trị doanh nghiệp của Gelex, thay vì những thông tin ngoài lề như năm trước.
2023 – năm bước ngoặt của tập đoàn này trong kinh doanh khi họ tăng hợp tác với các đối tác quốc tế. Gelex lập liên doanh với Frasers triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng ở giai đoạn đầu. Tập đoàn cũng làm việc với Sembcorp để chuyển nhượng một phần mảng năng lượng.
Năm nay, ông Tuấn cho biết, Gelex tập trung hợp tác với các đối tác lớn, tìm kiếm các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) phù hợp. Tuy nhiên, khác với trước, tập đoàn này thay đổi tiêu chí từ “nhanh” sang “phù hợp” khi mua bán sáp nhập.
“Gelex không ưu tiên những thương vụ mua nhanh, mà lúc này ưu tiên sự phù hợp với tập đoàn. Chúng tôi nhận thấy, muốn đi xa thì cần xây dựng nền móng vững chắc về quản trị. Cơ hội đầu tư cần đi cùng với phù hợp năng lực, tài chính và nhân sự”, ông Tuấn nói.
Với nhóm doanh nghiệp thành viên, định hướng của Gelex cũng tập trung vào thay đổi quản trị, nhất là đơn vị có lợi thế như Cadivi. Việc này nhằm phát triển công ty con có lợi thế, tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác ngoại và chuyển giao công nghệ những mảng sản xuất giá trị cao hơn.
Danh mục đầu tư cũng được Gelex tiếp tục cơ cấu trong năm nay. Trong đó, mảng thiết bị điện, phát triển hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp, năng lượng tái tạo được xác định là ưu tiên hàng đầu.
Với mảng bất động sản khu công nghiệp, Gelex dự định chuyển mô hình đầu tư nhà xưởng, hạ tầng sang thành phố công nghiệp tích hợp đô thị sinh thái. Tập đoàn cũng kỳ vọng phát triển các dự án nhà ở xã hội, phát triển quỹ đất, đầu tư các dự án nhà ở thương mại, nghỉ dưỡng.
Trước câu hỏi của cổ đông về lý do tại sao Gelex lại rút một số công ty thành viên khỏi sàn chứng khoán, trong khi điều kiện niêm yết ngày càng chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp “muốn lên mà không được”, ông Tuấn nói đây là chiến lược của tập đoàn.
Theo CEO Gelex, hiện tập đoàn này nắm giữ phần lớn lượng cổ phần tại các doanh nghiệp thành viên chủ chốt, 75-90%, và định hướng đầu tư dài hạn nên các mã này tính thanh toán không cao. Tuy nhiên, số công ty này niêm yết nên việc công bố thông tin định kỳ, tổ chức Đại hội đồng cổ đông vẫn phải thực hiện, dù nhiều khi chỉ có Gelex tham gia.
“Việc đưa số doanh nghiệp này rời sàn để tập trung hoàn toàn vào sản xuất kinh doanh”, ông Tuấn cho biết.
Liên quan tới thoái vốn mảng điện gió, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Trọng Hiền cho biết thêm kế hoạch này nằm trong chiến lược của tập đoàn, nhưng “không phải thoái hoàn toàn”. Tức là, Gelex chỉ thoái một phần danh mục mảng năng lượng để tìm, lựa chọn đối tác cùng đồng hành trong các dự án tiếp theo. Hiện, danh mục đầu tư mảng năng lượng của tập đoàn này gần 3.500 MW, gồm điện gió, mặt trời.
“Làn sóng đầu tư vào năng lượng tái tạo 5 năm qua đã giúp Gelex rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai các dự án tiếp theo, nên tập đoàn muốn đồng hành với những nhà đầu tư có năng lực”, ông Hiền nói.
Năm nay, Gelex đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt hơn 32.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 1.900 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,7% và 37,5% so với thực hiện năm trước.
Minh Sơn