Qua những chuyến giám sát việc điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS năm 2024 vừa qua, ông nhìn nhận thế nào về việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhìn từ kết quả thông tin thu thập điều tra ( lần 1 năm 2015; lần 2 năm 2019) về cuộc sống vùng DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên?
Sau hai cuộc điều tra 53 DTTS (2015;2019), qua các chuyến giám sát thực tế, có thể thấy rằng, kết quả từ hai cuộc điều tra 53 DTTS, nhất là lần điều tra thứ 2, năm 2019, đã cung cấp một bức tranh toàn diện, với những số liệu, thông số đầy đủ về đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH) của 53 DTTS ở vùng Tây Nguyên, làm cơ sở, tiền đề quan trọng phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.
Theo đó, hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc ngày càng hiệu quả hơn, đi vào chiều sâu hơn, bám sát thực tiễn cơ sở hơn. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc tại các địa phương cũng thực hiện sát đúng với tình hình thực tế vùng DTTS&MN hơn. Nhờ vậy, đến nay vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc, đời sống của đồng bào các dân tộc cũng được nâng lên.
Nổi bật là cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, hệ thống đường, điện, trường, trạm đến từng thôn, buôn. Tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm, như ở tỉnh Đắk Nông, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 5,18% (giảm 2,79% so với năm 2022), trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS còn 13,24% (giảm 6,87% so với năm 2022); tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 – 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,74/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân 3,45%/năm; tỉnh Gia Lai đến cuối năm 2023 hộ nghèo toàn tỉnh là 3,96% (giảm 1,42% so với cuối năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 8,18% (giảm 2,96% so với năm 2020)…
Ông có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn trong quá trình điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS năm 2024?
Thực hiện cuộc điều tra thu thập thông tin 53 DTTS năm 2024, qua giám sát, các nhiệm vụ cơ bản thực hiện đúng và đầy đủ. Nhiệm vụ chủ trì, phối hợp của Cơ quan thống kê, chính quyền địa phương các cấp cũng đã được quy định trong Sổ tay điều tra dân tộc năm 2024, hướng dẫn sử dụng Trang Web điều hành (công tác điều tra thu thập thông tin) và các tài liệu điều tra dân tộc năm 2024 có liên quan…,
Công tác phối hợp giữa Cơ quan Thống kê và cơ quan Công tác dân tộc nhịp nhàng; hai đơn vị cũng đã kịp thời tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác chỉ đạo, tổ chức thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số năm 2024, đảm bảo đúng kế hoạch, nội dung và đạt mục tiêu đề ra.
Xác định công tác điều tra thu thập thông tin của 53 DTTS lần này, có ý nghĩa quan trọng cho công tác dân tộc thời gian tới. Theo đó, các ngành và địa phương tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, các địa phương phân công các ngành cùng tham gia có lãnh đạo Cục thống kê, Ban Dân tộc tỉnh, Chi cục thống kê huyện, xã, điều tra viên, có những địa phương cử trưởng thôn tham gia cùng; và quan trọng là hộ dân cư đều ủng hộ.
Quá trình điều tra 53 DTTS cũng gặp một số khó khăn, những ngày đầu điều tra, CAPI chưa ổn định, nhiều lỗi phát sinh, nên một số huyện của các tỉnh cũng chưa triển khai đồng loạt, chờ CAPI ổn định mới chỉ đạo điều tra viên ra quân điều tra trên toàn bộ địa bàn huyện.
Thời điểm từ tháng 7-8 các tỉnh Tây Nguyên thường xảy ra mưa nhiều kéo dài trên diện rộng, một số địa bàn người DTTS sinh sống thường xa trung tâm, ban ngày hầu các hộ người DTTS đều đi làm nương rẫy, việc liên hệ hẹn để hộ ở nhà trong mùa vụ cũng có nhiều bất tiện, điều tra viên khó tiếp cận để thu thập thông tin.
Bên cạnh đó, một số điều tra viên mới còn lúng túng, trong thu thập thông tin do Phiếu thu thập quá dài, nhiều câu hỏi phức tạp. Về chế độ chính sách dành cho công tác điều tra, định mức quy định cho 1 phiếu điều tra thấp so với điều tra chuyên ngành của Thống kê, trong khi chỉ tiêu thì nhiều (phiếu hộ hơn 115 câu hỏi), thời gian chỉ 45 ngày.
Việc chọn được người tại thôn buôn làm điều tra viên cũng gặp nhiều khó khăn, vì nhiều câu hỏi khó và người tại thôn buôn chưa sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, do đó phải cử người nơi khác làm điều tra.
Mặc dù hiện nay đang diễn ra việc tổng hợp và thẩm định kết quả số liệu điều tra, nhưng qua những thông tin thu thập, theo ông hiện vùng Tây Nguyên những vấn đề nào cấp bách nhất cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới, thưa ông?
Mặc dù chưa có kết quả điều tra, song cuộc Điều tra năm 2024 được triển khai từ sẽ kế thừa kết quả và bài học kinh nghiệm từ các cuộc điều tra lần trước để có đầy đủ, chính xác thông tin về 53 DTTS.
Đặc biệt, cuộc điều tra mang ý nghĩa quan trọng, là đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2025, đánh giá 5 năm triển khai Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025; kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2025, phục vụ cho việc chuẩn bị xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2026 – 2030…
Theo đó, qua bức tranh về vùng DTTS cho thấy, những vấn đề cấp bách cụ thể cần quan tâm, đó là giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho hộ nghèo người DTTS. Tuy nhiên, về quỹ đất để triển khai dự án này rất khó khăn, nhất là về quỹ đất, các địa phương cho rằng, không còn hoặc không có quỹ đất…Vấn đề thực hiện giảm nghèo bền vững chưa rõ nét…, kết quả giảm nghèo theo nghị quyết là đạt, song thực tế số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo người DTTS ở Tây Nguyên vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Ông có thể chia sẻ một số tình huống trong quá trình giám sát điều tra, đó cũng là chia sẻ kinh nghiệm cho các cuộc thống kê trên các lĩnh vực khác ở vùng DTTS ở Tây Nguyên?
Cuộc điều tra này kế thừa thành quả từ kết quả cuộc điều tra thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 nên đã có nhiều kinh nghiệm được rút ra. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý những vấn đề còn phát sinh. Ví dụ như chương trình CAPI vẫn còn có một số lỗi do phần mềm;
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa cơ quan Thống kê với cơ quan công tác dân tộc và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai công tác điều tra. Trong đó, cần tăng cường tập huấn để điều tra viên, cán bộ thống kê cần nắm bắt thêm những thông tin về tình hình công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, các điều tra viên có thông tin, kiến thức và kỹ năng thuần thục, có thể xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình điều tra…
Hay việc lựa chọn điều tra viên, chú ý lựa chọn điều tra viên thành thạo điện thoại thông minh và địa bàn, hiểu biết sử dụng tiếng DTTS tai địa bàn điều tra…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://baodantoc.vn/ong-dieu-muu-pho-vu-truong-vu-cong-tac-dan-toc-dia-phuong-giai-quyet-dat-o-dat-san-xuat-nha-o-cho-ho-ngheo-nguoi-dtts-la-van-de-cap-bach-o-tay-nguyen-1727070139915.htm