Lãi tiền tỷ nhưng vẫn lo
Sinh sống ổn định tại một căn hộ trong dự án nhà ở xã hội @Home trên đường Tam Trinh (Hoàng Mai, Hà Nội) từ năm 2018, vừa qua vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh quyết định bán để chuyển đổi chỗ ở mới. Điều chị bất ngờ nhất là giá căn hộ của chị đã tăng gấp đôi.
Chị Hạnh chia sẻ, căn hộ chị vừa bán có diện tích là 58,5m2, được bố trí 2 phòng ngủ. Căn hộ này được bán với giá 2,1 tỷ đồng, tương đương gần 36 triệu đồng/m2, trong khi giá mua năm 2018 chưa tới 15 triệu đồng/m2.
“Trừ phần chi phí làm nội thất, căn hộ của tôi sau 5 năm về ở đã tăng lên gấp đôi. Dù vậy, số tiền này của tôi cũng không đủ để mua một căn hộ chung cư thương mại khu vực lân cận, do giá nhà đều tăng”, chị Hạnh chia sẻ.
Tương tự, vợ chồng anh Trần Văn Lộc cũng vừa bán căn hộ gần 65m2 tại nhà ở xã hội Đại Kim Building (Hoàng Mai, Hà Nội) với giá 32 triệu đồng/m2, cao hơn gấp đôi giá mua cách đây 6 năm.
Theo anh Lộc, để thuận tiện cho công việc vừa thay đổi, gia đình anh quyết định bán căn hộ này để chuyển sang mua một căn hộ thương mại. Tuy nhiên, khi tham khảo giá một số dự án tại Thanh Xuân, Hà Đông đều có giá trên 50 triệu đồng/m2.
“Để mua được một căn hộ 2 phòng ngủ ở dự án chung cư thương mại, ít nhất phải bỏ ra số tiền trên 3 tỷ đồng. Theo tính toán, tôi phải bù thêm hơn 1 tỷ đồng nữa mới mua được một căn chung cư thương mại diện tích tương đương như căn hộ cũ”, anh Lộc chia sẻ.
Thực tế, căn hộ tăng giá từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng không phải chuyện hiếm tại nhiều dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội. Tuy nhiên, việc tìm mua được căn hộ mới cũng khó khăn khi hầu hết dự án từ cũ đến mới đều tăng giá cao, vượt xa thu nhập trung bình của người dân.
Giá căn hộ chung cư “phi mã”
Theo Bộ Xây dựng, trong quý III vừa qua, căn hộ chung cư là loại hình bất động sản ít bị ảnh hưởng nhất bởi các tác động tiêu cực của thị trường trong năm qua do loại hình này phục vụ nhu cầu ở thực.
Mức độ quan tâm chung cư đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tìm mua căn hộ chung cư tăng 1% và tìm thuê tăng 6% so với quý trước. Trong đó, các căn hộ có giá trong khoảng 2-4 tỷ đồng được tìm kiếm nhiều nhất.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư mở bán trong quý III trên thị trường sơ cấp trung bình tăng gần 7% theo quý, tăng 14% theo năm và đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2.
Việc giá bán có sự điều chỉnh theo xu hướng tăng do lượng nguồn cung mới thuộc phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng áp đảo (trên 90%). Cùng với đó, một số chủ đầu tư có sự điều chỉnh tăng giá và mở bán thêm quỹ hàng ở các tầng cao hơn.
Trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ chung cư trung bình vẫn duy trì đà tăng từ quý trước, đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% theo quý và 0,8% theo năm. Tất cả quận trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận giá bán thứ cấp trong quý III tăng so với quý II, trong đó các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và huyện Gia Lâm tăng trên 3%.
Báo cáo của một đơn vị cho thấy trong 4 năm gần đây, giá chung cư đã tăng tới 77%. Trong quý III năm nay, giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư đã đạt 54 triệu đồng/m2, tăng trong 19 quý liên tiếp và tăng hơn 77% so với quý I/2019. Nói cách khác, giá một căn chung cư hiện tại đã đắt gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2019.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – cho rằng, việc tìm kiếm một căn hộ bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại Hà Nội lúc này thực sự là bài toán khó.
Theo ông Đính, ở thời điểm năm 2017-2018, với tài chính trên dưới 2 tỷ đồng, người mua có thể sở hữu được một căn hộ 55-60m2 ở các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mặt bằng giá chung cư đã tăng lên rất nhiều lần.
Cũng theo ông, với số tiền 2 tỷ đồng, người mua nhà “đỏ mắt” cũng khó tìm căn hộ mới ở vị trí các quận trung tâm thành phố.