Dưới đây là những quy mô hợp tác xã điển hình phát huy hiệu quả cao trong thời gian ngắn sau khi được thành lập tại các địa phương.
Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Gành Dầu (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) được thành lập từ năm 2018. Khi đó có 16 thành viên tham gia, đến nay phát triển lên 36 thành viên.
HTX là mô hình vừa nuôi trồng thủy sản vừa cùng nhau để phát triển về dịch vụ du lịch. Sản phẩm của thành viên nuôi để cung cho tất cả các nhà bè và ở các nhà hàng trong thành phố. Nhờ điều kiện thời tiết, môi trường tự nhiên thuận lợi, kỹ thuật kết hợp kinh nghiệm nuôi nên cá ít bị dịch bệnh, phát triển tốt, tỉ lệ cá sống và cho thu hoạch lên đến 75 – 80%.
Mỗi thành viên thả nuôi từ 4.000 – 5.000 con chủ yếu là cá bớp, cá hồng mỹ, cá bè vẩu, cá chim vàng, cá mú…Thời gian thả nuôi từ 10 – 12 tháng là cho thu hoạch, thức ăn chủ yếu là cá tạp. Hằng năm mỗi xã viên lợi nhuận khoảng 200 – 300 triệu đồng tiền bán cá, quan trọng là nguồn ra ổn định nên bà con rất an tâm tham gia.
Nhiều thành viên HTX cho biết, trước đây bà con chỉ đánh bắt, nhưng về lâu dài, nguồn hải sản cũng cạn kiệt nên nghĩ đến chuyện nuôi trồng kết hợp với đánh bắt. Mặc dù vậy, việc nuôi nhỏ lẻ nên cũng chưa đạt hiệu quả cao.
Nhưng khi có HTX thì các thành viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật giúp nhau thông tin hữu ích. Ngoài ra việc kết hợp du lịch tạo được đầu ra ổn định hơn, giá thành cũng được tốt hơn và thu nhập cũng khá hơn. Du khách có thể tham quan bè cá nuôi, chụp ảnh check-in, được phục vụ ăn uống ngay trên bè nếu có nhu cầu hoặc có thể mua cá về.
Trên Báo Kinh tế & Đô thị đăng tải câu chuyện của HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Năm 2018, chính quyền xã Đại Áng đã vận động các hộ dân, làm đầu mối trung gian để tổ chức cho các gia đình ký kết hợp đồng cho thuê hơn 10ha đất. Toàn bộ diện tích trước đây đều là ao đầm nhưng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, người dân thường xuyên bỏ ruộng đồng, không sản xuất. Diện tích này sau đó được giao lại cho HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao”.
Với diện tích đất thuê được của các hộ dân, HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã bắt tay vào đào đắp, cải tạo; đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao”. Khu ao nuôi với 15 bể, đầu bể có máy thổi hút khí, bơm nước vào tạo dòng chảy để cá được nuôi trong môi trường nước giàu oxy. Hệ thống sục khí và thu dọn phân cá cũng được lắp đặt giúp làm sạch môi trường ao nuôi.
Việc tạo dòng chảy với thói quen của cá là thích vận động bơi ngược dòng nước nên thịt cá thơm ngon, săn chắc hơn nhiều so với nuôi trồng tự nhiên.
Cho đến nay, sau hơn 5 năm, HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã đi vào hoạt động ổn định. Hiện, trung bình mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường khoảng 250 tấn thủy sản các loại, trong đó, chủ yếu là các loại cá trắm, chép, trôi, rô phi, điêu hồng…
Mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của HTX đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm thủy sản thường xuyên được lấy mẫu kiểm tra, nhiều năm nay chưa phát hiện trường hợp mất an toàn.
Không chỉ tự nuôi trồng, HTX còn liên kết với nhiều đơn vị trong và ngoài địa bàn huyện Thanh Trì để đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản. Tổng số đơn vị trong chuỗi liên kết của HTX đến nay đã lên tới hơn 70 hộ. 100% các đơn vị liên kết phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi trồng VietGAP và bảo quản, chế biến đạt chất lượng HACCP.
Tại tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản có những bước phát triển mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, trong đó có nhiều mô hình HTX nuôi trồng và khai thác thuỷ sản hiệu quả.
HTX nuôi trồng thủy sản Hợp Thành, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương chia sẻ, HTX được thành lập tháng 6/2016. Hiện, HTX có gần 100 ha nuôi thuỷ sản với 30 hộ thành viên, tạo việc làm cho gần 100 lao động. Nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, nên hoạt động của HTX ổn định và từng bước phát triển, doanh thu bình quân đạt 3 tỷ đồng/năm.
Sau khi trừ chi phí, thu nhập của các thành viên đạt từ 7 – 10 triệu đồng/người/tháng. Theo các thành viên, HTX được thành lập chính là cầu nối để các hộ nuôi trồng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về nguồn giống, nguồn thức ăn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, người nuôi trồng thủy sản tại địa phương làm quen với phương thức sản xuất tập trung, liên kết và bền vững.
Sau 7 năm đi vào hoạt động, HTX đã góp phần hình thành tư duy sản xuất quy mô lớn, ứng dụng các biện pháp thâm canh cho người dân. Đến nay, cùng với việc tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ, thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư sử dụng thức ăn công nghiệp để thâm canh, tăng hiệu quả kinh tế.
Đức Thiện