Ông Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tâm sự trong buổi họp báo của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 16-2 nhằm thông tin về Ngày thơ Việt Nam sắp diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long dịp rằm tháng giêng tới.
350.000 tỉ đồng cho chấn hưng văn hóa chưa là gì
Nhân nói chuyện tiền để tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 hoành tráng, mời MC là á hậu Thụy Vân… ông Thiều nói chương trình nhận được sự góp sức của nhiều cá nhân cùng chung tay làm.
“Chương trình năm ngoái, đạo diễn Lê Quý Dương nói với tôi phải cần tới 5 tỉ đồng nhưng chúng tôi chỉ có 1/5 số đó. Và năm nay cũng vậy”, ông Thiều nói.
Cũng chuyện tiền tổ chức các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, ông Thiều cho biết năm 2023 Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị gặp mặt các nhà văn lão thành ở Hải Phòng khi “không có một xu nào”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói đất nước phát triển mạnh mẽ, Nhà nước chi cho các hoạt động văn hóa ở một số nơi rất nhiều tiền nhưng còn những việc rất cần tiền thì lại không chi.
“Chính phủ phải xem lại việc này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải xem lại việc này. Vấn đề là làm sao để chọn lựa những gì cần thiết để chi.
Chúng ta chi không ít tiền cho văn hóa đâu. 350.000 tỉ đồng cũng chưa là gì đâu. Nhưng nó đã vào đúng chỗ, vào đúng hoạt động cần thiết chưa?”, ông Thiều chia sẻ và mong muốn nhận được sự ủng hộ đối với Hội Nhà văn cùng các hội chuyên ngành khác.
Tôn vinh nhà thơ Hồ Chí Minh và các nhà thơ dân tộc thiểu số
Về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, ông Thiều cho biết năm thứ hai hoạt động này diễn ra ở Hoàng thành Thăng Long (miễn phí cho người tham gia Ngày thơ).
Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, Ngày thơ năm nay tôn vinh các nhà thơ miền núi, nhà thơ dân tộc miền núi hoặc viết nhiều viết hay về chủ đề dân tộc, miền núi.
Sự kiện chính diễn ra vào ngày rằm tháng giêng (24-2) với hai hoạt động chính là tọa đàm với chủ đề “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” vào buổi sáng và đêm thơ Bản hòa âm đất nước vào buổi tối.
Tọa đàm thơ do nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương – phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – chủ trì.
Đêm thơ, do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng, là các tiết mục trình diễn và đọc thơ của 16 tác giả khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung – Tây Nguyên – miền Nam, nhà thơ quốc tế…
Đây là lần thứ hai ông Dương đạo diễn Ngày thơ Việt Nam và cũng chỉ hai mùa qua Ngày thơ mới mời đạo diễn chuyên nghiệp. Ông Dương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
Từ ngày 14 tháng giêng (23-2), công chúng có thể bắt đầu tham quan nhà ký ức, đường thơ, tham gia trò chơi đố thơ; các buổi giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nhà thơ trẻ; các nhà thơ đã thành danh; hoạt động của một số câu lạc bộ thơ trong các quán thơ.
Nhà ký ức do Bảo tàng Văn học Việt Nam thực hiện, năm nay sẽ trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ – Chủ tịch Hồ Chí Minh, và 11 nhà thơ người dân tộc thiểu số được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Ngày thơ 2024 sẽ thành Liên hoan thơ quốc tế
Việc mời ba nhà thơ quốc tế tham gia đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam năm nay chính là để khởi động cho Liên hoan thơ quốc tế thay cho Ngày thơ Việt Nam vào năm sau.
Liên hoan dự kiến kéo dài trong một tuần lễ, mời khoảng 100 nhà thơ của 50 quốc gia đến tham dự.