Trong báo cáo mang tên “Global Wealth and Lifestyle Report”, Paris xếp hạng thứ 8 trong số những thành phố có mức chi tiêu “trên trời” nhất thế giới đối với tầng lớp siêu giàu năm 2024.
Trong số các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Pháp nằm ở nhóm các quốc gia có chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng. Đặc biệt, khi so sánh với các nước châu Âu khác như Italy, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, thủ đô Paris của Pháp được xếp hạng là một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới.
Trong báo cáo mang tên “Global Wealth and Lifestyle Report” (“Báo cáo Gia sản và phong cách sống Toàn cầu”) do ngân hàng chuyên phục vụ giới nhà giàu Julius Baer công bố ngày 26/6 vừa qua, Paris cũng xếp hạng thứ 8 trong số những thành phố có mức chi tiêu “trên trời” nhất thế giới đối với tầng lớp siêu giàu năm 2024.
Tuy thế, không phải mọi thứ ở Paris đều quá mức xa hoa, tráng lệ và Thế vận hội năm nay cũng thể hiện một hình ảnh rất khác của thủ đô nước Pháp.
So với các Đại hội thể thao khác, gần nhất là Asian Games 2022 mà phóng viên TTXVN vừa tham dự năm ngoái tại Hàng Châu (Trung Quốc), Olympic Paris 2024 “giản dị” hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, nếu ở Asian Games 2022, Ban tổ chức bố trí cả một hệ thống xe buýt đường ngắn để đưa phóng viên từ Trung tâm báo chí chính (MPC) đến các địa điểm thi đấu thì tại Pháp, Ban tổ chức Olympic Paris 2024 chỉ phát cho phóng viên một thẻ sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm và tàu điện nổi.
Còn về vấn đề nước uống tại Olympic Paris, hình ảnh quen thuộc của cổ động viên Paris nói riêng và cổ động viên châu Âu nói chung khi đến các điểm thi đấu của Olympic là cầm theo bình giữ nhiệt hoặc chai đựng nước.
Tại đây nước uống được cung cấp miễn phí tại các cây đặt trong nhà thi đấu, tương tự cây nước uống miễn phí thường thấy ở sân bay Nội Bài. Nếu ai không mang theo chai nước thì có thể tự uống trực tiếp tại vòi và thậm chí trong nhà vệ sinh còn dán biển chữ đỏ ghi rõ rằng nước tại vòi có thể sử dụng để uống.
Không chỉ cổ động viên, phóng viên nếu cần uống nước cũng có thể dùng chung cây nước uống miễn phí với các cổ động viên, và nước lọc cung cấp cho phóng viên ở Trung tâm báo chí tại địa điểm thi đấu cũng lấy trực tiếp từ cây nước này rồi rót vào bình thuỷ tinh, tạo cảm giác thân thuộc như đang uống nước ở nhà.
Và khi tới địa điểm thi đấu môn rowing ở Vaires-sur-Marne, ngoại ô Paris, chúng tôi còn thấy bảng thông báo ghi ở khu vực phục vụ đồ uống cho phóng viên là hãy ghi tên vào cốc giấy dùng 1 lần để tái sử dụng nhiều lần cốc nước này, thay vì uống xong 1 lần là bỏ đi.
Để phục vụ cho Olympic Paris 2024, nước chủ nhà đã xây mới hẳn một tuyến tàu điện ngầm để bổ sung vào hệ thống giao thông công cộng vốn dĩ đã rất đầy đủ của Paris.
Nhưng bên cạnh những tuyến tàu mới mát lạnh với hệ thống điều hòa đầy đủ, vẫn còn một số chuyến tàu đời cũ, ghế ngồi đã sờn rách, không có hệ thống làm lạnh nên mỗi khi tàu chạy chậm hoặc dừng đón khách là không khí trong khoang trở nên nóng bức vô cùng.
Thông thường các chuyến tàu luôn có bảng hiển thị hành trình bằng đèn LED và loa thông báo ở mỗi ga tàu để hành khách biết được điểm đến của mình nằm ở khoảng nào, nhưng đó chỉ là chuyện xảy ra với những tuyến tàu mới.
Với các tuyến cũ thì không có bảng LED thông báo hành trình và cũng không có cả loa thông báo, thậm chí hành khách muốn lên hay xuống phải tự mình mở cửa chứ không phải là cửa tự động.
Vì thế, khi di chuyển bằng các tuyến tàu cũ kiểu này, hành khách hoặc là phải rất quen thuộc, hoặc là phải rất tập trung, nếu không sẽ có nguy cơ lỡ chuyến hoặc xuống nhầm điểm đến.
Tuy nhiên, những điều này dường như chẳng hề ảnh hưởng tới mức độ hâm mộ mà người dân châu Âu dành cho Olympic Paris 2024, bởi chúng tôi vẫn bắt gặp từng đoàn người đông đảo lên xuống mỗi ga tàu để hướng về các địa điểm thi đấu của Thế vận hội với sự háo hức, thoải mái, giống như cách mà mọi người vui vẻ xếp hàng để chờ uống nước miễn phí tại các nhà thi đấu./.