Tổng công ty Licogi – CTCP (Licogi – mã chứng khoán: LIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán. Đáng chú ý, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với 3 vấn đề lớn gồm dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, công nợ phải thu và công nợ phải trả, hàng tồn kho.
Ý kiến ngoại trừ được đưa ra khi kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Nhưng kiểm toán viên kết luận những ảnh hưởng, có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có), có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính.
Đối với dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, kiểm toán viên cho biết tính đến thời điểm 1/1/2022, Licogi đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với tổng giá trị lũy kế là 393,1 tỷ đồng. Trong năm 2022, Tổng công ty tiếp tục thực hiện vốn hóa lãi vay vào “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” là 2,1 tỷ đồng. Theo đó, tổng giá trị chi phí lãi vay được vốn hóa lũy kế đến ngày 31/12/2022 là 395,2 tỷ đồng.
“Vì dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt kéo dài nên chúng tôi không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định chi phí lãi vay vốn hóa vào dự án theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 – Chi phí lãi vay”, công ty kiểm toán cho biết.
Phía Licogi giải trình về ý kiến kiểm toán ngoại trừ này. Doanh nghiệp cho biết dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt được UBND TP Hà Nội ra quyết định cấp phép đầu tư xây dựng vào ngày 17/9/2007 cho Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng sau đó được chuyển giao lần lượt cho Tổng công ty Licogi – CTCP và Công ty TNHH MTV Nhà ở và đô thị Licogi.
Các chi phí lãi vay vốn hóa liên quan trực tiếp đến dự án này, tuy nhiên dự án kéo dài vì các yếu tố khách quan, đến thời điểm hiện tại dự án vẫn đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nên Tổng công ty vẫn tiếp tục vốn hóa chi phí lãi vay liên quan đến dự án này mà không tạm dừng vốn hóa chi phí lãi vay.
Đồng thời khi thành lập các Công ty con là Công ty TNHH MTV nhà ở đô thị Licogi và Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Licogi 2, Tổng công ty xác định các chi phí lãi vay vốn hóa này là một phần tài sản góp vốn khi thành lập công ty con.
Vấn đề này được khắc phục khi Công ty Nhà ở đô thị Licogi thực hiện kinh doanh dự án, có lợi nhuận. Tổng công ty thu hồi được vốn đã đầu tư.
Khi chi phí lãi vay được vốn hóa
Theo quy định của chuẩn mực kế toán, chi phí đi vay được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh, trừ khi được vốn hóa theo quy định. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hóa) khi có đủ các điều kiện quy định. Cụ thể, khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể được xác định một cách đáng tin cậy.
Do các dự án bất động sản thường có thời gian phát triển kéo dài (3-5 năm) nên đây là nhóm ngành mà chi phí lãi vay được vốn hóa nhiều nhất. Trong quá trình xây dựng dự án, khi chi phí lãi vay của các doanh nghiệp bất động sản được hạch toán vào giá trị tài sản sẽ giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định hơn, bởi không làm phát sinh chi phí lớn khi chưa có doanh thu.
Ví dụ, trong năm 2022, Công ty cổ phần Vinhomes (mã: VHM) và các công ty con đã vốn hóa chi phí đi vay với giá trị là 521 tỷ đồng, gấp đôi mức 260 tỷ đồng của năm 2021. Tương tự, trong báo cáo tài chính quý IV/2022, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland – mã: NVL) cho biết tổng chi phí lãi vay được vốn hóa trong năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 là 6.106,5 tỷ đồng. Năm 2021 là 4.178,9 tỷ đồng.
Hiểu một cách đơn giản, khi chi phí lãi vay được vốn hóa, báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ đó sẽ giảm ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh. Từ đó con số lợi nhuận sẽ đẹp hơn.
Theo chuẩn mực kế toán, chi phí đi vay liên quan đến việc mua một mảnh đất cần có các hoạt động chuẩn bị mặt bằng sẽ được vốn hóa trong kỳ khi các hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị mặt bằng đó. Tuy nhiên, chi phí đi vay phát sinh khi mua mảnh đất đó để giữ mà không có hoạt động triển khai xây dựng liên quan đến mảnh đất đó thì chi phí đi vay không được vốn hóa.
Với trường hợp Khu đô thị mới Thịnh Liệt, như Dân trí từng ghi nhận dự án vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang.