Theo công cụ của Time and Date, siêu trăng xanh – đỏ sẽ đạt độ tròn tuyệt đối vào lúc 8h35 phút ngày 31/8, theo giờ Việt Nam. Thời điểm quan sát hiện tượng ngoạn mục này tốt nhất sẽ rơi vào tối 30 và 31/8.
Gọi là siêu trăng xanh – đỏ, bởi trăng tròn cuối tháng 8 sẽ là sự hội tụ của ba hiện tượng.
Thứ nhất, đây là siêu trăng to nhất năm nay. Theo tính toán của nhà vật lý thiên văn Fred Espenak, cựu chuyên gia của Trung tâm Chuyến bay vũ trụ Goddard – NASA, nó cách Trái đất 357.344km, gần nhất trong chuỗi 4 siêu trăng liên tiếp kể từ tháng 7 đến tháng 9.
Thứ hai, đó là một “trăng xanh”, hay gọi đầu đủ là “trăng xanh lịch”, tên gọi dành cho mặt trăng tròn thứ 2 trong cùng một tháng.
Thứ ba, tuy có tên gọi là “trăng xanh” nhưng nó sẽ có sắc độ từ cam đến đỏ cam, nhất là vào đầu buổi tối. Tại một số nước phương Tây, người ta còn gọi trăng tháng tám là “trăng đỏ”.
Màu sắc này là do góc độ của Trái đất mùa hè khiến trăng treo thấp và chúng ta sẽ phải ngắm nó thông qua một lớp khí quyển dày.
Lớp khí quyển này có tác dụng như một lăng kính lọc ánh sáng nên tuy ánh trăng vẫn có màu như bình thường nhưng khi đến mắt người, nó có màu từ cam đến đỏ cam.
Sắc độ càng đậm, đó càng là một tin buồn bởi đây là dấu hiệu bạn đang ngắm trăng thông qua một bầu không khí ô nhiễm dày đặc do khói bụi hoặc cháy rừng.
Để quan sát siêu trăng xanh – đỏ này đẹp mắt, người quan sát có thể tận dụng “ảo ảnh Mặt trăng” xảy ra vào thời điểm hoàng hôn, khi trăng mới mọc, treo thấp nhất buổi tối. Vào khoảnh khắc này, trăng luôn trông có vẻ to và đỏ hơn so với phần còn lại của buổi tối.
Như vậy, với người quan sát Việt Nam, siêu trăng xanh tháng 8 sẽ trông đẹp nhất vào hoàng hôn đến đầu buổi tối ngày 30 và 31/8 bởi mốc trăng tròn tuyệt đối rơi vào giữa hai đêm này.
(Nguồn: Báo Người Lao Động)