6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 4,48%, cao hơn 0,52 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo kế hoạch tăng trưởng năm 2023 chưa đạt như kỳ vọng, do vậy sẽ đặt áp lực không nhỏ đối với toàn ngành trong 6 tháng cuối năm.
Đối mặt với nhiều khó khăn
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, sau Tết Nguyên đán, toàn ngành đối mặt với nhiều khó khăn, đó là giá đàn gia súc, gia cầm xuất chuồng giảm, trong khi giá nguyên liệu đầu vào, nhất là giá thức ăn tăng cao. Giá xuất bán lợn từ tháng 1-4 giảm sâu, có thời điểm dưới 50.000 đồng/kg thịt hơi. Với mức giá này, chăn nuôi lợn quy mô nhỏ cầm chắc lỗ vốn. Hầu hết các hộ chăn nuôi chỉ dám sản xuất cầm chừng, nhiều hộ đã không tái đàn sau khi thu hoạch. Giá xuất bán gia cầm mặc dù không giảm nhiều so với trước, tuy nhiên lượng tiêu dùng giảm, dẫn đến số lượng gà trưởng thành tồn chuồng nhiều; phát sinh chi phí thức ăn, thuốc thú y để duy trì đàn gà.
Ông Trần Văn Lãnh, Trưởng Phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở NN&PTNT), cho biết: Lợn và gà là 2 đối tượng chăn nuôi chủ lực của tỉnh, nếu giảm đồng nghĩa toàn ngành chăn nuôi giảm. Thời điểm cuối tháng 5/2023 tổng đàn lợn giảm 5%, bò giảm 2%; đàn gia cầm và đàn trâu tăng 2%, do tồn số lượng quá tuổi trưởng thành; tổng sản lượng xuất chuồng đàn gia súc, gia cầm 37.000 tấn, thấp hơn 19% so với kịch bản tăng trưởng (KBTT).
Tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản tăng so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn so với KBTT năm 2023. Cụ thể, 5 tháng đầu năm tổng sản lượng thủy sản đạt trên 61.000 tấn, cao hơn cùng kỳ 3,7%, thấp hơn KBTT 18%. Trong 3 tháng đầu năm, thủy sản tăng cả về sản lượng và giá xuất bán, do thừa hưởng kết quả của vụ thả nuôi cuối năm 2022 và tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 tăng cao. Trong quý II/2023, những đợt dịch bệnh phát sinh tại các ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng đã làm giảm sản lượng tôm nuôi, cộng thêm giá thu mua trên thị trường thấp, khiến cho giá trị ngành nuôi tôm giảm.
Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp 5 tháng đầu năm không có tính đột phá. Riêng lâm nghiệp đạt mức thấp ở các thông số diện tích trồng rừng, sản lượng lâm sản khai thác, giá trị lâm sản.
Những điểm sáng
Trong bối cảnh khó khăn, đáng mừng là khu vực nông, lâm, thủy sản của tỉnh vẫn có những điểm sáng, là hạt nhân để đảm bảo mức tăng trưởng toàn ngành theo KBTT năm 2023 đề ra. Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở NN&PTNT), phân tích: Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng gần 7%, sản lượng khai thác tăng gần 1%. Như vậy ngành thủy sản những tháng đầu năm đang chuyển dịch đúng hướng là tăng nuôi trồng, giảm khai thác.
Nuôi tôm nhỏ lẻ thời gian qua phát sinh những ổ dịch làm thiệt hại kinh tế người nuôi tôm, nhưng những mô hình nuôi tôm công nghệ cao vẫn đảm bảo được thành quả. Tổng sản lượng tôm nuôi đều từ các cơ sở nuôi tôm tập trung, có ứng dụng công nghệ cao ở Quảng Yên, Hạ Long, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Riêng phường Tân An (TX Quảng Yên) và xã Vạn Ninh (TP Móng Cái) không chỉ hình thành mới nhiều cơ sở nuôi tôm 3, 4 giai đoạn, nuôi tôm trong nhà, nuôi tôm vụ đông, mà còn hình thành cơ sở sơ chế tôm tại chỗ; qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, có nông hộ chấp nhận “gác chuồng”, không tái đàn vì thua lỗ; nhưng các mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao vẫn bảo toàn được vốn, thậm chí sinh lời (lãi 800.000 – 1 triệu đồng/con lợn). Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), các cơ sở chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao ít bị ảnh hưởng bởi những tác động từ thị trường là do chủ cơ sở làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, tự tạo nguồn thức ăn tại chỗ thay thế thức ăn ngay và thức ăn nhập khẩu, thay đổi khẩu phần thức ăn hợp lý… Từ đó cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đánh giá của Sở NN&PTNT, 6 tháng cuối năm vào vụ thu hoạch của nhiều loại cây trồng, vật nuôi, tạo đà cho gia tăng giá trị. Mức tăng trưởng toàn ngành đặt ra cả năm 2023 là hơn 5%. Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, áp lực tăng trưởng vẫn rất cao, nếu toàn ngành không nỗ lực, không khắc phục những điểm thiếu, yếu, phát huy điểm mạnh, tiếp tục tập trung đẩy mạnh các mô hình nuôi, trồng công nghệ cao.