13 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngoài thềm lục địa phía Nam. Các anh vẫn còn sống mãi, như những “ngọn đuốc bất tử” giữa ngàn khơi của Tổ quốc
Tháng 3 – mùa biển lặng. Tôi bước chân xuống tàu hành trình đi nhà giàn DK1. Chen lẫn niềm vui là xúc động vô bờ. Vui vì được trở lại nơi tôi đã từng sống, làm việc và dâng hiến tuổi xanh suốt 11 năm về trước. Xúc động bởi không thể quên những người đồng đội đã một thời “đồng cam cộng khổ”, chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng đũa rau xanh, đọc chung thư nhà, sống với biển, vui buồn với biển…
“Thi ơi, mày ở đâu?”
Tàu Trường Sa 04 hướng DK1 thẳng tiến. Biển lặng như mặt gương. Nhà giàn DK1/12 rõ dần. Tôi trào nước mắt nhớ đến đại úy Nguyễn Tài Thi – người đồng đội, đồng hương trẻ tuổi đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Nhìn về nhà giàn, đại úy Nguyễn Huy Thân, Chính trị viên DK1/12, mắt đỏ hoe khi nhắc đến Thi: “Em và Thi có hơn 3 năm công tác cùng nhau tại ban tác chiến thuộc Phòng Tham mưu Lữ đoàn 171 – Vùng 2 Hải quân. Thi hy sinh khi vợ mang bầu con thứ hai được 6 tháng. Mới ngày nào anh em còn đánh bóng chuyền ở sân Lữ đoàn 171, vậy mà…”.
11 năm trước, tôi được Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân điều động về Lữ đoàn 171, công tác với chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Phòng Tham mưu. Đón tôi ngày ấy là chàng sĩ quan dong dỏng cao, da trắng, đeo lon trung úy giới thiệu: “Em tên Thi, là trợ lý tác chiến ạ. Em quê Thanh Hóa”. Nhìn cậu sĩ quan đẹp trai, tôi bảo: “Tướng đẹp đấy chứ. Anh có con gái, làm rể anh nhé”. Thi cười: “Được vậy thì còn gì bằng”…
Bốn ngày trước lúc đại úy Thi hy sinh, vào tháng 12-2023, tôi thấy có cuộc điện thoại nhỡ số 0975053xxx, hiện rõ chữ “Thi tác chiến”. Tôi gọi lại, điện thoại đổ chuông nhưng Thi không nghe máy. Bốn ngày sau, tôi nghe tin Thi trượt ngã xuống biển lúc nửa đêm và hy sinh. Tôi bàng hoàng, vội gọi cho thiếu tá Lê Thị Xuân ở Cảng vụ Lữ đoàn 171, chị Xuân xác nhận “đúng rồi chú”.
Đại úy Nguyễn Huy Thân kể lại khi cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/12 phát hiện Thi rơi xuống biển, mọi người đã báo động khẩn cấp, báo cáo cấp trên xin điều động tàu tìm kiếm. Tất cả đèn pha của nhà giàn “rọi sâu” xuống biển. Tàu hải quân, tàu kiểm ngư quần thảo tìm kiếm nhưng không thấy. “Lúc đó chúng tôi đứng trên nhà giàn gào khóc gọi “Thi ơi” trong vô vọng. Các tàu hải quân, kiểm ngư vẫn tiếp tục tìm kiếm nhiều ngày sau đó nhưng vẫn không tìm thấy…” – đại úy Thân xúc động.
Đại úy Thân nhìn ra vùng biển nhà giàn DK1/12 – nơi người bạn thân của mình đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương. Giọng đại úy Thân lạc trong tiếng sóng: “Thi ơi, mày ở đâu?”.
Nghĩa trang đặc biệt
Ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, có một nghĩa trang đặc biệt. Gọi là “nghĩa trang đặc biệt” bởi không có phần mộ như đất liền, mà mộ các liệt sĩ tựa sóng bạc đầu, tựa nhành san hô nằm đáy biển sâu. “Nghĩa trang đặc biệt” được gọi như thế bắt đầu từ sự hy sinh anh dũng của 3 cán bộ, chiến sĩ nhà giàn Phúc Tần 3 vào tháng 12-1990.
Phúc Tần 3 đóng trên bãi cạn Phúc Tần, là nhà giàn thế hệ đầu tiên do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, có kết cấu pông-tông nửa nổi nửa chìm, sàn công tác chỉ cách mặt biển 7 m. Tháng 12-1990, Phúc Tần 3 bị đánh sập bởi cơn lốc tố lúc nửa đêm, cuốn xuống biển 8 cán bộ, chiến sĩ. Trong trận cuồng phong này, 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh là trung úy chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng, chiến sĩ Hồ Văn Hiền và chiến sĩ Trần Văn Là. Trước lúc bị sóng biển cuốn đi, trung úy Quảng đã nhường mảnh lương khô cuối cùng cho đồng đội.
Sau đó, tháng 1-1991, thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường thuộc tàu HQ-666 đã bị những con sóng lừng lững nhấn chìm tại nhà giàn Tư Chính 1A (Bãi cạn Tư Chính) khi tàu này đang làm nhiệm vụ trực tại đây. Tiếp theo, đêm 12-12-1998, cơn bão Fathes có sức gió mạnh trên cấp 12 tràn vào vùng biển Vũng Tàu, nhà giàn Phúc Nguyên 2A nằm đúng vệt bão quét. Cơn bão này đã đánh sập nhà giàn Phúc Nguyên 2A, cuốn xuống biển đêm 9 cán bộ, chiến sĩ và 3 người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi, gồm đại úy – chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương, chuẩn úy Lê Đức Hồng và thiếu úy Nguyễn Văn An. Đêm 21-4-2001, tại nhà giàn DK1/16, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh trong cơn đau thắt đột ngột khi đang theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm.
Nghĩ tưởng nhà giàn DK1 được xây dựng hiện đại thì sẽ hạn chế được sự mất mát, hy sinh. Song, biển xa sóng gió, thiên tai bất thường sao lường trước được. Đúng 13 năm sau kể từ ngày liệt sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh, đại úy Dương Văn Bắc – trắc thủ radar nhà giàn DK1/11 – lại nằm xuống giữa biển xanh trong lúc kiểm tra vật cản dưới sàn cập tàu và bị sóng biển cuốn trôi ngày 7-10-2014, để lại hậu phương người vợ trẻ và 2 con trai nhỏ. Chưa dừng tại đó, đêm 3-9-2019, thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tài – nhân viên cơ điện – hy sinh trên nhà giàn DK1/18 do đột quỵ. Mới đây nhất, tháng 12-2023, đại úy Nguyễn Tài Thi – Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12 và đại úy Đỗ Tùng Linh, chính trị viên tăng cường tàu 202, đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi.
Trong 13 liệt sĩ hy sinh trên vùng biển, DK1 có 9 liệt sĩ – thi thể các anh vĩnh viễn nằm lại biển xanh, không có phần mộ như trên đất liền. Và theo thông lệ quốc tế, đúng 6 tháng sau kể từ ngày đại úy Nguyễn Tài Thi và đại úy Đỗ Tùng Linh “mất tích”, không tìm thấy thi thể, lúc đó 2 chiến sĩ được xác định đã hy sinh…
Tàu Trường Sa 04 hú 3 hồi còi, vòng quanh nhà giàn như thay lời tạm biệt. Tôi lặng người nhìn DK1/12 – nhà giàn ở cụm Bãi cạn Tư Chính – nơi tôi đã cùng đồng đội sống với biển, buồn vui với biển suốt 11 năm ròng rã. Nhà giàn DK1 bừng sáng giữa biển trời tím ngắt.
Trung tá Nguyễn Viết Chức, người viết sử về nhà giàn DK1, nói: “Nhà giàn DK1 thành lập đã ngót 35 năm và cũng ngần ấy thời gian thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã bám trụ kiên cường, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió. Các anh chấp nhận gian khổ, thầm lặng hy sinh, dâng hiến tuổi xuân cho những nhà giàn trường tồn, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam”.
Nguồn: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-o-noi-dong-doi-toi-nam-xuong-196240406193605466.htm