(Báo Quảng Ngãi)- Đã hơn 10 năm kể từ ngày nghỉ hưu, bằng kiến thức pháp luật và sự hiểu biết về phong tục, tập quán của đồng bào Hrê, đảng viên Phạm Ngọc Dương, ở xã Ba Vinh (Ba Tơ) – nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình… Vì thế, người làng thân thương gọi ông Dương là “ông hòa giải”.
Ngôi nhà của đảng viên Phạm Ngọc Dương nằm nép mình dưới chân núi Cao Muôn hùng vĩ. Từ khi nghỉ hưu, cứ mỗi sáng ông dậy sớm chăm sóc đàn chim bồ câu và cùng vợ chăn nuôi heo, gà, trồng lúa. Khi có người đến gặp để nhờ giúp đỡ, ông lại lên đường.
Ngăn chuyện tảo hôn, ly hôn
Hôm chúng tôi đến thăm nhà ông Dương, thì ông Phạm Văn Né, ở thôn Nước Y, xã Ba Vinh cũng có mặt. Không phải nhờ vả như bao lần trước mà lần này, ông Né đến để báo tin vui về đứa cháu gái sắp lấy chồng. Câu chuyện của ông Né với ông Dương hàm chứa cả lòng biết ơn.
Hơn 10 năm qua, đảng viên Phạm Ngọc Dương luôn miệt mài giúp đỡ, tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: Ánh nguyệt |
Bốn năm trước, cô cháu gái của ông Né đang học lớp 8 thì đòi nghỉ học để lấy chồng. Ông Né cùng cha mẹ cháu can ngăn, nhưng đôi bạn trẻ thề sống, thề chết nhất định phải tổ chức đám cưới. Nghe chuyện, ông Dương hiểu ở làng từng có nhiều vụ tảo hôn, vi phạm pháp luật. Vả lại, những đôi vợ chồng tảo hôn tương lai đều mờ mịt. Bởi “chú rể, cô dâu” đều còn nhỏ tuổi, chưa biết tính toán làm ăn, sinh con ra không biết chăm sóc nên trẻ bị suy dinh dưỡng. Nhiều đôi vợ chồng vì khổ sở quá nên đổ vỡ hạnh phúc. Thế là, ông Dương gác việc nhà, cùng ông Né đến nhà cô gái để khuyên nhủ. “Tôi đã bỏ nhiều hôm để nói với 2 đứa trẻ và gia đình các cháu về Luật Hôn nhân và Gia đình cùng các hình thức xử lý khi vi phạm. Rồi tôi dẫn chứng cho các cháu thấy hậu quả của những đôi vợ chồng trẻ tảo hôn, để không phải đi vào các “vết xe đổ” này. Sau đó, bạn trai của cháu ông Né đến tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc. Còn cô gái thì tiếp tục đi học và chờ đợi nhau”, ông Dương kể.
Đến nay, bạn trai của cô cháu gái ông Né đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về làng, giờ đã là chàng trai chín chắn. Còn cô cháu gái ông cũng đã học xong lớp 12. Tình cảm của đôi trai gái càng thêm mặn nồng nên gia đình hai bên cho phép hai cháu đến với nhau. Cầm cái thiệp mời đám cưới, ông Dương vui bắt tay ông Né thật chặt nói, nhất định tôi sẽ dự đám cưới của tụi nhỏ!
Sau khi ông Né ra về, ông Dương bất chợt thở dài bảo, ngày xưa cuộc sống nghèo khó lắm nhưng các đôi vợ chồng trong làng đều thương nhau, cố gắng làm ăn. Giờ nhờ có rừng keo, biết chăn nuôi con trâu theo hướng hàng hóa, cuộc sống của người làng khấm khá hơn thì lại sinh ra nhiều chuyện đáng buồn, như chuyện các đôi vợ chồng trẻ đòi ly hôn. Tôi đã nhiều lần cùng gia đình và láng giềng khuyên nhủ, nhiều đôi bạn trẻ mới hiểu ra cái sai của mình, tiếp tục gắn bó với nhau. Nhưng cũng có những trường hợp vẫn quyết định ly hôn.
Như trường hợp anh P.V.L, ở thôn Nước Nẻ, xã Ba Vinh mấy hôm trước cầm tờ giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nhà ông Dương nhờ hướng dẫn làm thủ tục trình tòa án để giải quyết ly hôn. Biết anh P.V.L có điều bức xúc nên ông Dương đã dành thời gian để khuyên nhủ. “Vợ chồng sống với nhau cũng có lúc này, lúc nọ. Mình phải biết thông cảm và chia sẻ với nhau”, ông Dương khuyên anh P.V.L. Ông còn lấy chuyện gia đình mình, cũng như những đôi vợ chồng trong làng sống hòa thuận đến đầu bạc, răng long để chứng minh. Nhưng anh P.V.L vẫn không thay đổi. Ông Dương phải đem các văn bản ra chỉ cho anh P.V.L nghe những điều luật pháp quy định về ly hôn rồi bảo, một cuộc hòa giải hôn nhân thành công hay không phải dựa vào yếu tố tình cảm của cả hai, nhưng vợ chồng cháu vẫn khư khư giữ quan điểm của mình thì đành vậy.
Đơn của anh P.V.L đã được Tòa án nhân dân huyện Ba Tơ thụ lý, nhưng ông Dương vẫn đi xe máy đến tòa án, gặp những người bạn cũ dặn dò hãy kiên trì hơn trong việc hòa giải để vợ chồng anh P.V.L trở lại chung sống với nhau. Ông Dương hy vọng, câu chuyện của anh P.V.L sẽ kết thúc có hậu như những cặp vợ chồng trước đã nghe theo lời khuyên của ông.
“Nhờ sự nhiệt tình của ông Phạm Ngọc Dương nên nhiều trường hợp mâu thuẫn trong làng, xã được hóa giải, người làng đoàn kết, thương yêu nhau hơn. Ông Dương còn giúp người dân hiểu biết pháp luật, chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống mới trên vùng quê cách mạng Ba Vinh”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vinh PHẠM VĂN CHON
|
Không để tranh chấp đất đai thành điểm nóng
Ông Dương chia sẻ, trên vùng cao này một chuyện cũng khá “đau đầu” là tranh chấp đất đai. Người Hrê xưa sống một phần nhờ phát nương làm rẫy. Tuy không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như bây giờ, nhưng nương rẫy của ai, người ấy tỉa lúa rẫy, trồng mì, không ai xâm phạm đất của ai bao giờ. Khi việc trồng keo nguyên liệu phát triển mạnh đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa các gia đình trong làng, giữa người dân và công ty lâm nghiệp. Việc tranh chấp kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mất đi sự đoàn kết của một số hộ dân trong làng, xã.
Ông Phạm Ngọc Dương (bên phải) tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: Ánh Nguyệt |
Nhiều đêm trăn trở, ông Dương tạm gác việc nhà để tham gia cùng với chính quyền, các hội, đoàn thể đến từng hộ gia đình phân tích thiệt hơn để người dân hiểu các quy định về đất đai. “Nhà nước cấp đất cho ai thì người ấy canh tác. Ông bà mình xưa có ai giành của ai đâu. Cây keo cũng quý, nhưng cái tình làng nghĩa xóm còn quý hơn…”, ông Dương phân tích. Sau khi làm công tác tư tưởng cho những hộ tranh chấp, ông Dương mới yêu cầu cán bộ địa chính mở bản đồ chỉ rõ diện tích trên bản đồ và ngoài thực địa cho những hộ tranh chấp xem. Nhiều người lúc đó mới biết mình sai, không còn tranh chấp nữa.
Còn việc người dân tranh chấp đất với công ty lâm nghiệp, ông Dương phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân xã tổ chức nhiều cuộc họp giữa người dân với công ty. Qua đó, nhiều khúc mắc được tháo gỡ, những hộ còn hợp đồng trồng rừng với công ty lâm nghiệp học được kỹ thuật trồng và chăm sóc keo để phát triển kinh tế gia đình.
Những trăn trở của “ông hòa giải”
“Nhiều năm làm trong ngành kiểm sát, giữ quyền công tố, tôi hiểu rõ nhiều vụ án xuất phát từ chỗ người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật mà dẫn đến phạm tội. Luật pháp thì bất vị thân, sau khi tòa tuyên án, đối tượng phạm tội đứng trước vành móng ngựa hay sau song sắt nhà giam mới thấy rõ hậu quả của việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của chính mình”, ông Dương bộc bạch. Theo ông Dương, để hạn chế đối tượng phạm tội thì cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người dân hiểu. Đồng bào Hrê vốn có truyền thống đoàn kết thương yêu nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn trong chiến đấu với giặc ngoại xâm và lao động, sản xuất. Do vậy, cần khơi gợi tình cảm cộng đồng, để người dân cùng sẻ chia, tha thứ cho nhau. Có vậy thì gia đình mới yên ấm, hàng xóm mới hòa thuận.
Khi còn công tác trong ngành kiểm sát, ông Dương suy nghĩ sau khi về hưu sẽ làm vườn, nuôi heo, gà, san sẻ những khó khăn cùng vợ. Nhưng khi về với xóm giềng, thấy có nhiều chuyện khuất tất, ông lại gác việc nhà để tham gia việc làng, việc xã. Tính đến nay, đã 10 năm ông Dương miệt mài “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Những việc làm của ông đã góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, xây dựng quê hương giàu đẹp.
ÁNH NGUYỆT