Chấp nhận lưu ban để có chất lượng thật
Cũng như những địa phương khác, “bệnh thành tích” đẩy ngành giáo dục Bình Xuyên vào cái thế phải cho học sinh lên lớp “bằng mọi giá” để làm vừa lòng phụ huynh, mà nhà trường, giáo viên cũng không bị “mất điểm”. Việc này diễn ra một thời gian dài.
Song từ ngày Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc chỉ đạo “dạy thật, học thật, chất lượng thật”, các Phòng Giáo dục-Đào tạo, các trường bắt đầu để “thành tích ảo” sang một bên, tăng cường đầu tư cho chuyên môn, đồng thời buộc học sinh không đủ điều kiện lên lớp phải học lại.
Quan điểm “dạy thật, học thật, chất lượng thật” thì ai cũng hiểu, tuy nhiên, con đường đi tìm chất lượng thật không hề dễ dàng bởi tâm lý lưu ban rất nặng nề. Nếu đánh giá học sinh nghiêm túc, Phòng Giáo dục-Đào tạo cũng như các trường có thể bị tụt hạng về thi đua và phải chịu những áp lực khác từ chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh.
Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo tặng Giấy khen cho giáo viên giỏi Trường tiểu học Hương Sơn. (Ảnh do nhà trường cung cấp) |
Chọn cách đương đầu với thực tế, các cơ sở giáo dục huyện Bình Xuyên quyết định cho lưu ban hàng trăm học sinh. Tại Trường tiểu học Tam Hợp, năm học 2021-2022 có 11 học sinh lưu ban; năm học 2022-2023 có 15 em và năm học 2023-2024 có 5 học sinh lưu ban.
Hàng chục năm nay, Trường tiểu học Hương Sơn có học sinh lưu ban. Chuyện “học đúp” ở đây đã trở thành bình thường. Năm học trước trường có 2 học sinh lưu ban và năm học 2023-2024 có 8 học sinh lưu ban.
Cùng địa bàn xã, Trường trung học cơ sở (THCS) Hương Sơn cũng cho nhiều học sinh lớp 9 lưu ban. Trước sự kiên quyết của các trường, phụ huynh bảo nhau phải cho con em học tập nghiêm túc ngay từ lớp 1 để tránh bị lưu ban.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hương Sơn cho biết: Nhằm bảo đảm chất lượng, tháng nào nhà trường cũng tiến hành khảo sát. Ban Giám hiệu trực tiếp ra đề, chấm bài và sau đó công khai kết quả lên bảng tin hoặc nhóm zalo của trường. Ban Giám hiệu còn tổ chức kiểm tra chất lượng đột xuất, giáo viên không được biết trước.
Đối với học sinh có học lực yếu, có những buổi Ban Giám hiệu phải làm việc riêng với giáo viên và phụ huynh. Giáo viên của trường thường xuyên thông báo cho phụ huynh về tình hình học tập của con em họ. Do đó, phụ huynh không có ý kiến gì khi thấy con em bị lưu ban. Thậm chí có gia đình chủ động xin cho con học lại cho chắc kiến thức.
Một trong những trường THCS có nhiều học sinh lưu ban nhất là THCS Bá Hiến. Trường nằm ở Trung tâm công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, có khoảng 20% học sinh là con công nhân. Nhiều trường hợp bố mẹ đi làm ăn xa giao phó con cái cho ông bà.
Trường còn có hơn 100 học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phức tạp như trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, bố mẹ ly dị, bố nghiện rượu, nghiện ma túy…
Năm học 2023-2024 trường có 55 học sinh lưu ban, chiếm 4,29% tổng số học sinh, chưa kể 14 học sinh lớp 9 không được công nhận tốt nghiệp THCS.
Những năm học trước con số này còn cao hơn. Năm học 2021-2022 trường có 82 học sinh lưu ban, chiếm 7,71 tổng số học sinh, cộng thêm 16 học sinh lớp 9 không được công nhận tốt nghiệp THCS. Có những học sinh lưu ban đến 2 lần.
Chất lượng thật phải là trên hết
Ở Bình Xuyên, cứ đến kỳ nghỉ hè, giáo viên lại tập trung ôn luyện kiến thức cho những học sinh chưa đủ điều kiện lên lớp. Sau khi được rèn luyện trong hè, học sinh sẽ được kiểm tra lần nữa để sàng lọc. Các kỳ kiểm tra rất nghiêm ngặt, không có chuyện “xin xỏ” để được lên lớp. Từ lớp 1 đến lớp 9 đều có học sinh lưu ban. Riêng năm học 2023-2024, huyện có tới 532 học sinh lưu ban.
Người nhà học sinh không bị bất ngờ khi con em họ phải học lại. Phụ huynh thấu hiểu, thông cảm với thầy cô vì suốt từ đầu năm đến cuối năm, giáo viên của trường thường xuyên trao đổi, thông báo về tình hình học tập của con em họ.
Ông Đào Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Bá Hiến
Ông Đào Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Bá Hiến khẳng định: Người nhà học sinh không bị bất ngờ khi con em họ phải học lại. Phụ huynh thấu hiểu, thông cảm với thầy cô vì suốt từ đầu năm đến cuối năm, giáo viên của trường thường xuyên trao đổi, thông báo về tình hình học tập của con em họ.
Theo nhiều vị hiệu trưởng, việc đánh giá chất lượng thật có rất nhiều ý nghĩa. Nó giúp cấp ủy, chính quyền địa phương biết rõ tình hình giáo dục, giáo viên và học sinh cũng biết và có phương hướng cải tiến việc dạy học. Phụ huynh thêm sát sao với việc học của con.
Hiện nay, các trường của Bình Xuyên đều tuân thủ quy trình ra đề độc lập, chấm thi độc lập, công bằng, vô tư để đánh giá chất lượng chính xác. Nhiều trường khoán chất lượng đến từng giáo viên. Các chỉ số đầu năm học, cuối năm học được đem ra phân tích tỉ mỉ đối với từng môn, từng lớp để có phương án cải thiện.
A3 Học sinh Trường THCS Bá Hiến thi kéo co. (Ảnh do nhà trường cung cấp) |
Không chỉ có huyện Bình Xuyên mà nhiều huyện, thành phố ở tỉnh Vĩnh Phúc cũng áp dụng những biện pháp cứng rắn để bảo đảm chất lượng. Lưu ban đã trở thành bình thường ở vùng đất hiếu học này. Có lẽ chính điều đó khiến cho tỉnh Vĩnh Phúc đứng vững ở ngôi đầu cả nước về chất lượng giáo dục trong những năm gần đây.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Bình Xuyên chốt lại: Chất lượng thật phải là trên hết. Ngành Giáo dục không chấp nhận sự giả dối, “bệnh thành tích”. Xét cho cùng, sự trung thực của giáo viên và học sinh cũng là một đích đến của công tác giáo dục.
Nguồn: https://nhandan.vn/o-noi-hoc-luu-ban-la-chuyen-thuong-tinh-post826117.html