Những năm gần đây, việc cho chữ thư pháp kèm những lời chúc tốt đẹp của các “ông đồ” trong trang phục áo dài, khăn đóng truyền thống dường như đã trở thành hình ảnh thân quen, gắn liền với mỗi dịp Tết đến xuân sang.
Khang Chu Long là một trong những thư pháp gia được nhiều người biết đến. Gần đây, anh đã viết tặng gần 5.000 chữ thư pháp cho người dân ở Hà Nội. Anh thường xuyên tới các trường học, doanh nghiệp hay bệnh viện để tặng chữ.
“Một tác phẩm đẹp cần dựa trên nhiều yếu tố như nội dung mạch lạc, có ý nghĩa sâu sắc, bố cục hài hòa cân đối, kỹ thuật viết điêu luyện”, anh Long chia sẻ.
Theo anh, những người kinh doanh thường xin chữ “Thuận” với mong muốn công việc thuận buồm xuôi gió; chữ “Lộc” với ước nguyện một năm phát tài, phát lộc; chữ “Phúc” để mong được may mắn, hạnh phúc ấm no.
Ở những gia đình có người lớn tuổi, con cháu thường treo chữ “Thọ” để tỏ lòng hiếu kính bề trên, mong muốn ông bà, cha mẹ luôn mạnh khỏe, sống lâu.
Nhiều gia đình cũng chọn chữ “An” để cầu mọi sự bình an; chữ “Chí” để bày tỏ ý chí vượt mọi khó khăn; chữ “Đạt” với hy vọng đạt được ước nguyện; chữ “Đắc” nghĩa là được; chữ “Nhẫn” là kiên trì nhẫn nại trong mọi việc…
Các bậc phụ huynh thường xin cho con những chữ như “Học”, “Hiếu”, “Lễ”, “Nghĩa”, “Tiến”… với mong ước các con học tập chuyên cần, hiếu thảo, có lễ nghĩa…
Chữ thư pháp của “ông đồ” Khang Chu Long thường được viết trên giấy đỏ. Theo quan niệm của người phương Đông, đỏ là màu của sự sống, sự mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết.
Theo anh Long, viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ chạm tới cảm xúc của nhiều người. Mỗi chữ được viết ra sẽ cho thấy tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân.
“Việc cho chữ đầu xuân thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học của dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam. Những câu đối, câu chúc trên giấy đỏ là những món quà tinh thần để đón chào năm mới, biểu thị cho những ước vọng đầu năm”, anh Long nói thêm.