Hiện nay, độ mặn tại các vùng nuôi trong nội đồng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều đã đạt ngưỡng phù hợp cho việc thả giống.
Thời tiết cũng không còn nắng nóng gay gắt nữa khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện trên diện rộng ở ĐBSCL. Giá tôm dù không cao lắm nhưng nếu nuôi đạt năng suất, người nuôi vẫn có lãi. Đây cũng chính là thời điểm để người nuôi tôm có thể tiến hành thả giống cho vụ nuôi năm 2024 này.
Sau 1/3 thời gian của vụ tôm nước lợ năm 2024, đến giữa tháng 5 này, không khí vào vụ tại các vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL bắt đầu nhộn nhịp hơn.
Có nhiều nguyên nhân là do vụ tôm năm nay đến chậm hơn, nhưng chủ yếu vẫn là tình hình nắng nóng gay gắt, nhiều vùng sâu trong nội đồng chưa đủ độ mặn để thả giống và nhất là dịch bệnh xuất hiện khá sớm trên nhiều diện tích thả nuôi đầu năm.
Tất cả những yếu tố trên đã làm người nuôi chùn tay, đại lý ngại đầu tư cho người nuôi vì rủi ro vẫn còn quá lớn.
Đến giữa tháng 5, theo báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL thì diện tích thả giống tôm nước lợ vẫn khá chậm, nhất là những mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh.
Tại Trà Vinh, mới có 13.732ha tôm sú và 4.058ha tôm thẻ được thả nuôi, với tổng sản lượng thu hoạch trên 23.000 tấn. Sóc Trăng cũng có diện tích thả nuôi khá thấp khi tính đến ngày 13/5 chỉ mới thả nuôi gần 13.742ha; trong đó, tôm thẻ 11.002ha, còn lại là tôm sú.
Tuy chỉ mới thu hoạch hơn 2.000ha tôm thẻ nhưng Sóc Trăng đã có sản lượng gần 14.400 tấn và diện tích tôm còn lại khoảng 11.444ha đang trong giai đoạn từ 30 đến dưới 60 ngày tuổi.
Theo Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tình hình nuôi tôm đầu năm khá khó khăn, nhưng những diện tích nào vượt qua được thì hầu như đều cho năng suất rất cao. Đó cũng là lý do vì sao diện tích thả nuôi và thu hoạch của Sóc Trăng khá thấp nhưng sản lượng lại khá cao.
Giá tôm ở các tỉnh ĐBSCL được cải thiện dù chưa nhiều nhưng cũng kích thích người nuôi tôm mạnh dạn hơn trong việc thả giống ở vụ nuôi năm 2024. Ảnh: TÍCH CHU
Riêng các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… ngoại trừ số diện tích quảng canh, quảng canh cải tiến gần như thả nuôi dứt điểm thì những diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh cũng chỉ mới có vài ngàn hécta.
Diên tích nuôi tôm tập trung vào những trang trại, hộ nuôi lớn có đầy đủ tiềm lực tài chính, kỹ thuật và công nghệ thì mới dám thả nuôi hết diện tích, còn những hộ nuôi bằng ao lót bạt mật độ cao khác cũng chỉ dám thả nuôi một phần diện tích mang tính thăm dò, chờ đợi thời tiết ổn định trở lại mới thả nuôi hết diện tích.
Nguyên nhân theo các hộ nuôi là vụ nuôi năm nay rất khó khăn, một phần do thời tiết nắng nóng, phần khác do dịch bệnh xuất hiện khá sớm trên diện rộng, trong khi 3 tháng đầu năm 2024 giá tôm ở hầu hết các kích cỡ đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và chỉ mới tăng nhẹ trở lại trong khoảng giữa tháng 4 đến nay.
Tại Sóc Trăng, những lứa tôm thả nuôi từ cuối năm 2023 hay đầu năm 2024 đều đã cho thu hoạch với năng suất tương đối khá dù giai đoạn đầu khá khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Một số trại nuôi vài trăm hécta như của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta đến nay đã thu hoạch dứt điểm, đang cải tạo ao chuẩn bị thả nuôi vụ mới ngay trong tháng 5 này.
Mặc dù đã thu hoạch khá nhiều, sản lượng khá cao, nhưng ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam vẫn cho rằng, đây là vụ nuôi mà công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất, đặc biệt là bệnh EHP và TPD.
Ông Phục chia sẻ: “Mọi năm, vụ đầu này luôn có tỷ lệ thành công rất cao, nhưng năm nay không hiểu vì sao dịch bệnh lại đến rất sớm, rất nhiều, nên cũng rất vất vả mới vượt qua được và có thu hoạch tương đối tốt”.
Hiện nay, giá tôm một số kích cỡ đã tăng nhẹ trở lại, cùng với đó là nắng nóng không còn gay gắt, độ mặn đã ổn định hơn, nên theo dự báo, tiến độ thả giống sẽ bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 5 này vì hầu hết diện tích nuôi đều đã được cải tạo xong.
Tuy nhiên, cũng còn 2 vấn đề có thể tác động lớn đến kế hoạch cũng như tiến độ thả giống của vụ nuôi năm nay, đó là tình trạng thiếu vốn của người nuôi và tình hình mưa bão trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Anh – Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện người nuôi đang rất thiếu vốn, kể cả nuôi công nghệ cao, nên rất cần nguồn vốn tín dụng hỗ trợ vì các đại lý hiện đầu tư rất hạn chế cho người nuôi, do chưa thu hồi hết số nợ tồn đọng từ những vụ nuôi trước.
Ông Mã Chí Thọ – Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng cho biết tình trạng thiếu vốn đang khá phổ biến, nhất là những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ và cùng với đó là điều kiện thời tiết đầu năm không thuận nên tiến độ thả nuôi có chậm hơn so với kế hoạch. Tuy nhiên, hiện tiến độ thả giống đang có phần tích cực hơn nên diện tích thả nuôi sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn, sau khi kết thúc nắng nóng do El Nino, thời tiết sẽ chuyển sang hình thái La Nina, nên từ giữa năm trở đi mưa bão sẽ dồn dập hơn và xác suất xảy ra hình thái này là rất cao.
Như vậy có thể thấy, đợt thả nuôi tôm tới đây nhiều khả năng phần lớn sẽ rơi vào giai đoạn mưa bão nhiều, môi trường biến động mạnh, tôm rất dễ bị stress dẫn đến dịch bệnh và thiệt hại.
Đây là điều người nuôi tôm đang rất lo lắng, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ theo các mô hình truyền thống. Do đó, ngành chức năng các tỉnh liên tục cập nhật các bản tin thời tiết, khí tượng, thủy văn để thông báo cho người nuôi, kéo theo các khuyến cáo cần thiết.
Vụ tôm năm nay vốn đã được dự báo là rất khó ngay từ khi chưa bắt đầu và ngay trong 4 tháng đầu năm, những khó khăn đầu tiên cũng đã dần lộ diện, nên sự thận trọng theo cách nghĩ truyền thống “thà chậm mà chắc” của người nuôi là hết sức cần thiết để đảm bảo cho vụ nuôi thành công như mong đợi.
Nguồn: https://danviet.vn/o-soc-trang-nuoi-mot-loai-vat-chu-luc-da-vao-vu-soi-dong-sao-nguoi-ta-noi-tha-cham-ma-chac-20240521223224917.htm