Các sản phẩm khí gồm LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng), CNG (khí thiên nhiên nén), LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng)… hiện là những sản phẩm năng lượng thiết yếu trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Mặc dù đã có hành lang pháp lý, nhưng thị trường gas vẫn tồn tại những bất cập như tình trạng chiếm dụng vỏ bình, sang chiết LPG trái phép; tình trạng buôn bán gas lậu, gas giả vẫn hoành hành gây nguy cơ cháy nổ cao. Bộ Công Thương tiến hành rà soát, sửa đổi Nghị định số 87/2018/NĐ-CP nhằm tháo gỡ những vấn đề trên.
Do đó, tại hội thảo “Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khí” chiều 22/9, có nhiều đề xuất quan trọng về quản lý nguồn, phân phối và quản lý giá gas được đưa ra.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết, có rất nhiều đầu mối kinh doanh khí mà không có sự kiểm soát rõ ràng, gây mất an toàn cháy nổ; việc quản lý các công ty đầu mối chưa gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng.
“Khâu trung gian quản lý chưa tốt, các doanh nghiệp làm ăn chân chính đều không có hiệu quả, thậm chí nhiều doanh nghiệp lớn phải rời bỏ thị trường”, ông Loan đề xuất các quy định sắp tới cần công bằng hơn cho doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh.
Đại diện doanh nghiệp, ông Trần Anh Khoa – Ban Nguồn và Phát triển thị trường PV Gas – nêu thực trạng, hiện có khoảng 47 thương nhân xuất nhập khẩu và có thêm nhiều thương nhân khác trong lĩnh vực LPG. Điều này dẫn đến mất cân đối nguồn hàng trên thị trường và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Chẳng hạn, nhu cầu LPG của Việt Nam phụ thuộc 62-65% nguồn LPG nhập khẩu. Nếu không có quy định ràng buộc về nghĩa vụ nhập khẩu, dự trữ và lưu thông LPG đối với thương nhân, rất dễ gây nên tình trạng thừa – thiếu cục bộ.
Thực tế có những thời điểm thiếu hàng trầm trọng do nguồn cung LPG thế giới khan hiếm, thương nhân quy mô nhỏ không có hợp đồng nhập khẩu LPG dài hạn.
Ông Khoa nói thêm, việc có quá nhiều thương nhân tham gia vào quá trình phân phối nguồn sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh do tăng/giảm giá bán bất thường; từ đó gây ra sự rối loạn cho thị trường bởi Nhà nước chưa can thiệp vào giá bán của thương nhân.
Đại diện PV Gas còn kiến nghị Bộ Công Thương cần có thêm quy định về công suất tối thiểu đối với bồn chứa LPG và LNG. Đồng thời, siết quy định thương nhân phải có thương hiệu LPG riêng và có hệ thống phân phối.
Góp ý cho dự thảo, ông Hosokoji Yu – Chủ tịch công ty bán lẻ Gas Bình Minh, Tổng giám đốc Công ty Sopet Gasone (Nhật Bản) cho hay, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về các điều khoản cần có trong hợp đồng cung cấp gas cho khách hàng.
Đó là lý do khiến người tiêu dùng vẫn sử dụng những bình gas bị sang chiết trái phép, không đạt tiêu chuẩn về an toàn mà không hề hay biết, dẫn đến nguy cơ rủi ro cháy nổ cao.
“Cần có hợp đồng cung cấp gas giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng. Việc này để phân định rõ trách nhiệm của các bên, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng gas an toàn”, ông nói.
Ông Hosokoji Yu đề xuất cần có nghiệp vụ bảo an bắt buộc khi cung cấp gas cho người tiêu dùng. Ví dụ tại Nhật Bản, người giao gas cho khách bình từ 8kg trở lên bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ về bảo an và chứng chỉ vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Trong khi người giao gas tại Việt Nam bình đến 45kg lại không có chứng chỉ này.
Phó Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam Trần Minh Loan cho biết sau hội thảo sẽ có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành chức năng ý kiến góp ý cho việc sửa đổi Nghị định 87 nhằm xây dựng một hành lang pháp lý hiệu quả, hướng đến một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp tục đóng góp hiệu quả cho kinh tế xã hội, an ninh năng lượng quốc gia.