2023 là năm kinh doanh đầy khó khăn với công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhưng kết quả vẫn tăng so với năm 2022. Ngay những ngày đầu năm Giáp Thìn, cổ phiếu Vinamilk nhanh chóng bứt phá với mức tăng hơn 5% sau 5 phiên giao dịch.
Tính đến nay, ông lớn ngành sữa, CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM, HOSE) đã nhanh chóng đón sóng sau Tết Nguyên đán., trở lại mốc 70.000 đồng/cp, cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Cổ phiếu VNM nhanh chóng tăng 5,3% giá trị, từ 67.400 đồng/cp lên 71.300 đồng/cp sau 5 phiên giao dịch, vốn hóa được nâng lên tương đương khoảng 146.300 tỷ đồng.
Năm 2023 là một năm đầy thách thức cho nền kinh tế, từ đó, nhu cầu tiêu thụ sữa Việt Nam cũng phần nào suy giảm đáng kể.
Báo cáo mới nhất tháng 12/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, tổng sản lượng sữa bột toàn cầu năm 2023 ước tính đạt 9,2 triệu tấn, con số gần như không tăng so với năm 2022. Tuy nhiên, tổng nhu cầu tiêu thụ sữa bột nội địa của các quốc gia trong năm 2023 ước tính giảm 3,1%. Do đó, nhu cầu nhập khẩu sữa bột ước tính chỉ đạt 2,5 triệu tấn, tương ứng giảm 8% so với 2022.
Ảnh hưởng từ thực tiễn này, các doanh nghiệp ngành sữa đã đối diện với nhiều khó khăn. Vinamilk cũng không ngoại lệ, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận “lùi” 5,6% so với cùng kỳ.
Sau lần thay đổi nhận diện thương hiệu, Vinamilk mới thực sự ghi nhận đà tăng trưởng dương trở lại. Ngoài ra, trong năm qua, VNM đã có nhiều nỗ lực trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm đáp ứng sự phát triển của thế hệ người tiêu dùng mới, mở rộng đối tượng khách hàng và vươn ra thị trường thế giới.
Kết quả, quý 4/2023, doanh thu thuần tại Vinamilk đạt 15.619 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% so với cùng. Nhờ cắt giảm mạnh gần 50% chi phí tài chính so với cùng kỳ, từ 207 tỷ đồng xuống còn 119 tỷ đồng, VNM đạt lợi nhuận tăng trưởng tích cực với 2.852 tỷ đồng, tăng tương đương 24,3%.
Với con số này, VNM là một trong những doanh nghiệp có biến động tăng trưởng quý 4/2023 lớn nhất, theo báo cáo phân tích của Chứng khoán SSI.
Tính chung cả năm 2023, Vinamilk đạt 60.369 tỷ đồng, tăng hơn 410 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 9.019 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022, kết thúc 2 năm đi lùi trước đó.
Diễn biến doanh thu và lợi nhuận tại Vinamilk những năm gần đây
Bên cạnh sự bứt phá từ VNM, cổ phiếu MCM (CTCP Giống Bò sữa Mộc Châu – Mộc Châu Milk, UPCoM) cũng đang có diễn biến khá khả quan, duy trì ở mức 42.400 đồng/cp. Vinamilk hiện đang nắm giữ hơn 59% vốn tại Mộc Châu Milk.
Từ giữa tháng 1/2024, MCM bất ngờ tăng vọt từ 36.900 lên 42.400 đồng/cp, tương đương tăng 13% giá trị cổ phiếu, điều này phần nào tác động tích cực tới hoạt động định giá lại khoản đầu tư của Vinamilk.
Hơn nữa, MCM đang trong quá trình chờ chuyển “nhà” từ sàn UPCoM sang sàn HOSE, điều này sẽ giúp giá trị doanh nghiệp được nâng cao, tăng tính minh bạch về mọi mặt, cả về hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác quản trị qua đó đảm bảo lợi ích cho cổ đông.
Sản lượng sữa được dự kiến sẽ tăng từ giữa năm 2024 nhờ vào xu hướng tăng giá sữa bột từ tháng 8/2023. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lợi nhuận của ngành sữa ở Việt Nam. Theo Chứng khoán Tiên Phong, Việt Nam mới chỉ đáp ứng 40-50% nhu cầu sữa trong nước, dư địa tăng trưởng thị trường sữa trong nước còn lớn, tuy nhiên, ngành sữa trong nước đang chịu cạnh tranh lớn từ sữa nhập khẩu.
Hiện tại, theo số liệu năm 2022 của Chứng khoán VNDirect, Vinamilk đang là doanh nghiệp sữa trong nước có thị phần lớn nhất với 44%. Tuy nhiên, thị trường sữa trong nước hiện đang có sự cạnh tranh gay gắt khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Vì vậy, không dễ để Vinamilk duy trì thị phần trước áp lực cạnh tranh và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng làm thu hẹp biên lợi nhuận.