Xu hướng du học tìm việc làm ở nước ngoài
Chiều 25.2, tiếp tục chương trình Tư vấn mùa thi năm 2024 do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), hơn 2.000 học sinh thích thú khi được giao lưu và lắng nghe những câu chuyện rất thực tế trong việc chọn ngành học, du học, tìm kiếm việc làm ở khu vực và thế giới từ thạc sĩ Hoàng Anh Đức, Tổng giám đốc Hệ thống giáo dục Sky-Line.
Thạc sĩ Hoàng Anh Đức từng tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Quản lý Maastricht (Hà Lan), có chứng chỉ quản trị và lãnh đạo trường học tại trường sau ĐH về giáo dục Harvard.
Thạc sĩ Hoàng Anh Đức bắt đầu câu chuyện truyền cảm hứng bằng lời kể về chính mình: “Nếu như quay ngược trở lại tuổi của các bạn, tức là cách đây khoảng tầm 15 năm, thì trong đầu mình lúc đó không hình dung được thế nào là quản trị tri thức, và không thể hình dung đến một ngày mình sẽ hoàn tất chương trình nghiên cứu tiến sĩ về quản trị tri thức cả…”.
Theo lời thạc sĩ Hoàng Anh Đức, ở thế hệ của anh, chuyện du học là điều xa vời dù có học lực rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay du học hay theo học chương trình đào tạo liên kết quốc tế đã giúp ước mơ du học của học sinh cơ bản thuận lợi hơn.
Trò chuyện cùng thạc sĩ Hoàng Anh Đức, Thảo Vân (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.Đà Nẵng) cho biết em đang chuẩn bị hồ sơ và cũng nhận được học bổng của một số trường ở Mỹ. Tuy nhiên, Thảo Vân vẫn chưa xác định được trường nào sẽ theo học, còn ngành học thì dự định sẽ là ngành Khoa học máy tính về phần mềm hoặc Al.
“Điều em băn khoăn nhất có lẽ là về ngân sách của gia đình và về visa. Ngoài ra, em cũng khá tò mò về cuộc sống bên Mỹ nên có hỏi chuyện các anh chị đi trước và được nghe những câu chuyện mà trên mạng không có”, Thảo Vân tâm sự.
Thạc sĩ Hoàng Anh Đức đã đưa ra nhiều lời khuyên và mong rằng Thảo Vân tìm hiểu rõ hơn về những nguyên tắc, điều khoản về việc hỗ trợ tài chính, học bổng của các trường ở Mỹ.
Vận dụng năng lực tự thân để ‘tìm’ thành công
Thạc sĩ Hoàng Anh Đức cũng kể những câu chuyện thực tế cách đây 5 năm về một học trò cũ nhận được học bổng ở châu Âu. Khi bạn ấy nhận được học bổng thì cả gia đình, họ hàng rất vui mừng.
Mang theo sự kỳ vọng của gia đình và họ hàng, du học sinh này quyết tâm lên đường đến một vùng đất mới để “chạm vào ước mơ”.
Thế nhưng, sự khác biệt về địa lý, thời tiết và đặc biệt là mùa đông giá lạnh, tuyết phủ trắng… ở châu âu đã khiến bạn du học sinh gặp nhiều khó khăn.
“Điều đáng tiếc là bạn ấy rơi vào trầm cảm nhẹ mà không biết nói chuyện với ai. Sau học kỳ thứ 2 của năm học đầu tiên, bạn ấy bị mất học bổng vì thành tích học tập đi xuống. Khó khăn nhất lúc này là bạn du học sinh ấy không kể với gia đình là bị mất học bổng vì sợ bố mẹ sốc, không thể nào chấp nhận được việc này”, thạc sĩ Hoàng Anh Đức kể.
Sau đó, bạn du học sinh chọn giải pháp đi làm thêm theo quy định của sinh viên quốc tế nhưng vẫn không đủ chi phí trang trải. “Bạn ấy tiếp tục đi làm “chui” ở những cửa hàng do người Việt làm chủ, và kết quả là bạn ấy bị “sa lầy” đến kỳ 1 năm thứ 2 vẫn chưa lấy lại được học bổng, mà còn bị nhà trường đưa ra cảnh cáo là có khả năng bị thôi học vì học lực sa sút quá nghiêm trọng”, thạc sĩ Đức kể.
Cuối cùng, người học trò ấy liên lạc với thạc sĩ Đức. Không có cách nào khác, anh đón xe ra gặp và nói chuyện với bố mẹ bạn du học sinh ấy (gia đình ở một tỉnh phía bắc).
Sau đó, đại diện gia đình đã sang châu Âu để gặp gỡ, động viên và tìm hướng giúp đỡ bạn du học sinh. Với sự đồng hành của bố mẹ và người thân, bạn du học sinh ấy đã nhận được học bổng ở năm thứ 4 và hoàn thành việc học.
“Qua câu chuyện này, thầy muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh là hãy trang bị một “tinh thần thép” để nỗ lực hết sức với đam mê và định hướng đã vạch ra. Để muốn leo núi thành công, điều đầu tiên phải biết đỉnh núi ở đâu, sau đó chỉ còn 2 thao tác chính là bước chân phải và bước chân trái…”, thạc sĩ Đức nhắn nhủ.
Thạc sĩ Đức cho rằng, đối với các bạn có ý định du học, bài toán lớn phải tính đến ngay từ bây giờ. Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn sẽ đi làm theo con đường và có thiên hướng như thế nào? Các bạn sẽ vào làm tại các công ty, doanh nghiệp hay đi theo con đường nghiên cứu? Trong khi các bạn đang học tại trường đại học, thì xu hướng lao động và xu hướng ngành nghề có sự thay đổi như thế nào?
Tại chương trình, nhiều học sinh đặt vấn đề: nếu hôm nay chọn ngành này, vài năm sau tốt nghiệp thì ngành nghề đó đã “bão hòa”. Giải quyết mối băn khoăn này, thạc sĩ Đức cho rằng mỗi người học phải trở nên “chất” hơn.
“Các bạn phải có năng lực tự thân, luôn luôn học tập những điều mới… để thành công với dự định của mình trong tương lai. Và để sau này bất kể các bạn ở đâu cũng luôn luôn là một con người có năng lực, tự rèn giũa bản thân và giúp đỡ những người xung quanh”, thạc sĩ Đức nói.