Trong buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, ông Koshio Katsuhiko cho biết Toyo đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam và trao đổi các vấn đề hợp tác, trong đó có năng lượng bền vững của ngành hàng không như dự án Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Năng lượng xanh cho hàng không bền vững
Toyo là tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực từ bất động sản, đầu tư hạ tầng, khu công nghiệp, năng lượng, năng lượng tái tạo… Doanh nghiệp này đã và đang tham gia đầu tư một số dự án được triển khai tại Việt Nam như: Dự án nhà máy năng lượng xanh đầu tư cùng Idemitsu tại Bình Định (tổng mức đầu tư 40 triệu USD); Đầu tư nhà máy xử lý rác thải ra năng lượng tái sinh tỉnh Bắc Ninh (tổng mức đầu tư 220 triệu USD); Dự án nhà máy mỹ phẩm tại Quận 7, TP.HCM (tổng mức đầu tư 60 triệu USD).
Hiện Toyo đang kết hợp chặt chẽ với Tập đoàn JGC Holdings là chủ đầu tư dự án Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) tại Nhật Bản (dự kiến hoàn thành năm 2025), đồng thời cũng là đơn vị thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và dự án điện gió, điện mặt trời tại Đắk Lắk.
Với những thế mạnh của mình trong lĩnh vực năng lượng, đại diện JGC Holdings bày tỏ mong muốn đóng góp cho mảng năng lượng hàng không của Việt Nam.
“Về việc nghiên cứu dự án nhiên liệu hàng không bền vững, để phát triển năng lượng xanh có thể có nhiều cách khác nhau, chúng ta có thể tận dụng dầu ăn thừa, lượng rác thải, năng lượng thay thế làm nguyên liệu… Tùy vào nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ áp dụng các công nghệ khác nhau và do đó, vốn đầu tư cũng cũng như hiệu quả có thể thay đổi”, đại diện JGC Holdings cho biết.
Mong muốn triển khai dự án tại Việt Nam, JCG Holdings cho rằng, có ba vấn đề chính lớn nhất cần quan tâm là nguyên liệu, công nghệ và chi phí. Trong đó, công tác nghiên cứu để xác định các vấn đề này sẽ có thời gian khoảng 4 – 6 tháng với mức vốn đầu tư từ 200.000 – 300.000 USD. Sau đó tập đoàn sẽ lập kế hoạch tổng thể để xác định từng vấn đề cụ thể trong thời gian hơn 1 năm với chi phí khoảng 1 triệu USD.
Hỗ trợ triển khai dự án sản xuất nhiên liệu SAF
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin Bộ GTVT đang tập trung xây dựng các giải pháp giảm phát thải để triển khai những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 và COP 28, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2030. Ngành hàng không cũng tham gia và phải đáp ứng nhiều quy định khác của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Tuy nhiên, thời gian qua, các hãng hàng không của Việt Nam cũng như hàng không thế giới đều gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và xung đột chính trị tại một số khu vực. Các hãng đều gặp khó khăn về tài chính do bị hạn chế hoạt động trong thời gian dài, cộng thêm giá nhiên liệu tăng cao. Vì vậy, việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch là thách thức với không chỉ các hãng hàng không Việt Nam mà cả các hãng hàng không thế giới.
Giá thành của SAF hiện vẫn đang khá cao. Đây cũng là thách thức của các hãng hàng không Việt Nam khi triển khai áp dụng nhiên liệu SAF, gián tiếp làm tăng giá vé máy bay. Theo nghiên cứu, giá của SAF so với nhiên liệu hàng không truyền thống hiện nay đang cao hơn từ 2 – 3 lần, tùy thời điểm có thể cao hơn đến 5 – 6 lần.
“Do đó, sản xuất nhiên liệu SAF tại Việt Nam sử dụng các nguồn nguyên vật liệu sẵn có trong nước sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm, hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu xanh, sạch” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.
Trên tinh thần ủng hộ, tư lệnh ngành GTVT giao Cục Hàng không làm đầu mối phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Toyo & JGC Holdings trong quá trình triển khai dự án sản xuất nhiên liệu SAF tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác giữa Toyo & JGC Holdinsg với các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air.
Trước mắt, đề nghị Toyo hỗ trợ, phối hợp với Cục Hàng không VN và các hãng hàng không trong đề xuất xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất và sử dụng nhiên liệu SAF. Quá trình nghiên cứu tiền khả thi có thể xác định được giá thành, từ đó giúp các hãng hàng không có kế hoạch chuẩn bị tài chính tốt hơn.
Theo chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với lĩnh vực hàng không, từ năm 2035 sẽ sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu bền vững cho một số chuyến bay ngắn; 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Từ năm 2040, tất cả các phương tiện hoạt động trong khu bay sử dụng điện, năng lượng xanh (trừ các phương tiện đặc thù chưa sử dụng năng lượng điện).
Từ năm 2050, chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tùy thuộc điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được thực hiện bằng cách bù đắp carbon để đạt phát thải ròng bằng “0”.