Lãng phí hiện nay như một căn bệnh trầm kha. Nó gặm nhấm, bào mòn và làm rỗng đi rất nhiều nguồn lực của quốc gia, rồi để lại sau đó những di hại không đong đếm được. Nhận thức chính xác về vấn nạn này, đặc biệt là sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ lãng phí “…đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển”, cần được coi là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để từ đó làm cơ sở cho việc triển khai công tác phòng chống lãng phí ở các cấp, các ngành và các địa phương. Nhân sự kiện này, Thời Đại đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH Đắk Nông.
-Thưa ông, trong thảo luận mới đây tại QH, Tổng bí thư Tô Lâm đã nêu bật vấn đề chống lãng phí như một nhiệm vụ cấp bách hiện nay, từ góc độ lãnh đạo một địa phương, ông đánh giá về mức độ nghiêm trọng của tình trạng lãng phí hiện tại như thế nào?
-Trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng bí thư Tô Lâm đã có bài viết rất quan trọng về chống lãng phí với 4 giải pháp trọng tâm, cụ thể, nhằm nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV, tại phiên thảo luận tổ về kinh tế – xã hội, quan điểm chống lãng phí được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập và làm rõ thêm một số vấn đề; bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội với tinh thần, trách nhiệm của mình đã đóng góp, hiến kế nhiều nội dung, trên những bình diện khác nhau để tinh thần chống lãng phí được lan toả, ngày càng hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống.
Thực tiễn hiện nay, tình trạng lãng phí đang xảy ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra nhiều hệ luỵ và kìm hãm sự phát triển; có thể kể đến như việc: lãng phí đất đai, tài sản công, lãng phí trong tài nguyên, khoáng sản, lãng phí nguồn lực, lãng phí thời gian, lãng phí trong đầu tư….và cũng có những lãng phí trong đời sống của người dân. Lãng phí ở từng lĩnh vực, ở các mức độ khác nhau, nhưng tựu chung là có hại, tạo nên rào cản, kìm hãm phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay và sẽ tạo ra tác động tiêu cực trong lâu dài.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh |
Do đó, cần có những giải pháp cụ thể như trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm và cần phải xử lý nghiêm minh đối với những vụ vi phạm gây lãng phí, nhất là lãng phí lớn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, của Nhân dân. Bên cạnh đó, tôi cũng rất đồng tình việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
–Mọi chuyện đều không ngẫu nhiên mà xuất hiện, theo ông, thực trạng này bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu nào?
-Như bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo; chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội chưa mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức.
–Có một thực tế là chuyện lãng phí không phải bây giờ mới được nhìn thấy, mới được nói đến, tuy nhiên lần này ý thức xã hội đối với vấn nạn này có vẻ khác trước rất nhiều, lý do vì sao, thưa ông?
-Về vấn đề này, chúng ta có thể thấy được ngay sự quan tâm, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Những ngày qua, từ diễn đàn của Quốc hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, đến các cuộc họp, hội nghị của các cơ quan, đơn vị đã thông tin kịp thời bài viết chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm, tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và người lao động và đề cao sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, dư luận rất quan tâm, đồng tình, ủng hộ và mong muốn việc chống lãng phí sẽ có chuyển biến mạnh mẽ và thực sự hiệu quả; tạo tinh thần thi đua rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Điểm mấu chốt là tiết kiệm, chống lãng phí để tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có cho sự phát triển đất nước, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mà nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
–Vấn đề chống lãng phí ở Đắk Nông được ông và Thường vụ Tỉnh uỷ đánh giá và quán triệt thế nào?
-Nhận diện từ sớm tầm quan trọng của công tác chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Tỉnh ủy đã đặt ra yêu cầu chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Cùng với Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 8/8/2019 về đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 21/7/2022 về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm; thực hiện việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là trong những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Từ đó, nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn chặt với chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhất là người đứng đầu được nâng cao. Tập trung quán triệt đến các cấp chính quyền địa phương phải hết sức tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động quản lý và điều hành; trong đó, chú trọng việc quyết định các chủ trương đầu tư phải trúng, đúng, phát huy hiệu quả ngay; đồng thời, phát huy tốt nhất các lợi thế để đưa tỉnh ngày càng phát triển.
Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng về chống lãng phí, tiêu cực; nhờ đó đã nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về tầm quan trọng của công tác chống lãng phí; đồng thời, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm và thu hồi nhiều tài sản do tham nhũng, lãng phí gây ra, được sự đồng tình ủng hộ cao của dư luận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
–Theo ông, để việc chống lãng phí đi vào thực chất, đạt hiệu quả lâu dài chứ không chỉ làm cho có theo phong trào, chúng ta cần có một lộ trình thế nào?
-Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, để việc chống lãng phí đi vào chiều sâu, trước hết, cả hệ thống chính trị cần quán triệt và lan tỏa nhận thức, yêu cầu về “Chống lãng phí là một yêu cầu, nhiệm vụ rất khẩn trương, cấp bách để tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm; quán triệt và cụ thể hóa 4 giải pháp trọng tâm đã được nêu ra, là định hướng chung để các địa phương, đơn vị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cùng với đó, cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh, đưa việc chống lãng phí thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo trong thời gian tới, tạo sự nhất quán, đồng bộ trong triển khai thực hiện.
Tiếp tục cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gắn với thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả ở các cấp, các địa phương, đơn vị.
–Trong vấn đề này, thưa ông, ý chí chính trị của người đứng đầu địa phương như ông có vai trò thế nào?
-Thực tiễn cho thấy, quyết tâm chính trị, ý chí kiên định và sự nêu gương của bí thư cấp ủy, người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa quan trọng, giúp lan tỏa tinh thần, quyết tâm chống lãng phí đến cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị các cấp và Nhân dân.
Với tinh thần “cấp trên nêu gương – cấp dưới làm theo”, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải kiên trì thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng các nguồn lực Nhà nước và xã hội để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội với hiệu quả cao nhất, đem lại chuyển biến trong đời sống Nhân dân.
Cùng với việc quán triệt thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, nhiệm vụ và trách nhiệm phòng chống lãng phí sẽ được Tỉnh ủy Đắk Nông cụ thể hóa trong quá trình xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đem lại hiệu quả mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ 2025 – 2030.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://thoidai.com.vn/ong-ngo-thanh-danh-nguoi-dan-rat-ung-ho-thong-diep-chong-lang-phi-cua-tong-bi-thu-to-lam-207163.html