Họ vốn xuất thân từ nông dân nên chân chất thật thà, sống cùng một ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM. “Đội quân” 3 người này cứ khoảng 3 giờ 30 sáng là “tập hợp tại đầu đường chợ cũ ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Hạ rồi cùng nhau đi bộ qua ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng. Họ đi và về hai vòng hơn 6 cây số trên con đường Võ Văn Điều được trải bê tông nhựa nóng phẳng lì.
Tôi người ấp khác (ấp Vân Hàn), cũng thường xuyên đi bộ tập thể dục trên con đường đó nhưng đi chiều ngược lại của nhóm. Vì chúng tôi gần như biết mặt nhau nên có lúc tôi tháp tùng với nhóm cho vui và từ mấy chuyến đi trải nghiệm với nhóm này, tôi thấy có nhiều điều thú vị, nghe nhiều câu chuyện được các anh chia sẻ với nhau trên đường đi.
Chẳng hạn câu chuyện ông Đỗ Trọng Tài nguyên là Bí thư chi bộ ấp, mỗi khi đi bộ tập thể dục luôn quan sát hai bên vỉa hè, trên mặt đường, hễ thấy vỏ chai nước khoáng, nước ngọt nào bị vứt xuống đường thì ông nhặt cho vào túi ni-lông hay bao tải mà ông mang theo.
Có lần tôi hỏi vui ông: “Anh vừa đi bộ tập thể dục vừa nhặt ve chai có vẻ cực, nhưng vài ba tháng bán ve chai một lần chắc thu nhập cũng kha khá phải không”. Ông cười rồi đáp: “Có ngày tui nhặt gần chục vỏ chai nước, nghe nhiều như vậy nhưng mà trong lòng không được vui, trái lại hôm nào không nhặt chai nào mà trong lòng cảm thấy vui, phấn khích”.
Nghe ông nói lạ như vậy, tôi hỏi: “Sao kỳ cục vậy anh, nhặt nhiều vỏ chai bán được nhiều tiền mà anh không thích mà thích mình “bị ế” như thế”. Ông cười to, nói: “Xã mình là xã được công nhận nông thôn mới, ấp mình đang thực hiện cuộc vận động theo chỉ thị 19 của Thành ủy TP.HCM: ‘Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước’. Người dân ai cũng biết thực hiện theo tiêu chí gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, mọi người dân đều ký cam kết không được xả rác bừa bãi nơi công cộng nên mình cũng phải đi đầu thực hiện làm gương chứ. Còn thiệt tình mà nói, mấy vỏ chai để dành lâu lâu tui bán một lần cũng đủ tiền mua gói trà thơm, bao thuốc lá tối tối rủ anh em gần nhà trong xóm nấu nước chế trà uống nhâm nhi nói chuyện, tâm sự cho vui”.
Tôi giả vờ chất vấn thêm: “Nhưng anh nhặt rác, vỏ chai nước khoáng, nước ngọt vào giờ còn khuya lơ, khuya lắc như thế này, trời còn tối thui thì đâu có ai biết, đâu có ai thấy anh mà anh nói nhặt rác để làm gương?”. Ông nói với tôi: “Mình tự giác làm việc tốt thì tự mình biết được hiệu quả của nó rồi, mình đâu cần lên tiếng cho mọi người cùng biết”.
Từ việc tự giác nhặt rác giữ vệ sinh chung cho đường sá mà ông tạo thói quen tốt “lây lan” qua cho các anh đi bộ cùng trong nhóm, trên đường đi anh nào thấy vỏ chai cũng tự giác nhặt cho vào túi ni-lông, bao tải của “ông già Tài” chứ không phải như lúc trước – thấy vỏ chai thì đá cho nó lăn vào lề mà chơi.
Buổi sáng, khi mọi người đi trên đoạn đường này, nếu ai tinh ý sẽ thấy đường sá tuyệt nhiên không còn thấy vỏ chai nước khoáng nào nằm vương vãi trên đường. Để con đường buổi sáng luôn sạch sẽ như thế này đâu phải ai cũng biết trước vài tiếng đồng hồ, “ông già Tài” và nhóm đi bộ tập thể dục chung với ông đã tình nguyện làm “nhân viên vệ sinh không lương” thu gom không còn sót một cái vỏ chai nào.