(Dân trí) – Trong lễ bổ nhiệm chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư của Trường Đại học Bách khoa TPHCM, TS Lê Thanh Long nhận quyết định cùng vợ và con nhỏ 2 tháng tuổi.
Chiều 11/1, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức lễ vinh danh và bổ nhiệm chức danh Giáo sư và Phó giáo sư năm 2023.
13 giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM được bổ nhiệm chức danh Giáo sư và Phó giáo sư năm 2023 (Ảnh: Như Quỳnh).
Trong lễ bổ nhiệm, hình ảnh TS Lê Thanh Long, người đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư cùng vợ bế con nhỏ mới sinh lên nhận quyết định làm nhiều người thấy vui lây với hạnh phúc của gia đình trẻ.
TS Lê Thanh Long chia sẻ, cháu mới được hai tháng tuổi, là con đầu lòng của vợ chồng anh. Có một sự trùng hợp, thời điểm cháu chào đời cũng là lúc anh Long có tên trong danh sách của Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư.
Với ông bố trẻ, chức danh Phó giáo sư ở tuổi 35 như một món quà mang ý nghĩa tinh thần chào đón con.
Cũng chỉ cách đây vài ngày, anh Long được công nhận là một trong 14 gương mặt Công dân trẻ tiêu biểu của TPHCM năm 2023.
TS Lê Thanh Long cùng vợ và con nhỏ 2 tháng tuổi trong lễ bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư (Ảnh: Hoài Nam).
TS Lê Thanh Long sinh năm 1988, quê ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Anh từng giành giải nhất lĩnh vực cơ khí, nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan vào năm 2016.
Năm 2022, TS Lê Thanh Long nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng.
Tính đến nay, TS Long đã có 35 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học, tham gia hội thảo khoa học quốc tế uy tín; 16 bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học trong nước, chủ trì một đề tài cấp Quốc gia (Nafostes) và chủ nhiệm một đề tài cấp Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, một đề tài cấp Đại học Quốc gia; 2 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu…
Trong năm 2022-2023, TS Long có 5 sáng kiến cấp cơ sở được công nhận; nghiệm thu thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM với sản phẩm Phòng áp lực âm. Sản phẩm này có ý nghĩa thiết thực trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Ngoài vai trò là một giảng viên, anh Long còn đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo của trường, tham gia vào nhiều hoạt động xã hội.
Giữa việc dạy học, nghiên cứu, hoạt động xã hội cho đến khi có con, anh Long thừa nhận… “lần đầu làm bố là việc khó nhất”. Anh tập cho con bú sữa, thay tã, tắm rửa cũng như tìm tòi đọc nhiều sách về nuôi dạy con.
“Việc làm bố càng nhắc nhở tôi rằng mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn trong việc nuôi dạy con, chăm sóc gia đình cũng như cần có tránh nhiệm hơn với công việc, cộng đồng”, TS Lê Thanh Long trải lòng.
Năm 2023, Trường Đại học Bách khoa TPHCM có 13 nhà giáo đạt chuẩn Giáo sư và Phó giáo sư. Trong đó, duy nhất một người được công nhận đạt chuẩn Giáo sư là GS.TS Nguyễn Hữu Lộc, sinh năm 1964, bộ môn thiết kế máy, khoa Cơ khí.
TS Nguyễn Hữu Lộc – Giáo sư duy nhất được công nhận vào năm 2023 của Trường Đại học Bách khoa TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).
TS Nguyễn Hữu Lộc có 28 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (SCIE/Scopus), xuất bản 17 giáo trình, sách thuộc NXB ĐH Quốc gia TPHCM.
Ông tham gia và chủ biên 3 cuốn sách về xây dựng và phát triển Chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO, có 8 bài báo hội nghị quốc tế và trong nước về CDIO.
Người trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư của Trường Đại học Bách khoa TPHCM năm 2023 là TS Lại Văn Quí, sinh năm 1989, khoa Kỹ thuật Xây dựng.
TS Lại Văn Quí đã công bố 57 bài báo ISI/Scopus) và 11 bài báo trong nước.