Với tinh thần thượng võ bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao Hy Lạp cổ đại hơn 2.500 năm trước, Thế vận hội Olympic hiện đại ngày nay không chỉ là cuộc so tài của các vận động viên mà còn là biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, hòa bình giữa các quốc gia.
Thế vận hội Olympic mùa Hè lần thứ 33 khai mạc ngày 26/7 trên sông Seine ở thủ đô Paris, Pháp. (Nguồn: Reuters) |
Từ những năm 700 trước Công nguyên, các cuộc thi thố tài năng thể thao đã diễn ra tại Hy Lạp cổ đại với Thế vận hội đầu tiên được tổ chức năm 776 trước Công nguyên. Sau đó, các kỳ Thế vận hội được duy trì bốn năm một lần cho đến năm 394 sau Công nguyên, khi Hoàng đế La Mã Theodosius I, một tín đồ Cơ đốc đã huỷ bỏ thế vận hội với lý do tôn giáo.
Sự hồi sinh
Đến năm 1894, nhà tư tưởng người Pháp, Nam tước Pierre Frèdy de Coubertin đề xuất khôi phục lại các kỳ thi đấu thể thao này với lập luận rằng, Thế vận hội Olympic của người Hy Lạp cổ đại cần được hồi sinh để tôn vinh hòa bình và đoàn kết toàn nhân loại. Hai năm sau, vào năm 1896, Thế vận hội Olympic hiện đại đầu tiên được tổ chức tại Athen với 300 vận động viên đến từ 15 quốc gia thi đấu trong chín môn thể thao.
Để có thể khôi phục việc tổ chức Thế vận hội Olympic, ngay trong năm 1894, một ủy ban với 15 thành viên đại diện cho các quốc gia thành viên được thành lập tại Paris với tên gọi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đặt tổng hành dinh tại Lausanne, Thụy Sỹ. IOC có chức năng giám sát, quyết định nơi tổ chức, lập ra các quy định và chương trình trong thời gian diễn ra thế vận hội…
Ban đầu, Thế vận hội Olympic chỉ có các môn thi đấu mùa Hè, diễn ra bốn năm một lần từ năm 1896. Đến năm 1924, Thế vận hội mùa Đông được tổ chức cùng năm với Thế vận hội mùa Hè. Từ năm 1994, các Thế vận hội mùa Đông và mùa Hè được tổ chức xen kẽ hai năm/lần vào các năm chẵn.
Olympic Paris 2024 – kỳ Thế vận hội mùa Hè thứ 33 trong lịch sử khai mạc tại Paris ngày 26/7 và sẽ kết thúc vào ngày 11/8. Đây là lần thứ ba Pháp là nước chủ nhà của thế vận hội sau các năm 1900 và 1924. Olympic Paris 2024 chào đón 10.500 vận động viên với sự bình đẳng nam nữ tuyệt đối, 5.250 nam và 5.250 nữ, đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia tranh tài trong 32 môn thể thao. Đoàn Việt Nam tham dự Thế vận hội Paris với 16 vận động viên, thi đấu ở 11 môn thể thao.
Với nước Pháp, điều đáng chú ý của kỳ thế vận hội lần này là việc kết hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện Olympic và quảng bá các di tích, thắng cảnh của thủ đô Paris. Đáng chú ý nhất là lễ khai mạc dự kiến diễn ra trên sông Seine khi khoảng 160 chiếc thuyền chở các đoàn thể thao và quan chức diễu hành trên sông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Olympic được khai màn trên một dòng sông, thay vì tại các sân vận động như truyền thống.
Bất đồng chính trị “phủ bóng”
Với lịch sử hơn 100 năm, các cuộc đua tài ở Olympic với tinh thần “thể thao nằm ngoài chính trị”, đoàn kết giúp con người và các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, có những kỳ Thế vận hội vẫn bị “phủ bóng” bởi các bất đồng chính trị.
Ngay kỳ Thế vận hội đầu tiên được tổ chức tại Athens năm 1896, rắc rối đã xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham dự vì những tranh chấp địa-chính trị với nước chủ nhà Hy Lạp. Thế vận hội mùa Hè Berlin 1936 là trường hợp tiêu biểu cho việc thể thao được dùng làm công cụ tuyên truyền. Thủ đô của nước Đức được IOC chọn làm thành phố chủ nhà từ năm 1931, hai năm trước khi Adolf Hitler lên cầm quyền.
Với chính sách bài Do thái của Hitler, nhiều nước đã yêu cầu IOC rút quyền tổ chức của Đức, nhưng cuối cùng Thế vận hội vẫn được tổ chức tại Berlin. Mỹ và đại đa số các nước châu Âu tham dự, song Thế vận hội năm đó diễn ra trong bầu không khí đề cao dân tộc Đức, mang nặng màu sắc kỳ thị chủng tộc.
Điều này chỉ giảm xuống khi Jesse Owens, vận động viên trẻ da màu người Mỹ giành bốn huy chương vàng, trong đó có chiến thắng trước vận động viên Đức Lutz Long ở môn nhảy xa.
Sau Thế vận hội Berlin, Thế chiến Hai nổ ra đã làm gián đoạn Thế vận hội Olympic 12 năm. Đến năm 1948, Olympic được tổ chức trở lại ở London. Lần này, IOC và nước Anh chủ nhà không mời nước Đức tham dự và Liên Xô cũng vắng mặt. Thể thao Liên Xô chỉ chính thức gia nhập phong trào Olympic từ kỳ Thế vận hội diễn ra ở Helsinki, Phần Lan năm 1952 trong bầu không khí của Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng, ngay trong lần xuất quân đầu tiên, Liên Xô đã giành được 71 huy chương, đứng thứ hai chỉ sau đoàn Mỹ.
Olympic Melbourne 1956 cũng là kỳ Thế vận hội có “kỷ lục tẩy chay” bởi các lý do chính trị. Trung Quốc không có mặt vì IOC và nước chủ nhà cho phép các vận động viên Đài Loan tham dự. Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sỹ cũng làm điều tượng tự để phản đối sự can thiệp của Liên Xô ở Hungary. Ai Cập, Iraq và Lebanon cũng vắng mặt để phản đối việc Pháp, Israel và Anh tấn công Ai Cập sau khi nước này quốc hữu hoá kênh đào Suez.
Sau Olympic Melbourne 1956, các kỳ Thế vận hội mùa Hè tiếp theo ở Rome, Italy (1960), Tokyo, Nhật Bản (1964) và Mexico (1968) trôi qua khá êm đềm mặc dù các trận đấu giữa những đại diện Đông – Tây hay giữa các quốc gia kình địch nhau vẫn ẩn chứa căng thẳng.
Đến Olympic Munich 1972, bạo lực lại bùng lên và lần này nguyên nhân là cuộc xung đột Israel – Palestine. Sáng 5/9/1972, một nhóm chiến binh Palestine thuộc phong trào “Tháng Chín đen” đã đột nhập làng Olympic và bắt chín vận động viên người Israel làm con tin để đòi trả tự do cho 200 tù nhân Palestine. Cảnh sát Đức đã nỗ lực can thiệp nhưng kết quả đáng buồn là cả 9 con tin Israel, 1 cảnh sát Đức và 5 kẻ bắt con tin bị thiệt mạng.
Các kỳ Thế vận hội Montréal 1976 (Canada), Moscow 1980 (Liên Xô), Los Angeles 1984 (Mỹ) tình trạng “tẩy chay” quay trở lại và diễn ra trên phạm vi rộng. Việc từ chối không tham dự Thế vận hội được các nước dùng như là một thứ vũ khí của Chiến tranh Lạnh.
Thế vận hội mùa Hè Montréal bị 22 nước châu Phi tẩy chay để phản đối sự có mặt của New Zealand, do đội tuyển rugby nước này đã đến thi đấu ở Nam Phi, quốc gia khi đó đang thực thi chế độ Apartheid. Cũng vì chế độ phân biệt chủng tộc mà thể thao Nam Phi bị loại khỏi thế vận hội từ năm 1960 và chỉ trở lại khi chế độ Apartheid chấm dứt năm 1990.
Bốn năm sau, tại Thế vận hội mùa Hè Moscow 1980, Mỹ và các nước phương Tây như Tây Đức, Canada cùng Nhật Bản, Hàn Quốc đã tẩy chay để phản ứng việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan một năm trước đó. Để đáp trả, đến Thế vận hội mùa Hè Los Angeles 1984 tổ chức tại Mỹ, các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa, ngoại trừ Romania cũng đồng loạt tẩy chay không tham dự.
Sau những kỳ Thế vận hội khá suôn sẻ cuối thập niên 90 thế kỷ trước và đầu thế kỷ XXI, đến năm 2024 này, việc cấm một số nước tham gia Thế vận hội vì các yếu tố chính trị đã quay trở lại. Do cuộc xung đột tại Ukraine, các đội tuyển thể thao mang danh nghĩa quốc gia của Nga và Belarus sẽ không được tham gia thi đấu tại Olympic Paris 2024.
Các vận động viên hai nước này sẽ chỉ được thi đấu với tư cách trung lập cá nhân với số lượng thông qua sàng lọc rất ít, Nga có 15 vận động viên, còn Belarus là 11. Ngoài ra, không có quốc kỳ, quốc ca của Nga và Belarus trong lễ diễu hành khai mạc, bế mạc cũng như nhận huy chương nếu có của các vận động viên.
Xích lại gần nhau
Mặc dù rất nhiều bất đồng chính trị đã hạn chế cơ hội thi đấu thể thao đỉnh cao của các vận động viên, nhưng vẫn có những kỳ Olympic đem lại cơ hội để các nước xích lại gần nhau. Tại Thế vận hội mùa Hè Seoul 1988, Triều Tiên đã từ chối tham dự sau khi Bình Nhưỡng đề nghị được đồng tổ chức với Hàn Quốc nhưng không được IOC chấp nhận.
Tuy vậy, vào các kỳ Thế vận hội mùa Hè Sydney 2000, Athens 2004 hay Thế vận hội mùa Đông Salt Lake City 2002 (Mỹ), Turino 2006 (Italy), Triều Tiên và Hàn Quốc đã từng diễu hành chung dưới lá cờ trắng in hình bán đảo Triều Tiên màu xanh, mặc đồng phục giống nhau trong ngày khai mạc. Đáng tiếc là biểu tượng hòa hợp đầy ý nghĩa đó đã không tái hiện từ Thế vận hội mùa Hè Bắc Kinh 2008.
Ngoài những câu chuyện và sự cố đáng tiếc, các kỳ Thế vận hội đã không ít lần phát huy vai trò đoàn kết, nỗ lực đem lại hòa bình cho thế giới.
Mới đây nhất, Olympic Tokyo 2020 đi vào lịch sử phong trào Olympic hiện đại khi nước chủ nhà Nhật Bản đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực cao nhất để sự kiện diễn ra suôn sẻ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới. Nhật Bản và IOC ban hành các quy định ứng xử dành cho các vận động viên như nghiêm cấm các cử chỉ “có tính chất chính trị”, bao gồm các cử chỉ bằng tay hay hành động quỳ gối… Các động thái đã thể hiện những nỗ lực của IOC và Nhật Bản trong việc duy trì một môi trường thi đấu “phi chính trị”.
Tiếp nối tinh thần thượng võ bắt nguồn từ các cuộc thi đấu Olympic cổ đại và như Chương 5 của Hiến chương Olympic đã ghi: “Không một hành động mang màu sắc chính trị, tôn giáo hay sắc tộc nào được phép diễn ra tại Thế vận hội”, kỳ vọng ngọn đuốc Olympic không chỉ thắp sáng nơi diễn ra các cuộc tranh tài của các vận động viên thể thao mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, tình yêu hòa bình của toàn nhân loại như chủ đề Olympic Paris 2024 là “Cuộc chơi rộng mở” cho tất cả mọi quốc gia, dân tộc.
Nguồn: https://baoquocte.vn/olympic-va-giac-mo-hoa-binh-280957.html