“Túi” cá linh-cá đặc sản vùng đầu nguồn sông Hậu
Cái nắng ban trưa chiếu thẳng xuống miền biên giới chói chang, những chiếc vỏ lãi chở đầy ắp cá linh lướt trên đồng lũ.
Tấp vào bến chợ, thanh niên, trai tráng trong xóm cầm vợt hối hả bước xuống vỏ lãi xúc cá mang lên cân. Hiện nay, con cá linh đã lớn bằng ngón tay xuất hiện rất nhiều.
Đây là lần đầu tiên, chúng tôi tận mắt xem nguồn cá linh với trữ lượng nhiều như vậy. Anh Phương (chuyên xúc cá linh thuê) cho hay, hàng ngày, có hàng chục chiếc vỏ lãi chở cá đến cân.
Trúng ngay con nước, mỗi vỏ lãi chở hàng tấn cá linh sang bán tại vựa này.
“Cá nhiều quá, không chỗ rọng phải ướp đá bán cho các chủ nuôi cá. Mấy bữa nay, cá linh to rồi! Cá linh lớn đem kẹp tre nướng than chấm mắm me, ngon lắm!” – anh Phương cười khục khặc.
Đứng trên chiếc bè nuôi cá của ngư dân, chúng tôi thấy bà con cho cá ăn bằng con cá linh “ngộp”. Mùa lũ này, anh Bảy Hải nuôi 1 bè cá thác lác cườm hơn 10.000 con. Nhờ nguồn cá linh làm thức ăn chăn nuôi nên Bảy Hải có thêm thu nhập trong mùa nước nổi.
“Ở đây, nguồn cá linh có mỗi ngày. Tôi mua cá linh “ngộp” vỗ béo đàn cá thác lác cườm. Đàn cá này, tôi nuôi được khoảng 2 tháng, cá lớn bằng cườm tay. Dự tính cuối mùa nước nổi, cá vô ký tôi sẽ gạn bán” – Bảy Hải khoe.
Cá linh đầy khoang vỏ lãi vùng đầu nguồn sông Hậu-huyện An Phú, tỉnh An Giang. Cá linh là một trong những loại cá đặc sản, cá đồng ngon xuất hiện vào mùa nước nổi.
Nhìn con cá linh được bà con dùng làm thức ăn nuôi cá, chúng tôi hơi tiếc, bởi lẽ con cá linh ở thị thành được người dân xem là đặc sản trong mùa nước nổi. Tuy nhiên, vùng đầu nguồn, cá mắm trù phú, cá linh “ngộp” thì ủ mắm hoặc làm thức ăn chăn nuôi cá là chuyện thường ngày của bà con nơi đây.
Sống ven biên, cư dân 2 nước qua lại trao đổi mua bán, nên bà con mình rành tiếng Campuchia. Mỗi khi chiếc vỏ lãi cặp bến, họ đối thoại bằng tiếng nước bạn rôm rả. Chúng tôi không biết tiếng Campuchia, nhưng ngầm hiểu, họ đang ngã giá mua bán cá linh với nhau.
“Ngày nào không ngay con nước, cá linh chạy ít, giá cá nhỉnh hơn. Hôm rồi, cá chạy mạnh, bị dội chợ, giá rất thấp” – anh Tư Quý cho hay. Chúng tôi nhờ Tư Quý “dịch” hỏi ngư dân nước bạn về tình hình đánh bắt cá linh bên đó như thế nào thì được biết rằng: “Ngư dân nước bạn Campuchia cũng sử dụng ngư cụ đú giống như ngư dân bên nước mình. Nguồn cá bên cánh đồng nước bạn rất nhiều”.
Vui nhộn mùa nước nổi
Theo Tư Quý, không riêng mùa nước nổi năm nay nguồn cá linh phong phú, hàng năm, khi con nước sông đỏ quạch phù sa là ngư dân nước bạn Campuchia chở cá sang cân rất đông. Cánh đồng nước bạn hoang vắng nên nguồn cá linh được bảo tồn trong thời gian cá “ôm” trứng rất nghiêm. Nhờ vậy, nguồn lợi thủy sản rất phong phú. Trước đây, phía nước bạn chưa sử dụng đú khai thác cá linh, nguồn cá linh trôi dạt về hạ nguồn rất nhiều.
“Sau này, thấy bà con bên mình đặt đú khai thác cá linh nên họ học tập, sang mua ngư cụ đú, lọp cá linh, lọp cua, lọp tôm về đặt. Nguồn thủy sản được người dân nước bạn thu hoạch chở qua cân nườm nượp cho tiểu thương” – Tư Quý nhớ lại.
Cái nắng nghiêng qua đầu người, những chiếc vỏ lãi chở cá linh thưa dần. Lúc này, thanh niên bắt đầu công đoạn “lược” cá linh. Chiếc rổ to có mắt lưới kẽm thưa được các anh đổ cá linh vào. Con cá nào chạy lọt mắt lưới thì rọng lại trong chiếc mùng lưới cặp mé sông. Cá nằm yên trong rổ thì đem ướp nước đá. Cứ như vậy, họ làm cho đến xế chiều.
Mỗi ngày công, họ nhận 300.000 đồng, nhờ vậy bà con có công ăn chuyện làm suốt các tháng trong mùa nước nổi. Chúng tôi bước lên căn nhà sàn của chị Sương, thấy nhiều phụ nữ ngồi xúm xít bên thau cá linh, miệt mài làm sạch bụng.
“Tôi làm công, mỗi ngày móc ruột cá linh khoảng 3 – 4kg. Mỗi ký, chủ nhà trả công 40.000 đồng. Ngày nào làm nhiều được 5kg, kiếm ngót nghét 200.000 đồng. Năm nào cũng vậy, đến mùa cá linh, chị em trong xóm đến đây làm cá linh kiếm thêm thu nhập” – chị Nguyễn Thị Bé Ba trần tình.
Chị Sương (thương lái có tiếng ở vùng đầu nguồn) cho hay, vựa cá của chị thu mua mỗi ngày từ 7 – 10 tấn cá linh của ngư dân nước bạn Campuchia. “Hôm nay, cá linh “chạy” mạnh. Sáng giờ, cân hơn 10 tấn. Cá “ngộp” nhiều quá phải đem ướp đá” – chị Sương cho hay.
Ngư dân huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang mang cá linh lên cân cho tiểu thương.
Từ đây, nguồn cá linh được chị phân phối khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Vựa cá của chị giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động làm công, thu nhập ổn định trong mùa nước nổi. Mỗi ngày, vựa cá của chị Sương có hàng chục bạn hàng đường xa tại các huyện đến cân cá linh rọng sống mang về bán lẻ tại các chợ quê trong tỉnh. Ngoài ra, đối với cá linh làm sạch, chị Sương cho vào ướp nước đá mỗi bọc 0,5kg để phân phối các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
“Đầu mùa nước nổi, nguồn cá linh ở đây tiêu thụ ở các chợ lớn rất mạnh. Nhiều lúc không đủ phân phối. Những ngày qua, nguồn cá linh được ngư dân nước bạn chở sang nhiều. Hiện nay, cá linh lớn bằng ngón tay, giá dao động 10.000 – 15.000 đồng/kg. Có thời điểm, trúng ngay con nước, cá linh chạy mạnh, chỉ dao động 6.000 – 10.000 đồng/kg. Cá linh bị “ngộp” 3.000 – 4.000 đồng/kg” – chị Sương thật tình.
Chia tay vựa thu mua cá linh của chị Sương, chúng tôi gặp cánh đàn ông đậu lại những chiếc xe gắn máy “đèo” phía sau cặp giỏ xách to mang cá linh rọng sống đổ vào, tranh thủ chạy về để kịp bán lẻ ở các chợ quê. Nhờ nguồn cá linh giá rẻ tại vùng biên giới này nên người dân địa phương có thu nhập rủng rỉnh.
Từ lâu, mùa nước nổi luôn mang theo nhiều sản vật, mỗi khi có dịp về huyện đầu nguồn An Phú vào buổi sớm mai sẽ bắt gặp ngư dân khai thác, mua bán cá linh sôi động trên cánh đồng nước.
Nguồn: https://danviet.vn/o-dau-nguon-song-hau-cua-an-giang-ca-dong-la-liet-ca-an-cha-het-mua-nuoc-noi-xuc-ca-tan-ca-linh-20240917081020143.htm