Tổng thống Joe Biden ngày 16/11 đã ký dự luật chi tiêu tạm thời sau khi được Thượng viện thông qua một ngày trước đó. Khoản ngân sách được phân bổ có phần hạn chế, chỉ có thể giúp Mỹ ngăn chặn tình trạng đóng cửa chính phủ đến đầu năm 2024 và sẽ không có gói viện trợ dành cho Ukraine.
Dự luật này được đề xuất bởi tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, một thành viên đảng Cộng hòa. Dù vấp phải sự phản đối của nhóm bảo thủ cùng đảng, ông Johnson đã dựa vào sự ủng hộ của đảng Dân chủ để thúc đẩy Hạ viện thông qua dự luật và giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu.
Dự luật không bao gồm khoản chi tiêu cho các vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của xã hội như phá thai, an ninh biên giới và viện trợ nước ngoài, kể cả cho Ukraine, Israel hay bất kỳ quốc gia nào khác. Thay vào đó, nó tập trung vào mục tiêu duy trì hoạt động của các cơ quan chính phủ Mỹ.
Chiến lược hai tầng sẽ cung cấp ngân sách hoạt động trong hai đợt, tới ngày 19/1 và ngày 2/2. Trước đó, thời hạn đóng cửa chính phủ là ngày 17/11, khi “nghị quyết tiếp tục” (continuing resolution) kéo dài 47 ngày kể từ 30/9 kết thúc.
“Nhờ sự hợp tác của lưỡng đảng, chúng tôi đang tiếp tục hoạt động của chính phủ mà không cần tới biện pháp cắt giảm nào gây ảnh hưởng xấu tới các nhiệm vụ và kế hoạch quan trọng. Đây là một kết quả tuyệt vời cho người dân Mỹ”, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer chia sẻ sau cuộc bỏ phiếu.
Vấn đề viện trợ dành cho Ukraine là một trong những nguyên nhân chính gây bất đồng trên chính trường Mỹ trong thời gian qua. Mâu thuẫn thậm chí đã khiến Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị bãi nhiệm hồi tháng 9.
Một số thành viên đảng Cộng hòa đề nghị xem xét lại khoản hỗ trợ dành cho Ukraine. Họ cho rằng khoản viện trợ này thiếu tính minh bạch và đáng lẽ ra, chính phủ Mỹ nên tập trung vào các ưu tiên khác quan trọng với quốc gia hơn việc hỗ trợ Kiev vào lúc này.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao của Mỹ cảnh báo nếu không có sự trợ giúp của Washington, Kiev có thể sẽ thất bại trong cuộc xung đột với Moscow.