Sáng 3-1, Trường đại học Sài Gòn công bố nghị quyết thành lập Viện nghiên cứu Kinh tế – Xã hội. Nguyên chủ tịch UBND TP.HCM làm chủ tịch hội đồng khoa học.
Viện nghiên cứu Kinh tế – Xã hội Trường đại học Sài Gòn là một tổ chức khoa học và công nghệ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính.
Viện được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Công nghệ Môi trường – Năng lượng Trường đại học Sài Gòn, đồng thời bổ sung thêm các chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu kinh tế – xã hội, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
PGS.TS Lê Chi Lan – phó hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn – giữ chức vụ viện trưởng. Hội đồng khoa học viện gồm 9 thành viên. TS Nguyễn Thành Phong, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM, làm chủ tịch hội đồng khoa học.
Các thành viên còn lại gồm GS.TS Mai Hồng Quỳ, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á (Đại học Kinh tế TP.HCM), PGS.TS Phạm Hoàng Quân – hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn, nhà báo Phạm Đức Hải…
Phát biểu tại lễ thành lập, PGS.TS Phạm Hoàng Quân cho rằng với tiềm lực của đội ngũ các nhà nghiên cứu giỏi, sự hợp tác từ các bên liên quan, Viện nghiên cứu Kinh tế – Xã hội Trường đại học Sài Gòn sẽ tạo nên những nghiên cứu đột phá, những ứng dụng có giá trị thực tiễn vào trong mọi mặt của cuộc sống.
“Tôi rất kỳ vọng Viện nghiên cứu Kinh tế – Xã hội sớm trở thành hạt nhân trong nghiên cứu và phát triển ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực, đóng góp tích cực vào việc nâng tầm vị thế của Trường đại học Sài Gòn, trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu và đạt chuẩn quốc tế” – ông Quân nêu mục tiêu phát triển của viện trong thời gian tới.
Cũng tại lễ công bố nghị quyết thành lập, viện này đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 8 đơn vị nhằm thiết lập một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội cấp bách của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Nghiên cứu khoa học, tư vấn, đào tạo
Viện nghiên cứu Kinh tế – Xã hội Trường đại học Sài Gòn sẽ thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến nghiên cứu, tư vấn và đào tạo.
Chẳng hạn tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ và giải pháp khoa học công nghệ trong các lĩnh vực: kinh tế, tài chính, tiền tệ, ngân hàng, giáo dục, môi trường, pháp luật, văn hóa xã hội. Nghiên cứu ứng dụng quản lý kinh tế, chính sách thuế, tài chính, giá cả thị trường, chính sách phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế.
Thực hiện các dịch vụ tư vấn: tư vấn quản lý doanh nghiệp; tư vấn dự án đầu tư, thương mại; tư vấn giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tư vấn chính sách pháp luật, kinh tế, xã hội, môi trường, truyền thông,…
Tổ chức và triển khai các chương trình đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, các chương trình đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn theo yêu cầu của các doanh nghiệp và tổ chức.
Tổ chức các diễn đàn khoa học, hội thảo, workshop, tọa đàm, seminar. Hợp tác với các đơn vị trong nước và quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ong-nguyen-thanh-phong-lam-chu-tich-hoi-dong-khoa-hoc-vien-nghien-cuu-truong-dai-hoc-sai-gon-20250103134700293.htm