Tổng thống Biden cho hay đã thảo luận với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường về “ổn định” quan hệ trong cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Ấn Độ.
“Tôi đã gặp Thủ tướng Trung Quốc ở Ấn Độ, nói về sự ổn định và tình hình các nước đang phát triển ở Nam Bán cầu”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong cuộc trao đổi với báo chí ở Hà Nội ngày 10/9. “Không có bất cứ thái độ đối đầu nào trong cuộc gặp”.
Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trước đó tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi ông Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại hội nghị G20 ở Bali, Indonesia cuối năm ngoái.
Ông Lý, người nhậm chức hồi tháng 3, thay ông Tập dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị G20 ở New Delhi. Trung Quốc không nêu lý do ông Tập không tham dự sự kiện này.
Đây là lần đầu tiên ông Biden tiết lộ về cuộc gặp với ông Lý bên lề hội nghị G20. Trước đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ đã gặp “một lãnh đạo Trung Quốc” tại sự kiện, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Tổng thống Biden từng bày tỏ nỗi thất vọng khi ông Tập không dự G20. Ông từng tuyên bố sẽ tìm cách gặp Chủ tịch Trung Quốc, nhưng không nói rõ thời gian và địa điểm.
Tổng thống Mỹ cho hay các cuộc đàm phán cấp cao với giới chức Trung Quốc diễn ra trong nhiều tháng. “Đội ngũ của tôi vẫn gặp các trợ lý của Chủ tịch Tập và quan chức nội các Trung Quốc”, ông Biden nói.
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung leo thang do loạt vấn đề như đảo Đài Loan, thương mại và nhiều bất đồng khác. Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Trung Quốc gần đây có các động thái nhằm hạ nhiệt tình hình.
Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden tại Indonesia hồi tháng 11/2022 được đánh giá là nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước sau thời gian căng thẳng.
Tuy nhiên, nỗ lực phá băng quan hệ song phương bị cản trở khi Mỹ bắn rơi khí cầu Trung Quốc vào đầu tháng 2. Mỹ cáo buộc đây là khí cầu do thám, trong khi Trung Quốc khẳng định phương tiện này là thiết bị quan trắc khí tượng bay lạc.
Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ những tháng gần đây tới thăm Trung Quốc, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và đặc phái viên tổng thống về môi trường John Kerry. Động thái này được nhận định là nhằm tái khởi động nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Đức Trung (Theo Reuters)