Nỗ lực hồi sinh đồng bào Chứt ở Rào tre
Đồng bào dân tộc Chứt ở huyện Hương Khê hiện có 59 hộ, 209 nhân khẩu, thuộc hai xã Hương Liên và Hương Vĩnh. Trong đó, bản Rào Tre ở xã Hương Liên có 44 hộ, 153 nhân khẩu, sinh sống tại hai điểm. Bản cũ có 33 hộ, Bản mới có 11 hộ.
Còn Bản Giàng II ở xã Hương Vĩnh có 15 hộ, 56 nhân khẩu. Đời sống thu nhập chủ yếu của bà con dựa vào nghề đi rừng, sản xuất nông nghiệp và dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước là chính; sử dụng ngôn ngữ là tiếng Mã Liềng và tiếng Việt.
Theo ký ức của các cán bộ cao tuổi ở Hà Tĩnh: Cách đây gần sáu mươi năm, khoảng đầu năm 1958, người dân huyện Hương Khê thấy một số “người lạ” nói tiếng Kinh không sõi, xuống chợ đổi chim, thú săn bắt được lấy gạo, muối, dao, kéo. Họ ăn phở, cắt tóc, đi xe goòng mà không trả tiền. Theo hướng thượng ngàn, người Chứt được tìm thấy ở các hang động phía tây tỉnh Quảng Bình.
Mãi đến năm 1991, khi Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuần tra biên giới đã phát hiện một nhóm chừng 20 người Chứt sống trong hang động trên dãy Trường Sơn ở biên giới Việt Nam – Lào. Rồi từng bước, đưa về cư ngụ tại bản Rào Tre dưới chân dãy Kà Đay, bên dòng sông Ngàn Sâu thuộc xã Hương Liên.
Ông Đinh Văn Sánh- Chủ tịch UBND xã Hương Liên, huyện Hương Khê, chia sẽ : “Trước khi được phát hiện, đồng bào Chứt sống “lưu động” trong những hang đá. Đến nay cũng đã hơn ba mươi năm, kể từ khi Bộ đội Biên phong Hà Tĩnh tuần tra, phát hiện và từng bước đưa về cư ngụ tại bản Rào Tre. Giờ đây, người Chứt đang được dạy tiếng phổ thông và học cách sản xuất, sinh hoạt theo nếp mới”.
Các công việc như dựng nhà, khai hoang ruộng, tập trồng lúa nước đều được bộ đội hướng dẫn tỉ mỉ. Gạo đã được đồng bào tự tay làm ra để không phải ăn bột cây lúc mất mùa. Con lợn, con gà, rồi con trâu, con bò cũng dần quen chuồng và ruộng của người Chứt bản Rào Tre. Vải và quần áo cũng được bộ đội biên phòng mang đến cho đồng bào vì người Chứt không biết dệt vải và may vá.
Bà Hồ Thị Lĩnh, người đồng bào Chứt ở bản Rào Tre phấn khởi, cho biết: “Với sự hỗ trợ nhiệt tình của các chú Bộ đội Biên phòng và cán bộ hướng dẫn đã góp phần giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc nơi đây được cải thiện và nâng cao. Chúng tôi cũng rất vui khi có cái ăn, cái mặc, được học hành và có đất để canh tác”.
Ổn định nơi ở, đất canh tác cho bà con
Năm 2018, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng đề án “Bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre” với nhiều chủ trương, chính sách cải thiện cơ sở hạ tầng và đời sống dân sinh của đồng bào dân tộc Chứt. Nhờ đó, cơ bản đồng bào đã có nhà kiên cố hóa. 100% hộ gia đình tại bản Rào Tre có kinh tế vườn hộ, bình quân mỗi hộ có 1 – 2 ha đất lâm nghiệp để sản xuất.
Cùng với đó, nhằm giải quyết nơi ở, đất canh tác ổn định, các cơ quan, chính quyền cũng đã triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình đồng bào Chứt khi có đủ điều kiện. Được biết, cho đến nay đã có 29 hộ dân đồng bào Chứt ở Hương Khê đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Xuân Quyền- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), cho biết: “Thực hiện chủ trương cũng như quy định của phát luật về quản lý đất đai, thời gian qua, các cấp chính quyền cũng đã phối hợp triển khai đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đồng bào Chứt ở bản Rào Tre khi đã có đủ điều kiện. Những hộ chưa được cấp tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đảm bảo theo quy định, khi đó sẽ được triển khai cấp như các hộ dân trước, góp phần ổn định nơi ở cũng như đất canh tác cho bà con”.
“Đây là một trong những nỗ lực rất lớn trong công tác quản lý nhà nước, chính sách hồi sinh đồng bào Chứt. Để mỗi người dân Việt Nam nhận thức rõ, cho dù là dân tộc kinh hay dân tộc thiểu số cũng đều được ứng xử quyền lợi, trách nhiệm bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, việc trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho bà con đồng bào hiện nay ở bản Rào Tre đang được giao cho chính quyền do liên quan đến công tác bảo quản ”, ông Quyền nói.
Qua thực tế, nhiều hộ dân đồng bào Chứt đến nay đã có ý thức, biết rào vườn để trồng ngô, chuối; làm chuồng để nuôi bò, nuôi heo, gà; biết lên rừng kiếm củi, sản vật phụ như lấy mật ong, lấy lá nón, lấy mây, giang về bán; biết xây dựng được mô hình kinh tế tăng gia sản xuất trồng lúa, ngô, cây ăn quả ngắn ngày, dài ngày. Đồng bào Chứt, Bản Rào Tre ngày nay đã thực sự đổi mới tích cực.
Để đạt được kết quả này, nhờ có sự tiếp sức tích cực của Tổ công tác bộ đội biên phòng ở bản Rào Tre. Trung tá Nguyễn Văn Thiên – Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), cho biết: “So với trước đây thì cuộc sống của bà con dân tộc Chứt cũng đã có nhiều đổi mới, xóa bỏ được một số tập tục lạc hậu. Người dân bản Rào Tre bây giờ gần như đã biết nói tiếng Kinh, biết học con chữ và biết tự chăm lo, giữ gìn sức khỏe cho bản thân, lao động chân chính để phục vụ cuộc sống.