Phải nói ngay là trong dòng nhạc cách mạng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nổi lên như một hiện tượng “nhạc đỏ nhưng rất lãng mạn”. Để có được một phong cách rất riêng này là do ông rất “mát tay” khi chọn phổ nhạc những bài thơ nổi tiếng, mà mỗi bài phổ nhạc lại mang một giai điệu, một âm sắc hết sức sinh động… Những ca khúc phổ thơ của Phan Huỳnh Điểu muôn hình vạn trạng, đa sắc màu nhưng tất thảy đều lay động con tim người nghe.
Khúc dạo đầu của đêm nhạc là phần biểu diễn của các cháu Nhà Thiếu nhi Thành phố qua liên khúc Nhớ ơn Bác và Đội kèn tí hon. Rồi ba chàng trai của nhóm MTV đưa khán giả về với không khí sôi động, hào hùng của những đoàn quân Nam tiến qua ca khúc Đoàn Vệ quốc quân (sáng tác năm 1945)… Điểm nhấn của đêm nhạc chính là những ca khúc phổ thơ: Ca khúc chủ đề Ở hai đầu nỗi nhớ (thơ Trần Hoài Thu) đầy nhớ thương, khắc khoải qua tiếng hát Minh Thư. Dù trong chiến tranh gian khổ, vừa chiến đấu vừa… yêu nhau, lãng mạn vô cùng với Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ, song ca Đặng Hoàng Nam – Lê Thu Hiền); hoặc vừa cháy bỏng vừa dịu dàng thủy chung trong những ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh: Thuyền và biển (Đặng Hoàng Nam trình bày), Thư tình cuối mùa thu (Minh Thư). Ở hai bên dãy Trường Sơn, tình yêu là nỗi tương tư đầy luyến láy qua Sợi nhớ, sợi thương (thơ Thúy Bắc, Lê Thu Hiền trình bày)… Ngoài những ca khúc phổ thơ này, còn có Tình trong lá thiếp (song ca Dương Phi – Tánh Linh), Những ánh sao đêm (Thế Vỹ) cũng thật đặc sắc.
Một tiết mục đặc biệt của đêm nhạc là phần hòa tấu nhạc cụ dân tộc (đàn bầu, tam thập lục, tranh, tỳ bà, t’rưng, trống, guitar…) của Đoàn 4 Thông tin quân đội thể hiện ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: Bóng cây Kơnia. Khán giả đã vỗ tay tán thưởng nhiều đợt.
Hai ca sĩ thể hiện xuất thần trong đêm nhạc là Việt Hoa với ca khúc Em như áng mây (thơ Trương Nam Chi) và Lý Hoàng Kim với 2 ca khúc Đêm nay anh ở đâu?, Tia nắng (Lý Hoàng Kim là giảng viên thanh nhạc của Nhạc viện TP.HCM). Hai ca sĩ đã tỏ rõ “đẳng cấp” khi xử lý các ca khúc nổi tiếng trên.
Không khí sinh động cũng đến từ các vị khách mời (không có trong chương trình), đó là nhạc sĩ Trương Quang Lục (90 tuổi), nhạc sĩ Trần Hiếu (87 tuổi) và ca sĩ lão thành – NSƯT Măng Thị Hội (75 tuổi)… Nhạc sĩ Trương Quang Lục nhắc nhớ lại thời theo các nhạc sĩ đàn anh tham gia cách mạng năm 1947 (ông kém nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu 9 tuổi). Một kỷ niệm giữa hai nhạc sĩ là cùng phổ bài thơ Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ… Nhạc sĩ Trần Hiếu dù đã U.90 nhưng vẫn lên sân khấu, hùng hồn, giục giã trong Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh) khiến khán giả vỗ tay và hát theo thật rộn ràng. Đặc biệt nữ NSƯT Măng Thị Hội vừa được mời lên sân khấu đã bật khóc khiến MC Quỳnh Hoa cũng mủi lòng và ân cần an ủi, động viên bà… Bà nói: “Nếu không có anh Phan Huỳnh Điểu thì chắc chắn đã không có Măng Thị Hội. 50 năm ca khúc Bóng cây Kơnia (thơ Ngọc Anh) gắn liền với cái tên Măng Thị Hội. Các con tôi cứ nói: Mẹ ơi, mẹ làm ca sĩ nhưng chỉ hát mỗi một bài!”… Rồi bà cất tiếng hát: “Buổi sáng em làm rẫy…”, chỉ mới chừng ấy âm tiết mà cả khán phòng vỗ tay rần rần. Quả thực “gừng càng già càng cay”, bài Bóng cây Kơnia đã được “đóng đinh” vào giọng hát Măng Thị Hội, bà càng hát càng xuất thần, giọng hát cao vút, điêu luyện. Nghe bà hát, không ai nghĩ bà đã đến ngưỡng U.80… Nhạc sĩ Phan Hồng Hà (con trai của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) nói với người viết: “Không ai hát Bóng cây Kơnia hay bằng chị ấy. Tối nay chị ấy hát xuất thần!”.
Nhạc sĩ Phan Hồng Hà cũng chứng tỏ là “con nhà nòi”, lúc thì đeo đàn Accordeon đệm cho nam ca sĩ Việt Hoa hát, lúc lại ngồi vào đàn dương cầm đệm cho con gái (chị Thu Hương) và cháu ngoại (Tuấn Kiệt) lĩnh xướng trong tốp ca Còn mãi tình yêu (sáng tác của Phan Hồng Hà, lời bài hát có nhắc hầu như đầy đủ tên các ca khúc của bố mình). Hẳn anh linh của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ rất hài lòng với con trai, cháu và chắt của mình trong tiết mục này.
Cũng cần nhắc đến sự duyên dáng, uyển chuyển của MC Quỳnh Hoa đã đem đến cho đêm nhạc những ấn tượng khó quên nhờ khả năng ứng xử nhanh nhạy của chị với nhiều tình tiết đột biến trên sân khấu.