(Dân trí) – Quốc hội khóa XV thống nhất bầu ông Lê Minh Trí giữ chức Chánh án TAND Tối cao thay ông Nguyễn Hòa Bình. Trước đó, ông Trí từng có hơn 8 năm làm Viện trưởng VKSND Tối cao.
438/438 đại biểu Quốc hội (91,06% tổng số đại biểu Quốc hội) có mặt đã bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chánh án TAND Tối cao đối với ông Lê Minh Trí, tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 8, chiều 26/8.
Ngay sau khi được bầu, tân Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội, theo quy định của Hiến pháp.
“Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi – Chánh án TAND Tối cao tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, ông Lê Minh Trí tuyên thệ.
Ông Lê Minh Trí sinh năm 1960, quê ở huyện Củ Chi, TPHCM. Ông có trình độ Cử nhân An ninh nhân dân và Cử nhân Luật.
Ông Trí là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII (từ 8/2024) và đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Ông Lê Minh Trí làm Chánh án TAND Tối cao (Ảnh: Phạm Thắng).
Ông Lê Minh Trí bắt đầu sự nghiệp trong ngành công an. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân), ông Trí là Phó Đội trưởng, Phó Trưởng phòng Tham mưu an ninh, Công an TPHCM, rồi làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
Giữa năm 1992, ông là cán bộ biệt phái cấp hàm Trung tá An ninh, Thư ký Chủ tịch UBND TPHCM.
Sau đó, ông lần lượt kinh qua nhiều vị trí công tác tại địa phương như: Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND TPHCM; Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận 11, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Quận 1, trước khi trở thành Phó Chủ tịch TPHCM vào đầu năm 2010.
Sau 3 năm làm Phó Chủ tịch TPHCM, ông Trí được Ban Bí thư điều động giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào tháng 4/2013 và giữ cương vị này 3 năm, trước khi được bầu làm Viện trưởng VKSND Tối cao vào tháng 4/2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.
TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Theo quy định của Luật Tổ chức TAND, TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Việt Nam.
Chánh án TAND Tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước. Nhiệm kỳ của Chánh án TAND Tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Luật Tổ chức TAND quy định Chánh án TAND Tối cao có nhiệm vụ tổ chức công tác xét xử của TAND Tối cao; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Chánh án cũng là chủ tọa phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao; có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật; trình Chủ tịch nước đề xuất về trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình.
Đây cũng là người có quyền trình Quốc hội phê chuẩn việc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND Tối cao; trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TAND Tối cao, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TAND….