Sức khoẻ của các ngân hàng luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, vậy năm 2024 này, những biến động dữ dội của kinh tế quốc tế đã tác động thế nào tới từng ngân hàng ở Việt Nam, cách thức điều hành của SBV đem lại những cú huých tích cực nào cho các nhà băng trong một bối cảnh khó tiên liệu về mọi việc. Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc TPBank, ông Nguyễn Hưng về tình hình chung cũng như triển vọng kinh doanh của ngân hàng này trong thời gian tới.
-Tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các ngân hàng mới đây, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú cho biết với công thức điều hành mới của NHNN nên TPBank đã chủ động tính toán dựa trên dư nợ và xác định được hạn mức tín dụng năm 2024 này sẽ khoảng 18%, tự tin sẽ sử dụng hết hạn mức được cấp, trong đó hết quý III có thể đạt trên 13%. Thưa ông, đâu là những nguyên nhân chính để TPBank đạt được kết quả tích cực như vậy?
-Hiện nay NHNN cũng vừa phân bổ thêm room tín dụng cho các ngân hàng (NH) nên các NH, trong đó có TPBank đã chủ động hơn trong việc sử dụng hạn mức được cấp. TPBank đã chuẩn bị đủ nguồn vốn để có thể giải ngân đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện tại, nhờ uy tín tốt và thanh khoản thị trường khá dồi dào nên việc huy động vốn của TPBank khá thuận lợi, kể cả nguồn vốn huy động từ tổ chức và dân cư trong nước cũng như nguồn vốn huy động từ các tổ chức, định chế nước ngoài.
Sau khi FED hạ lãi suất, áp lực lên tỷ giá giảm bớt, lãi suất các đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã hạ xuống và kéo theo lãi suất trên thị trường trong nước cũng có xu hướng hạ bớt, giúp giảm bớt áp lực tài chính cho người đi vay, thuận lợi cho việc giải ngân của các ngân hàng. Trong quý III, nhu cầu tín dụng tại ngân hàng cũng đã tăng lên. Người dân và doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhiều hơn tạo cơ sở để TPBank đẩy vốn ra thị trường từ nay tới cuối năm.
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng |
Tôi kỳ vọng rằng trong cuối năm nay kinh tế sẽ khởi sắc hơn nữa, tín dụng nhờ vậy cũng sẽ tăng trưởng tốt hơn.
-Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn đề nghị các ngân hàng tùy điều kiện hoàn cảnh của mình tiếp tục giảm hoặc có lãi suất phù hợp để doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng hơn trong việc vay vốn. Với TPBank, việc thực hiện chủ trương này có gặp phải khó khăn gì không khi hiện tại một số ngân hàng đã bắt đầu nâng lãi suất huy động?
-Thời gian qua, lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng nhẹ tại nhiều kỳ hạn làm cho giá vốn của ngân hàng tăng theo. Tuy vậy, xác định bối cảnh thị trường chung vẫn còn khó khăn nên chúng tôi vẫn tích cực đưa ra các chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay phù hợp để người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay.
Tương tự như các ngân hàng thương mại khác, TPBank cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lãi suất để thu hút khách hàng tốt trong khi phải tính toán cân đối để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Nhằm giải quyết vấn đề này, TPBank đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tiết kiệm chi phí hoạt động nhờ ứng dụng công nghệ để có mức lãi suất cho vay cạnh tranh nhằm đảm bảo lợi ích và phù hợp với từng nhóm khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Từ đầu năm đến nay, TPBank vẫn liên tục cập nhật những chính sách ưu đãi lãi vay mới dành cho khách hàng. Cụ thể, TPBank đã điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà đất, nhà dự án; xây sửa nhà; vay trả nợ ngân hàng khác xuống chỉ còn 0%/năm cố định trong 3 tháng đầu, 8.2% cố định trong 9 tháng tiếp theo, với gói vay lãi suất cố định 3 tháng.
Ngoài ra, ngân hàng luôn sẵn sàng những gói vay với lãi suất ưu đãi cố định dài hạn như: 6.8%/năm cố định trong 12 tháng đầu; 7.3%/năm cố định trong 18 tháng đầu; 7.8%/năm cố định trong 24 tháng đầu; 8.8%/năm cố định trong 36 tháng đầu. Mức lãi suất này được áp dụng đến hết tháng 2 năm sau.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng do bão, lũ gây ra bởi cơn bão Yagi, TPBank giảm tối đa 50% số tiền lãi khách hàng phải trả hiện tại và giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31/01/2025. Chương trình áp dụng từ nay đến hết tháng 10, với hạn mức lên tới 2.000 tỷ đồng.
Không chỉ tích cực giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân, TPBank còn hoạt động sôi nổi trên thị trường với các chương trình tài trợ cấp vốn lớn. Cuối tháng 8, ngân hàng ký kết thỏa thuận hợp tác tài trợ giai đoạn đầu tiên 130 tỷ đồng, đảm bảo chi phí phát triển quỹ đất cho Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên do Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành làm chủ đầu tư.
TPBank đẩy mạnh các gói vay dành cho doanh nghiệp có phương án, dự án xanh với mức lãi suất chỉ 0% trong 3 tháng đầu, với tổng giá trị gói vay lên tới 5.000 tỷ đồng.
-Xin ông cho biết đâu là nhóm khách hàng mục tiêu chính của TPBank trong những tháng còn lại của năm 2024?
-Với thế mạnh tín dụng ở mảng khách hàng cá nhân, TPBank tiếp tục đẩy mạnh cấp tín dụng đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực ưu tiên của chính phủ và NHNN; các dự án, lĩnh vực thuộc vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông trọng điểm của nhà nước, hạ tầng nông nghiệp nông thôn, hạ tầng thương mại, hạ tầng văn hóa, xã hội; các khách hàng sản xuất các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhanh. Đặc biệt, chớp thời cơ từ đà phục hồi tích cực của thị trường bất động sản, TPBank liên tục tung ra những chính sách lãi suất ưu đãi làm cơ sở thực hiện mục tiêu tăng trưởng danh mục cho vay thêm 18% trong năm nay.
TPBank cũng đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Các khách hàng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, các chương trình tín dụng xanh. Mảng tín dụng xanh tăng trưởng ổn định chiếm tỷ lệ gần 3% trên tổng dư nợ cấp tín dụng với hàng loạt những dự án thuộc lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý nước và các dự án cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://thoidai.com.vn/ong-nguyen-hung-tpbank-se-tap-trung-vao-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-206087.html