Cá thòi lòi được Tổ chức Sinh vật thế giới xếp vào 1 trong 6 sinh vật kỳ lạ nhất hành tinh bởi có hình dáng ngộ nghĩnh, vừa sống dưới nước vừa biết kiếm ăn, đào hang trên cạn lại vừa có thể leo cây.
Loài cá này sinh sống trong tự nhiên, chủ yếu ở bãi bồi ven biển, thịt cá săn chắc, dai ngon, được chế biến thành nhiều món. Cá thòi lòi rất tinh ranh, nhanh nhẹn trong việc lẩn trốn. Ðể khai thác, người dân vùng bãi bồi đã sáng tạo nhiều cách bắt độc đáo.
Ông Nguyễn Văn Yên, ở ấp Cái Mòi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, gắn bó với nghề bắt cá thòi lòi đã hơn 20 năm. Theo ông, trước đây, ở vùng bãi bồi cá thòi lòi nhiều vô kể nhưng ít ai chế biến loài cá này thành món ăn nên giá khá rẻ.
Những năm gần đây, nhất là từ khi cá thòi lòi được công nhận nhãn hiệu Cá thòi lòi Ðất Mũi – Cà Mau, loài cá độc, lạ này nức tiếng gần xa, giá trị kinh tế tăng vọt, đem lại nguồn thu nhập lớn cho những người làm nghề săn cá.
Ông Nguyễn Văn Yên (bìa phải) cùng con trai vào rừng săn loài cá thòi lòi.
Ông Yên cho hay, có rất nhiều cách để bắt được cá, như soi, thụt hang, cắm câu, nhưng phổ biến và hiệu quả nhất là đặt xà di. Trước đây, xà di được làm bằng lá dừa nước bện lại với nhau theo hình chóp nón nhưng dụng cụ này khá nặng, cồng kềnh, khó di chuyển trong rừng nên những người săn cá đã nghiên cứu, sáng tạo ra xà di lưới. Xà di lưới có miệng tròn, khoanh bằng dây chì hoặc ống cao su dẻo, đường kính từ 25-30 cm, độ dài lưới khoảng 70 cm. Phần lưới cũng kết theo hình chóp, được buộc chắc chắn ở đầu trên, khiến cá chui vào thì dễ nhưng khó thoát ra.
Mỗi ngày, canh con nước ròng, ông Yên cùng với người con trai chạy vỏ lãi, men theo vùng rừng đước, bãi bồi để đặt xà di bắt cá. Theo kinh nghiệm của ông Yên, khi thuỷ triều xuống, cá thòi lòi làm hang trú ẩn trên bãi bồi hoặc dưới những cánh rừng đước. Chỉ cần ém chặt xà di ngay miệng hang, sau khoảng 15 phút, cá ngoi lên để hít thở hoặc kiếm ăn là sẽ dễ dàng sụp bẫy.
Với hơn 200 cái xà di, mỗi ngày cha con ông Yên bẫy được từ 5-7 kg, có bữa trúng thì gần chục ký cá thòi lòi. Cá lớn ông bán cho nhà hàng, quán ăn phục vụ du lịch, cá nhỏ thì ông bán cho những hộ nuôi cá thòi lòi. Giá bán tuỳ theo kích cỡ, dao động từ 50-100 ngàn đồng/kg, giúp gia đình trang trải chi tiêu.
Cá thòi lòi sinh sản quanh năm, nhưng cao điểm từ tháng 2-6 âm lịch cá sinh sôi nhiều nên đi săn hiệu quả nhất. Hiện nay, cá thòi lòi đã trở thành đặc sản nức tiếng của vùng Ðất Mũi – Cà Mau, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như kho tộ, canh chua cơm mẻ, nướng muối ớt, phơi khô… Cá không chỉ tiêu thụ mạnh ở địa phương mà còn xuất bán đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí xuất ngoại theo đường tiểu ngạch. Ðặc biệt, khách phương xa đến đây ai cũng muốn một lần nhìn thấy và nếm thử mùi vị thơm ngon đặc trưng của loài cá độc, lạ này. Do đó, hộ làm nghề không lo về đầu ra.
Hiện nay, biểu tượng cá thòi lòi được xây dựng ở Khu Du lịch Mũi Cà Mau, thu hút rất đông du khách chụp ảnh lưu niệm. Ðể du khách có cơ hội khám phá, tận mắt chứng kiến và tận tay bắt được loài cá này, các điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn đã kết hợp hoạt động trải nghiệm săn cá thòi lòi, thu hút đông đảo du khách thích thú tham gia.
Ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Ðất Mũi, cho biết: “Cá thòi lòi có giá trị kinh tế, mang lại việc làm, thu nhập cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, cái khó là loài cá này chủ yếu sinh sôi trong tự nhiên, do đó, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền đến những hộ làm nghề chỉ khai thác những con đạt kích cỡ. Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản tìm hướng thử nghiệm sinh sản nhân tạo giống cá thòi lòi để nhân rộng mô hình nuôi cá trong ao đất. Khai thác và bảo tồn hiệu quả loài cá độc, lạ này sẽ giúp người dân phát triển kinh tế bền vững”.
Nguồn: https://danviet.vn/o-ca-mau-co-loai-ca-tinh-ranh-nhanh-nhen-khien-tho-san-phai-u-muu-nghi-muon-ke-moi-tom-co-duoc-20240801162005463.htm