Tuân thủ hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất
Đường dây nóng của Báo Giao thông nhận được câu hỏi từ bạn đọc về việc ô tô con lắp giá nóc được cho là cải tạo, vậy thủ tục thực hiện ra sao để thuận lợi khi đến kỳ đăng kiểm?
Về vấn đề này, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, hiện nay, nhu cầu lắp thêm giá nóc ô tô con được khá nhiều chủ xe ưa chuộng vì tăng thêm không gian chở đồ khi đi xa hoặc làm tăng thêm nét thể thao, khỏe khoắn cho xe.
Tuy nhiên, khá nhiều trường hợp sau khi cải tạo, đưa xe đi kiểm định và nghiệm thu cải tạo lại bị từ chối do không đáp ứng đủ điều kiện về giấy tờ cần thiết.
Cụ thể, theo lãnh đạo trung tâm đăng kiểm này, tại Thông tư 43/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 về cải tạo xe cơ giới đã quy định: “Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ giá nóc của ô tô con tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất mà không làm thay đổi chiều rộng toàn bộ của xe” được xếp vào trường hợp ô tô cải tạo nhưng được miễn lập hồ sơ thiết kế cải tạo.
Tức là ô tô có sự thay đổi được thực hiện ngay nghiệm thu xe cơ giới cải tạo kết hợp với kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, không phải thực hiện lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo.
Lãnh đạo trung tâm đăng kiểm lưu ý, Thông tư nêu rõ việc lắp, thay thế hoặc tháo bỏ giá nóc ô tô con phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất, không làm thay đổi chiều rộng của xe để đảm bảo an toàn.
Do đó, để thuận lợi cho việc nghiệm thu xe sau khi lắp đặt giá nóc như câu hỏi của bạn đọc Báo Giao thông, chủ xe cần tới đại lý xe xin giấy xác nhận được lắp thêm giá nóc (trường hợp giá nóc là trang bị đã có trong thiết kế chờ của mẫu xe này, sẽ ghi trong catalouge hoặc sổ tay hướng dẫn của nhà sản xuất. Đại lý căn cứ vào đó sẽ có văn bản xác nhận cho chủ xe).
Chủ xe mang giấy xác nhận này đến trung tâm đăng kiểm cùng với xe đã lắp đặt giá nóc để làm hồ sơ cải tạo (gồm văn bản đề nghị nghiệm thu cải tạo xe của chủ phương tiện gửi đến trung tâm đăng kiểm). Trung tâm đăng kiểm sẽ nghiệm thu cải tạo xe cơ giới cùng với thực hiện đăng kiểm để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định mới phù hợp với xe đã cải tạo.
Ngoài ra, để tránh việc giá nóc lắp đặt lên không tương thích với phương tiện, vượt quá chiều rộng của xe, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm khác cũng khuyến cáo chủ xe nên lắp đặt giá nóc là option (trang bị, phụ kiện) chính hãng của nhà sản xuất.
Tự ý lắp giá nóc ô tô có bị xử phạt?
Các trung tâm đăng kiểm khuyến cáo chủ xe không nên tự ý lắp giá nóc ô tô con bởi khi tham gia giao thông trên đường có thể bị xử phạt.
Cụ thể, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô thực hiện hành vi tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và tem kiểm định của phương tiện từ 1-3 tháng.
Ngoài ra, khi lắp giá nóc ô tô con để chở đồ, cũng cần lưu ý việc chở hành lý hoặc hàng hóa không được vượt quá kích thước bao ngoài của xe (tức không vượt quá chiều dài, chiều rộng xe). Nếu vi phạm, mức phạt tiền sẽ từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/o-to-con-lap-gia-noc-the-nao-de-duoc-dang-kiem-192240711103254809.htm